Chuyện về Ballack và Lahm

18/09/2011 06:24 GMT+7 | Bóng đá Đức

(TT&VH Cuối tuần) - Ngay từ khi còn rất trẻ, các bạn ở Chemnitz đã gọi anh là “Tiểu Hoàng đế”, với niềm hy vọng sau này Ballack sẽ làm rạng danh bóng đá Đức. Mà quả thật, nhiều khi Ballack cũng đã đi tới mấp mé một cái gì có thể là phi thường như vậy. Sau World Cup 2002, Ballack là đỉnh cao của bóng đá Đức, từ năm 2004, anh là thủ lĩnh thực sự cuả đội tuyển Đức. Trong một thời kỳ mà bóng đá Đức thoái trào, Ballack đã là niềm tự hào, là chỗ ngóng trông của biết bao người.

Chuyện của Ballack

Ai đã từng được tôn xưng là thủ lĩnh? Matthäus, Sammer, Effenberg, Kahn..., là những vị vua không ngai và có ngai. Ballack nối tiếp vai trò đó. Vị trí này đòi hỏi cả hai điều: Tài năng và tính cách. Ballack được xem là cầu thủ toàn năng: Sút hai chân đều tốt, đánh đầu lại càng siêu hạng, lên công về thủ đều hay. Ballack là con người mạnh mẽ, rất quyết tâm và giàu cống hiến. Để cuối cùng nói đến hiệu quả: World Cup 2002, Đức được gọi là “đội bóng 1-0”, Ballack là người ghi bàn duy nhất trong trận thắng Mỹ và Hàn Quốc. Anh cũng là người đã “hy sinh” khi cản cơ hội ăn bàn cuả Hàn Quốc, nhận thẻ vàng mang tính chiến thuật và đau đớn ngồi nhìn đồng đội thua trận chung kết. Để đến được vòng chung kết World Cup 2002, Đức đã phải chơi trận play-off với Ukraina, nơi Ballack ghi tới 3 bàn trong 2 lượt trận đi - về. Bây giờ nói về Ballack, Mertesacker vẫn tỏ ra công bằng: “Bao giờ cũng vậy, ở Ballack, lời nói luôn đi đôi với hành động”. Nói và làm chính là công việc cuả người chỉ huy.

Huấn luyện viên Joachim Löw từng phải đứng ra giải quyết mâu thuẫn giữa Lahm và Ballack - Ảnh Getty

Nhưng, có lẽ Ballack không phải là cầu thủ may mắn. Anh khoác áo đội tuyển quốc gia 98 lần, mà không thể vượt qua 2 trận cuối cùng để bước vào “CLB 100”. Và nhìn chung, Ballack luôn thiếu vài phần trăm như vậy để lên đến mức tuyệt đỉnh. Nhiều thí dụ đã chứng tỏ rằng, anh là con người của Á quân, chứ chưa đủ sức và chưa có cơ may để lên cái chức vô địch. Thiếu là do chính anh, như bàn đá phản lưới nhà trận thua Unterhaching để Leverkusen mất ngôi vô địch năm 2000, Và thiếu cũng là do thế thời, do hoàn cảnh, như Đức chỉ có thực lực thế thôi trong trận chung kết World Cup 2002. Hình ảnh Ballack gần như ngã gục trên sân bóng nước Nga trong trận chung kết Champions League năm 2008 khi Terry sút hỏng quả phạt đền trở nên một hình ảnh tiêu biểu. Tiêu biểu cho Ballack dang dở. Ballack thiếu cái độ dướn cuối cùng trong thời điểm quyết định. Hình như đấy là khoảng cách “mãi mãi còn lại”. Người cẩn thận còn tính thêm rằng, từ năm 2006 đến nay, Ballack đã dính chấn thương cả thẩy 12 lần, ở xương và cơ, ở cổ chân, bắp đùi và háng... khiến cho cơ hội ra sân luôn bị đe dọa.

Một đặc điểm quan trọng: Dường như Bllack, trong tư cách một thủ lĩnh, còn thiếu sự vị tha. Effenberg có lần dặn các cầu thủ Bayern: “Gặp quả bóng nào khó xử lý, cứ chuyền về cho tôi. Tôi làm hỏng không sao, chứ các cậu mà làm hỏng thì chết”. Kahn mặc dù rất tự ái khi bị Lehmann lấy mất chỗ, nhưng trong trận tứ kết gặp Argentina năm 2006, trước khi bước vào loạt đá phạt đền cân não, anh đã xuống sân bắt tay động viên Lehmann.Cái bắt tay ấy đi vào lịch sử, như sự cao thượng biết chịu đựng cái đau riêng vì thắng lợi chung. Còn Ballack, anh chưa có cái cao cả như vậy để đồng đội thán phục. Cái uy của anh là sức mạnh từ vị trí trên đỉnh tháp, đầy tính gia trưởng và thấm đậm tinh thần “đại ca”.

Michael Ballack

Sinh ngày 26/9/1976 tại Görlitz, CHDC Đức

Hợp đồng bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên: Năm 19 tuổi, với FC Chemnitz ở giải hạng Nhì Đức.

Trận đấu đầu tiên ở Bundsliga: Năm 22 tuổi, trong màu áo Kaiserslautern gặp Leverkusen ngày 28/3/1998, trở thành nhà vô địch Đức ngay mùa đầu tiên, 1997-1998.

Đội tuyển U-21 Đức: Trận đầu tiên, ngày 26/03/1996, lúc 20 tuổi.

Đội tuyển quốc gia Đức: Trận đầu tiên ngày 28/04/1999, lúc 23 tuổi, vào sân thay Dietmar Hamann ở phút 60 trong trận giao hữu thua Scotland 0-1. Tính đến nay Ballack đã đá 98 trận và ghi được 42 bàn cho “Die Mannschaft”.

Trong số ra ngày 08/08/2010, tờ Bild có đăng một bài báo nhan đề “Tất cả đều chống lại Ballack”. Podolski vặc lại bằng một cái véo tai Ballack trên sân, Boeteng sau khi làm Ballack bị thương vẫn không chịu nhận lỗi lầm, vì cho rằng trước đó Ballack đã tấn công mình và đáng phải chịu đòn trả đũa. Trong đội Bayern, Lell đã phê phán Ballack cay nghiệt nhất: “Chẳng ai như Ballack, tự cho mình cái quyền can thiệp vào đời tư và phá hỏng đời tư người khác. Chẳng lẽ đấy lại là cách sống và các nghĩ của thủ quân đội tuyển quố gia?”. Lời lên án khiến báo chí nghĩ đến thái độ không nghiêm túc của Ballack với bạn gái của Lell. Vào giữa kỳ World Cup 2006, Ballack đến thăm đồng đội tại Nam Phi, nhưng anh đã bị cô lập và không tìm thấy điểm tiếp xúc nào để gắn anh với đồng đội.

Khi tuyển Đức đá hay và chơi thành công mà không cần Ballack, thì Ballack lại lên tiếng đòi hỏi vị trí vốn có của mình. Trong cuộc tranh dành dai dẳng ấy, Ballack có nhận đươc sự thông cảm, nhưng không có mấy sự ủng hộ mạnh mẽ. Quyền và lực đã không còn, mà tình lại quá thiếu. Và chuyện Ballack - Lahm nằm trong giai đọan này.

Chuyện của Philipp Lahm

Thật ra, khoảng cách giữa Lahm và Ballack chỉ là 7 năm, chưa đủ cho một thế hệ. Nếu Ballack chơi 19 trận ở đội U-21, thì Lahm đá 3 trận ở đội trẻ là chuyển ngay lên đội tuyển quốc gia. Năm 2004, đội tuyển Đức chơi 16 trận, thì Lahm có mặt trong 15 lần ra sân. Đặc biệt, Lahm đá đủ cả 3 trận tại vòng chung kết EURO 2004. Chúng ta nhớ lại, tại EURO 2000, mặc dù đã 24 tuổi, nghĩa là đã dầy dạn lắm rồi, Ballack chỉ chơi tổng cộng 63 phút. Nhưng Ballack năm 2000 và Lahm năm 2004 có một điểm chung: Đấy là giải lớn đầu tiên họ góp mặt đúng nghĩa, và đó là lúc đội tuyển Đức thảm bại. Cả hai sẽ góp sức vào sự phục hưng bóng đá Đức.

Trận đấu Anh - Đức nhân dịp khánh thành sân Wemley ngày 22/08/2007, người ta thấy Lahm chơi vị trí “số 6” (tiền vệ quét), bất ngờ hơn là Lahm chơi khá hay. Còn thông thường, anh đá hậu vệ biên, kể cả phải lẫn trái. Có khi trong một trận anh cũng phải chuyển cánh. Người ta bảo đổi chỗ như vậy cũng khó lắm, không khác gì đang lái ô tô theo luật chạy bên phải lại chuyển sang Anh lái theo kiểu bên trái. Thế mà lúc nào Lahm cũng xuất sắc. Nói như vậy, để thấy rằng Lahm cũng là cầu thủ đa năng, cũng tài danh và hiệu quả. Việc này có lý do rõ ràng: Trong các đội trẻ, Lahm đã đá cả tiền vệ trung tâm, hậu vệ cánh và tiền đạo biên. Bạn có nhớ bàn thắng quyết định 3-2 trận Đức hạ Thổ Nhĩ Kỳ ở EURO 2008 của Lahm hay không? Đẳng cấp của một tiền đạo ưu tú.

Nếu  chỉ quan tâm đến những chuyện ngoài lề kiểu ngôi sao, có thể bạn sẽ quên mất Lahm. Bạn sẽ không nhớ rằng anh luôn thuộc về đội hình tiêu biểu của những giải bóng đá lớn trên thế giới: World Cup 2006, EURO 2008, World Cup 2010. Mặc dù anh bé nhỏ, hơi có vẻ hiền lành, nhưng lối chơi thì rất tốc độ và vô cùng dứt khóat. Khi xem Lahm ghi bàn đầu tiên cho đội Đức tại World Cup 2006, có nhà báo đã ngạc nhiên: “Tôi cứ tưởng đấy là một chú bé nhặt bóng chạy nhầm vào sân”.

Khá nhiều người nhầm như vậy. Nhất là họ nhầm tưởng rằng, Lahm không có tính cách của một thủ lĩnh. Trong số nhưng người nhầm lẫn đó, có Kahn, có Effenberg, và có cả Sammer. Họ than phiền: Bây giờ tuyển Đức thiếu một “con sói đầu đàn”, Nhưng thật ra, Lahm rất dầy dạn trong cái vẻ ngây thơ của mình. Trên sân Wembley năm 2007, khi Schneider bị thay ra, lần đầu tiên Lahm đeo băng đội trưởng tuyển Đức. Tháng 8/2009, khi Đức gặp Trung Quốc trong trận giao hữu ở Thượng Hải, lần đầu tiên Lahm đi đầu dẫn cả đội Đức ra sân. Và từ World Cup 2010 đến nay, anh vẫn nguyên vị, cho dù có sự tấn công dữ dội của Ballack. Khi Lahm đeo băng, bản thân anh chơi hay, và cả đội đá hay, sao lại còn nghi ngờ phẩm chất lãnh đạo của Lahm nhỉ?

Trong năm thứ hai Van Gaal cầm quyền ở München, Bayern cứ đi mãi con đường thảm bại. Rất bất ngờ, Lahm trả lời phỏng vấn trên tờ “Nam Đức”, phê phán sự lãnh đạo tại đội bóng của mình là “thiếu tầm chiến lược, nhất là việc chiêu mộ cầu thủ”. Anh bị Rummenigge và Hoeneβ gọi lên, vì thực ra Lahm đã vi phạm quy tắc phê phán của CLB. Mức phạt dành cho Lahm là mức cao nhất trong lịch sử Bayern: 50.000 euro. Nhưng ngay sau đó, Hoeneβ mời Lahm uống ly rượu vodka trong cái chai rượu quý mà ông vừa được tặng. Sau này Lahm kết luận: “Lần nộp phạt ấy tạo cho tôi cơ sở mới trong việc phát biểu ý kiến xây dựng đội bóng”. Trong cuộc lý luận ầm ĩ xung quanh cuốn sách của Lahm vừa qua, toàn bộ ban lãnh đạo Bayern đều bảo vệ cầu thủ đội trưởng của mình.

Philipp Lahm

Sinh ngày 11/11/1983, tại München, CHLB Đức

Hợp đồng bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên: Năm 19 tuổi, với Bayern ở Bundesliga.

Trận đấu Bundesliga đầu tiên: Năm 20 tuổi, trong màu áo Bayern gặp Stuttgart ngày 03/08/2003.

Đội tuyển U-21 Đức: Đá 3 trận năm 2003.

Đội tuyển quốc gia Đức: Trận đầu tiên năm 21 tuổi, ngày 18/02/2004, Đức thắng Croatia 2-1. Trận này Lahm được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất. Tính đến nay, Lahm đã đá 83 trận và ghi được 4 bàn cho “Die Mannschaft”.

Sau khi sách in ra, lúc đầu nhiều người nghĩ Lahm đã phạm những sai lầm nghiêm trọng, nhưng rồi mọi người cũng hiểu rằng, Lahm thật ra đủ chín chắn trong việc xuất bản của mình. Thứ nhất, bản thảo cuốn sách Lahm đã nộp cho 3 người đọc trước: Bierhoff để thẩm định những phần nói về đội tuyển quốc gia, Hoerwick - người phụ trách báo chí và Hoeneβ - Chủ tịch Bayern. Bierhoff không có gì phản dối, còn Bayern thì cho phép. Lahm bị phê phán là vi phạm nguyên tắc “bốn bức tường” trong bóng đá (phần viết về đội tuyển quốc gia). Nhưng Bierhoff bảo rằng: “Những chuyện Lahm viết là những chuyện báo chí nói mãi rồi, ai cũng đã biết. Vả lại, trog cuốn sách của mình,Lahm không kể đích danh bất cứ ai cả”. Điều Bierhoff chưa hài lòng là: “Lahm vẫn còn là cầu thủ đang thi đấu, cho nên việc anh phê phán các HLV thì chưa thật thỏa đáng”. Đúng là Lahm có viết về Voeller chỉ cho tập mỗi ngày một giờ, còn thì cầu thủ  ngồi chơi điện tử trong phòng của mìh. Hay Klinsmann chỉ chú trọng trong khâu tập thể lực. Rồi Magath thường xuyên dọa dẫm làm cho cầu thủ khiếp đảm. Hay Van Gaal trong năm thứ hai chỉ biết có mình mà không biết lắng nghe những điều phải trái... Nhưng điều biện hộ cũng có sức nặng: Đấy là do tờ Bild chỉ trích đăng phiến diện, chứ nếu đọc toàn quyển sách, thì lời ngợi ca mang tính biết ơn đối với các HLV này cũng không phải là ít.

Điều quan trọng nhất: Lahm viết cuốn sách để làm gì? Theo anh, đó là cuốn sách mà chính anh muốn đọc, để cho các bạn trẻ biết rõ hơn về con đường dành cho một cầu thủ chuyên nghiệp.Trong con đường đó, có một loại tập thể gọi là đội bóng. Đội Đức sau trận thua Croatia năm 2008 là một khối con người bị chia rẽ, đổ tội và trách cứ nhau sau thất bại. Khác với tuyển Đức hôm nay, trẻ trung, chân thành và đoàn kết. Lahm không tự viết nhưng chúng ta hiểu: Thủ quân là người lắng nghe, chia xẻ, tạo ra kết nối trong cái tập thể đó.

Có một điều rõ ràng, Lahm và nhà xuất bản đã không ngờ rằng hiệu ứng truyền thông của cuốn sách lại ghê gớm đến như vây. Nghĩa là câu chuyện cũng vẫn chưa kết thúc, giống như Lahm vẫn dò tìm và bước tiếp trên con đường của mình. Trong đó, câu chuyện về Ballack vẫn như một kỷ niệm, một lời nhắc nhở. Ở đây chúng ta không quên nhận xét của Bierhoff: “Lahm không phải là người nhút nhát như giới truyền thông  mô tả. Anh ấy luôn cùng suy nghĩ, không lẩn tránh, có ý kiến rõ ràng, và thể hiện rõ lập trường riêng của mình”. Thêm một chút: Tất cả những cái đó được hỗ trợ bởi thành tích thi đấu của Lahm trên sân cỏ.

Chuyện về chiếc băng đội trưởng

Lahm là người thay thế Ballack đeo chicế băng đội trưởng của đội tuyển Đức. Thực tế là như vậy, một thực tế rất hợp lý. Tiếc thay, mọi việc diễn ra quá phức tạp, có dáng vẻ chiến tranh và có cả mùi thuốc súng. Đã đành, bóng đá có lắm chuyện thị phi, nhưng chuyện Ballack - Lahm thì chứa đựng quá nhiều điều đáng tiếc.

Trong khi World Cup 2010 vẫn đang diễn ra ở Nam Phi, Lahm thổ lộ trong một cuộc họp báo “Nhiệm vụ đội trưởng có nhiều điều thú vị. Và tôi sẽ không tự nhiên trả lại chiếc băng này”. Chủ tịch DFB Zwanziger :”Lahm có quyền nói lên nguyện vọng của mình. Nhưng thế này thì không đúng lúc và đúng chỗ”. Đương nhiên, Ballack thì rất giận, nhưng anh còn chờ đợi.

Ngày 14/07/2010. Ngay sau World Cup 2010. Lahm và Claudia làm lễ cưới. Sau khi hoàn tất thủ tục trong nhà thờ, đôi vợ chồng trẻ ngồi trên chiếc xe ngựa đi qua làng Kleinhelfendorf. Hôm ấy cũng là ngày Ballack ra mắt tại CLB mới Leverkusen. Hơn 100 phóng viên báo chí, 16 camera truyền hình. Ballack - 15 năm bóng đá, với khoản thu nhập cỡ 150 triệu euro, vẫn luôn có sức hấp dẫn lớn. Và  những lời tuyên bố của anh khiến nhiều người phải sởn da gà. Đấy là lúc 12giờ 58 phút: “Trước hết, tôi chúc Lahm hạnh phúc”. Lời chúc là hạnh phúc, nhưng giọng nói thì hết sức công vụ. Đấy là cái giọng phù hợp với phần nội dung về sau, nội dung chính: “Tại World Cup 2010 Philipp đã  nói những lời không phải. Tình hình là rất rõ ràng: Tôi là đội trưởng của đội tuyển quốc gia. Có những quy tắc, những thứ bậc mà ai cũng phải tuân theo. Đây không phải là một chương trình hòa nhạc theo yêu cầu”. Rồi Ballack kết thúc hơi có vẻ dọa dẫm: “Trước trận đấu sắp tới của đội tuyển quốc gia, tôi sẽ gặp anh ấy để nói mấy lời phải quấy”. Lahm nghe những câu này qua đài phát thanh, phóng viên hỏi anh có bình luận gì không ? Lahm im lặng. Nếu là bạn thì bạn nghĩ sao đây ?

Người đại dện của Ballack sau đấy còn đi xa hơn: Ông Becker nói về chuyện trong đội tuyển quốc gia có hiện tượng tình dục đồng tính. Chẳng hiểu từ đâu, mà có vẻ ngụ ý về Lahm. Có lẽ đây là lý do Lahm phải dành một chương trong cuốn sách của mình để nói rằng anh không phải là người như vậy. Cũng là một khía cạnh đau lòng.

Cho nên, không thể có cuộc nói chuyện dễ dàng giữa Ballack và Lahm. Chỉ còn một cách: HLV Löw quyết định. Đơn giản: “Khi Ballack khỏe mạnh và đủ phong độ để trở lại đội tuyển, anh ấy vẫn sẽ là thủ quân”. Ballack không bao giờ có lại phong độ ngày xưa ấy, cho nên Löw tuyên bố vào ngày 16/06/2011 hai điều: Một - ông không sử dụng Ballack trong đội tuyển nữa, và hai - ông mời Ballack tham gia trận Đức - Brazil như trận từ biệt. Ballack từ chối và lại phê phán Löw như chúng ta đều đã biết.

Chủ tịch DFB Zwanziger không yên lặng nữa: “Ballack nên xin lỗi Löw”. Còn Beckenbauer than phiền: “Tiếc rằng bên cạnh Balack chỉ có những người tư vấn không đúng”.

Những lứa cận vệ già của đội tuyển Đức đã ra đi gần hết: Schneider, Kahn, Lehmann, Frings, kể cả Kuranyi,và bây giờ là Ballack. Người duy nhất còn lại là Klose. Tâm trạng chung là không vui, nhưng rồi ai cũng đã chấp nhận. Chỉ còn Ballack, cho đến tận hôm nay, vẫn đang tự làm khổ mình và làm khổ mọi người. Đáng lẽ ra anh đã có một cuộc chia tay xứng đáng và hợp lẽ với bóng đá Đức. Bản lĩnh cũng có nghĩa là biết chấp nhận sự thật.

Vũ Chí Anh


  

Băng đội trưởng đội tuyển Đức

Cầu thủ       Giai đoạn     Trận

Fritz Szepan 1934-1939 30

Paul Janes 1939-1942 31

FRITZ WALTER 1951-1956 30

Hans Schäfer 1957-1962 16

Helmut Rahn 1958-1959 8

Herbert Erhardt 1959-1962 18

UWE SEELER 1962-1970 40

Wolfgang Overath 1970-1971 14

FRANZ BECKENBAUER 1971-1977 50

Berti Vogts 1977-1978 20

Bernard Dietz 1978-1981 19

K.-H. Rummenigge 1981-1986 51

Harald Schumacher 1986 14

Klaus Allofs 1986-1988 8

LOTHAR MATTHÄUS 1988-1994 75

Jürgen Klinsmann 1994-1998 36

Oliver Bierhoff 1998-2001 23

Oliver Kahn 2001-2004 49

Michael Ballack 2004-2010 55

Philipp Lahm 2010-nay 16

Ghi chú: In hoa, đậm là các đội trưởng danh dự

                                 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm