Đội tuyển Đức: Hãy quẳng thứ bóng đá Unisex vào sọt rác!

18/10/2012 09:39 GMT+7 | Bóng đá Đức

 (TT&VH) - Đá trên sân nhà ở Berlin với sự cổ vũ của 72.369 khán giả, dẫn trước 4 bàn sau 55 phút thi đấu để rồi hòa Thụy Điển 4-4 mà Đức vẫn hú vía. Thứ bóng đá thiếu nam tính kiểu Unisex của thầy trò ông Joachim Loew xứng đáng bị vứt vào sọt rác!

HLV Loew cần trả lại sự mạnh mẽ cho tuyển Đức.

1. Trong trận đấu này, ông Loew đã thực hiện 2 sự thay đổi người, đều diễn ra trong hiệp 2 và đều không được đánh giá cao, thậm chí bị cho là sai lầm. Đầu tiên, ông tung Mario Goetze vào thay Thomas Mueller ở phút 67, khi Thụy Điển vừa gỡ được 2 bàn chỉ trong vòng 2 phút. Lẽ bình thường, lúc này Đức cần tập trung gia cố hàng thủ, trong đó có cả việc phòng ngự từ xa, để tăng cường khả năng thu hồi bóng, làm giảm sự hưng phấn của Thụy Điển. Goetze là một tiền vệ thiên hẳn về tấn công, không phải là sự lựa chọn hợp lý. Trên băng ghế dự bị, trung vệ Heiko Westermann, có thể đá tiền vệ phòng ngự khá tốt, không được ông Loew để mắt đến.

Tiếp theo, ở phút 87 khi tỷ số đang là 4-3, ông Loew lại rút Marco Reus ra và thay bằng Lukas Podolski. Cũng như Reus, Podolski là tiền đạo cánh, được tung vào sân ở thời điểm Đức cần phòng ngự một cách triệt để, thậm chí là tiêu cực. Một hậu vệ khác là Benedikt Hoewedes vẫn ngồi chờ được vào sân, nhưng ông Loew không đoái hoài đến. Có lẽ, trong cả hai tình huống này, ông Loew đã đánh giá không đúng mực về đối thủ, cộng thêm một chút sĩ diện, nên mắc sai lầm. Trong phép tính của ông, phải lấy tấn công để đáp trả lại tấn công nhưng thực tế, ông đã thua ở canh bạc ấy.

2. Dưới triều đại của các huấn luyện viên Juergen Klinsmann cũng như Joachim Loew, đội tuyển Đức luôn lấy tấn công làm trọng. Lối chơi ấy dựa vào sức trẻ của dàn cầu thủ tài năng, với cảm hứng lấy từ những đợt lên bóng dồn dập với tốc độ cực nhanh. Trong suốt gần 10 năm qua, khả năng phòng ngự của đội tuyển Đức chưa bao giờ được đánh giá cao, và trong đầu mình, người Đức cũng gần như không mấy khi nghĩ đến lối chơi phòng ngự chủ động. Với cách chơi tấn công được tán dương khắp nơi, qua những giải đấu lớn, đội tuyển Đức càng có thêm sĩ diện để nói không với lối đá “đổ bê tông” vốn hay bị phê phán.

Ông Loew có trong tay rất nhiều “nhạc trưởng” có thể truyền cảm hứng cho các cầu thủ trên hàng công, nhưng lại thiếu hẳn một người có thể làm chỗ dựa ở tuyến phòng ngự. Đội trưởng Philipp Lahm và thủ môn Manuel Neuer là hai chốt chặn quan trọng, rất giỏi về chuyên môn. Nhưng họ chưa bao giờ thể hiện được vai trò của một thủ lĩnh đích thực trên sân, một “đại ca” kiểu Stefan Effenberg hay Oliver Kahn trước đây. Chính vì thế, khi Đức cần xốc lại tinh thần sau những bàn thắng liên tiếp của Thụy Điển, ông Loew đã không biết trông cậy vào ai. Cả Lahm và Neuer thậm chí đều mắc lỗi nặng.

3. Bản thân ông Loew, sau rất nhiều thất bại của đội tuyển Đức, vẫn chưa rút ra được những bài học kinh nghiệm để tránh sa lại vào vết xe đổ trước đó. Tinh thần vốn là điểm mạnh bậc nhất của đội tuyển Đức trước đây thì nay lại là một trong những điểm yếu nhất. Kể từ khi đến với đội tuyển Đức, trong vai trò trợ lý cho ông Klinsmann rồi sau đó trực tiếp ngồi ghế huấn luyện viên, ông Loew đã áp dụng rất nhiều phương pháp khoa học vào huấn luyện và thi đấu. Nhưng việc rèn luyện về tinh thần, về tâm lý dường như đã bị bỏ quên.

Có thể dễ dàng nhận thấy cầu thủ Đức bây giờ, đặc biệt là các tuyển thủ quốc gia, nhanh hơn, mạnh hơn, di chuyển khôn khéo và dứt điểm tốt hơn, nhưng cũng yếu đuối về tinh thần hơn so với các đàn anh trước đây. Suốt hơn 8 năm qua, hoặc ông Loew không nhận ra điều đó, hoặc không có giải pháp khắc phục. Sau khi để thua Italia trong trận bán kết EURO 2012, hàng loạt tuyển thủ Đức đã đổ gục xuống sân. Kịch bản ấy lặp lại sau trận hòa như thua với Thụy Điển rạng sáng qua. Thay vì nung nấu quyết tâm báo thù, họ suy sụp một cách nhanh chóng và quá dễ dàng.

Hòa Thụy Điển 4-4 trong tình thế này thì chẳng khác nào thua, nhưng đó không hẳn là thảm họa đối với Đức. Thậm chí, Đức cần phải cảm ơn Thụy Điển vì đã dạy cho một bài học nhớ đời. Vấn đề còn lại: Thầy trò ông Loew có khắc phục được những điểm yếu đã phơi bày này hay không. Đá đẹp là chưa đủ, mà còn phải hiệu quả và mạnh mẽ, nhất là đối với thứ bóng đá của người Đức vốn nổi tiếng với “tinh thần thép”.

Đông Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm