Thờ trống đồng ngay giữa Thăng Long

04/02/2011 07:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đại lễ 1.000 năm Thăng Long còn là Đại lễ của trống đồng, với 1.000 chiếc trống đồng được phục chế, làm lễ nhập linh, và sau đó lần đầu tiên trong lịch sử trống đồng đã “nổi khúc Lạc Hồng”. Vậy mà cho đến nay, ít ai ngờ rằng, ngay giữa lòng Thăng Long - Hà Nội, từ ngàn năm nay, ông cha ta đã thờ thần Trống đồng và tổ chức hội thề trung hiếu tại 4 điểm di tích.

Đầu Xuân này, đi lễ ở đâu thì đi, nhưng đừng quên đến các đền, miếu, đình thờ trống đồng - linh vật của tổ tiên.

Trống đồng là hình ảnh rất quen thuộc với người dân VN từ thuở Hùng Vương dựng nước đến nay. Trống đồng đã đi vào thư tịch, truyền thuyết, lịch sử và... được ông cha ta dựng đền, miếu để thờ. Theo PGS Trịnh Sinh, hiện nay ở nước ta còn 2 địa phương có di tích thờ trống đồng (thần Đồng Cổ) là Hà Nội và Thanh Hóa. Đặc biệt, Hà Nội hiện nay có đến 4 di tích. Lớn nhất là đền Đổng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ); 3 di tích còn lại đều nằm trong xã Minh Khai, huyện Từ Liêm.

Rước thần từ Thanh Hóa về Thăng Long

Đền Đồng Cổ (phường Bưởi, Tây Hồ) cách không xa mặt đường Thụy Khuê. Cụ Phùng Thị Mão (đã 4 năm trông coi đền) cho biết, trong đền còn bức hoành phi ghi lại mấy chữ Đồng Cổ Linh Từ, đôi câu đối ghi lại công lao của thần Đồng Cổ với quốc gia, nhân dân. Đền còn lưu giữ 14 đạo sắc phong (sớm nhất là năm 1741 và muộn nhất là năm 1855) ghi rõ vị thần được thờ trong đền là Bản Thổ Tôn Thần, tức Thành hoàng, có thể chính là vị thần Trống Đồng.

Đền Đồng Cổ cổ ở phường Bưởi,quận Tây Hồ
Cụ Mão cũng chỉ cho chúng tôi 2 chiếc trống, một chiếc là trống đồng, trưng bày trong hậu cung. Nhưng theo các nhà khoa học đây là trống đồng phục chế chứ không phải là trống đồng nguyên bản. Chiếc khác lại không phải là trống đồng mà là trống da. Chiếc này được treo từ lâu đời trong đền, mặt trống từng bị hỏng và mới được làm mới lại.

Theo các bia viết ở trong đền, thì đền Đồng Cổ là nơi thờ vọng. Xưa kia đền vốn được xây dựng ở trên núi Khả Lao, xã Đan Nê (Yên Định, Thanh Hóa). Đền đó đã có từ thời Hùng Vương. Năm 1020, Lý Thái Tông (khi còn là Thái tử), phụng mệnh vua cha Lý Thái Tổ, đem binh đi đánh Chiêm Thành. Khi qua nơi này đóng quân, được thần Đồng Cổ hiện ra giúp phá giặc lập công. Thái Tử đã sửa lễ tạ ơn, rồi rước thần về Thăng Long và tôn làm Thiên hạ Minh chủ, dựng miếu để giúp nước hộ dân. Sau này miếu được chuyển thành đền và nơi đây được lấy làm nơi để bách quan triều thần hàng năm đến thề trung hiếu. Ngày nay, hàng năm dân làng vẫn tổ chức hội thề trung hiếu để bảo lưu một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của làng xóm, đồng thời là dịp nhắc nhở mọi người cố giữ tròn chữ hiếu, chữ trung, trung với nước, hiếu với dân...

Hội thề Đồng Cổ đầu tiên mang tính chất Quốc gia

Đó là hội thề ở miếu Đồng Cổ (thôn Nguyên Xá, Minh Khai, Từ Liêm). Miếu Đồng Cổ được xây dựng trên một gò đất cao, ngay đầu làng Nguyên Xá.

Cụ Thông - người trông coi miếu nhiều năm cho biết: Tên hiệu của vị Thành hoàng làng Nguyên Xá là Đương Cảnh thành hoàng giám thệ Đại vương Đồng Cổ Sơn Thần. Cụ Thông còn chỉ cho chúng tôi xem nhiều đồ thờ đáng chú ý như: Độc bình, đôi câu đối của vua Lý Thái Tông ban tặng, 9 đạo sắc phong...

Trống đồng phục chế ở đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ)

Tương truyền, vào thời Hai Bà Trưng, các nghĩa sĩ vùng Thanh Hóa trên đường ra Hát Môn tụ nghĩa dưới cờ Trưng Trắc, Trưng Nhị đánh đuổi ngoại xâm đã mang theo vị thần của địa phương mình (Đan Nê, Yên Định, Thanh Hóa). Qua thôn Nguyên Xá, đoàn quân dừng lại nghỉ ngơi, thấy đây có địa thế uy nghiêm nên đã lập miếu thờ thần.

Đến thời Lý, vua Lý Thái Tổ trên đường kinh lý, qua đây, voi bỗng bị cắm ngà xuống đất không thể đi được. Vua liền cho xem xét, thấy miếu Đồng Cổ liền chiêm bái, voi lại đi được. Kể từ đó, vua thường lui tới miếu này.

Song, có lẽ phải đến đời vua Lý Thái Tông, miếu Đồng Cổ mới thực sự được đặc biệt chú trọng, bởi chính thần Đồng Cổ đã báo mộng cho vua về nội loạn Tam vương. Năm 1028, khi vua Lý Thái Tổ băng hà, vua Lý Thái Tông lên ngôi, đêm mộng thấy thần đến báo rằng: “Ba vị vương, em ruột vua (đó là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức), mưu làm phản, định đem binh đến, vua nên đề phòng!... (Việt điện u linh, NXB Văn hóa năm 1960, trang 48). Vua liền triệu cung thần là Lê Phụng Hiểu đến cửa Quảng Phúc để giết chết Vũ Đức mang về dâng công chiến thắng. Từ đó, nội loạn được dẹp yên và vua Lý Thái Tông đã về Nguyên Xá lễ tạ, ghi công đức, gia phong thêm Vương tước cho thần Đồng Cổ và thường xuyên về cử hành lễ thề trong miếu. Vua cũng cấp tiền, ruộng, sai dân sửa sang miếu để tổ chức Hội Minh thệ với lời thề trung hiếu: Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, thần linh tru diệt.

Có lẽ đây là hội thề Đồng Cổ đầu tiên mang tính chất Quốc gia (Lễ hội do triều đình/nhà nước đứng ra tổ chức định kỳ). Hiện nay đôi câu đối vua ban vẫn còn là minh chứng. Cũng tại đây, ngày hội thề trung hiếu (4/4 Âm lịch) đã được tổ chức hàng năm.

Thần Trống Đồng trở thành Thành hoàng

Ngoài đình, miếu kể trên, có 2 di tích thờ thần Đồng Cổ là đình Văn Trì (thôn Văn Trì) và đình Ngọa Long (thôn Ngọa Long), cũng thuộc xã Minh Khai, Từ Liêm. Vị thần được thờ trong đình Văn Trì là thành hoàng làng được gọi là thần Đồng Cổ, giống với miếu Đồng Cổ ở thôn Nguyên Xá. Còn đình Ngọa Long cũng được xây dựng để thờ thần Trống Đồng (tức Đồng Cổ). Tuy nhiên, khi chúng tôi vào thăm đình Ngọa Long thì cụ thủ từ Nguyễn Xuân Liêm cho biết: “Đình làng mình bị cháy cách đây 3 năm, không còn gì cả. Những đồ thờ đều được mua mới, hiện nay chỉ còn lại một tấm bia đá mà thôi’’. Nhưng cụ Liêm cũng khẳng định, chủ đề tín ngưỡng của đình Ngọa Long là thờ Thành hoàng làng Đồng Cổ Sơn, tức thần núi Trống Đồng.

Cụ Liêm bên tấm bia đá ghi công đức thần Đồng Cổ
còn sót lại khi đình Ngọa Long bị cháy

Các cụ từ ở đình Văn Trì và Ngọa Long đều cho biết: hàng năm dân làng mở hội rước kiệu vào ngày 4/4 Âm lịch. Xưa còn có lệ cử người ra đền Đồng Cổ (Bưởi) tế giao hữu, sau 3 thôn Văn Trì, Ngọa Long, Nguyên Xá thay nhau làm chủ minh, minh thệ, giám thệ, tế trong một ngày. Xưa còn có tế mao huyết - trộn một ít tiết, lông của con vật tế thần và đọc lời thề. Ngoài ra, ở đây còn có tục các con rể của làng cùng về dâng lễ, tỏ lòng thành và sự chung thủy...

Vang mãi lời thề trung hiếu!

Cả nước có 6 nơi thờ Trống Đồng

Cho đến nay, chúng ta đã biết tới 6 di tích thờ thần Đồng Cổ. Ngoài đền chính ở xã Đan Nê, gần đây ở Thanh Hóa phát hiện thêm một đền nữa ở làng Mỹ Đà (xã Hoàng Minh, Hoằng Hóa) và 4 di tích trên. Nghe đâu ở làng Cổ Nhuế cũng có di tích thờ thần Đồng Cổ. Có thể vì thần Đồng Cổ là sự hóa thân của di vật thiêng quý, nên nhiều nơi đã lập đền, miếu, đình thờ và mở hội thề.

Mặc dù còn có nhiều quan điểm khác nhau về các đền, miếu, đình thờ thần Đồng Cổ ở Hà Nội và đền chính (ở Đan Nê, Thanh Hóa), song giá trị lịch sử - văn hóa của di tích là không thể phủ nhận. Hiện nay ở các di tích trên, hội thề trung hiếu vẫn được đọc khá long trọng. Theo cụ Mão (đền Đồng Cổ, phường Bười): “Lời thề của ngài còn linh lắm, cho nên quan chức không dám về đây dự hội thề, họ chỉ vào lễ ngài thôi’’.

Về trật tự lời thề, theo Đại Việt sử ký toàn thư, thì hội thề này, phải được gọi là Hội thề hiếu trung. Khi hội thề được tổ chức, các quan có mặt đều phải uống rượu có pha máu của các loài vật và đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần linh chu diệt”. Những ai không có mặt trong buổi lễ ăn thề sẽ bị phạt đánh. Các vương triều Trần, Lê, Nguyễn... vẫn duy trì nghi lễ quốc gia này cho đến tận hôm nay!

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm