Về Lim nghe hát canh, nghĩ về di sản quan họ

25/02/2013 09:31 GMT+7


Đã được bốn lần làng Lim vào Hội kể từ sau UNESCO công nhận quan họ là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Bốn năm qua đi với nhiều khen chê. Song, mặc ai nói ngược nói xuôi thì quan họ vẫn là di sản bề thế của người dân Kinh Bắc nói riêng và người Việt yêu câu ca quan họ nói chung.

Chơi quan họ như chơi đồ cổ

Chơi quan họ, đối với các “anh hai” là thú gì đó rất cầu kỳ, gần như một nghi lễ tôn giáo. Họ chơi thế này: Vào trưa mười hai tháng Giêng âm lịch, “anh hai” sẽ tắm rửa, xông hương cho thơm phức; sau đó, anh sẽ đóng bộ áo the khăn xếp tay cầm ô thâm ngồi xe về Lim trẩy hội. Tới nơi vào nhà người quen, chủ nhà đã pha nước chờ sẵn, đưa đẩy mấy câu thân tình rồi mới đến nghe hát canh. Canh hai sẽ dài đến sáng.

Hát canh thực sự là một nghi lễ. Về hình thức, phải hát đối đáp, phải có 3 phần mời trầu, vân vi, giã bạn. Không gian là ngay trước ban thờ của gia chủ. Khoảng không gian ấy phải được bày biện thanh tịnh, đẹp mắt với hoa, trầu, nước, dăm ba thứ quả chua để liền anh liền chị lấy giọng. Về ý nghĩa, đây là gia chủ “khao quan họ” cho bà con xóm giềng, khách gần khách xa nhân năm đó trong nhà có người thượng thọ. Mấy “anh hai” từ xa về, vốn chẳng chơi với “bọn” nào, chẳng qua yêu câu ca thì đến mà đối đáp dăm câu. Theo lệ sẽ được mời ngồi phía trên, có câu nào hát vào được thì vào. Làm “anh hai” quả thực không dễ, nếu lưng vốn không có vài trăm bài quan họ thì chẳng thể đối đáp.
Khách xa về dự một canh hát cũng được mời trầu.

Cả mươi năm qua kể từ khi biết chơi quan họ, tôi cũng chỉ dám ngồi ở góc giường xa nhất mà “kính nhi viễn chi” những “anh hai” Hiền, “anh hai” Diện, mấy anh ở Hà Nội song chơi quan họ rất sành. Năm nay về đến Lim, tôi mới gọi cho “anh hai” vốn là chỗ quen biết. Anh ốm, lỗi hẹn với quan họ, song tỏ bày rằng: “Chơi quan họ cũng giống như chơi đồ cổ cậu ạ. Người biết thì quý, người không biết thì thấy xoàng”. Quả là chí lý, mấy năm qua, hình ảnh quan họ bị xấu đi vì những người không biết chơi quan họ. Nhưng tôi tin người Kinh Bắc “gan vàng dạ đá” cầm vàng sẽ chẳng để vàng rơi. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Hiền, từ nhiều năm trước đã có ý tưởng “lấy quan họ để nuôi quan họ”. Trong đó, quan họ du lịch sẽ xe duyên với quan họ lề lối. Nhưng cái khó là phải có người sành quan họ dẫn dắt du khách vào cuộc chơi. Những ý tưởng này xem ra khó thực hiện khi quan họ dịch vụ đang nở rộ khắp nơi. Quả là chơi quan họ cũng như chơi đồ cổ: Khó lắm. Cái khó từ kiến thức, thưởng thức, và cả phương thức duy trì.

Phát huy vốn truyền thống

Người Kinh Bắc khéo lắm. Từ việc làm ăn cho tới giữ vốn; từ việc chơi họ nghĩ ngay tới việc làm. Bằng chứng là mấy năm thời kỳ bao cấp kham khổ là thế nhưng mấy làng quanh Lũng Giang vẫn xây nhà hai tầng, lợp ngói lá đề; vẫn ăn hai lần Tết vào Mồng Một và Mười lăm tháng Giêng âm lịch. Mấy năm thời kỳ thịnh vượng sau Đổi mới, văn hóa quan họ được mở nhiều, lập tức ngay Bắc Ninh đã có trường đào tạo quan họ; rồi họ lập ra những đội những nhóm đi hát dịch vụ. Họ sử dụng vốn cổ cha ông như món của để dành đặc biệt.

Hôm hội Lim vừa rồi, chúng tôi về nhà ông Nguyễn Năng Dụ thưởng thức hát canh. Ông Dụ năm nay 78 tuổi, đúng lẽ thì không phải khao canh quan họ (vì theo lệ chỉ khao vào các năm chẵn 70, 75, 80...). Nhưng năm nay, nhân dịp có hội đồng ngũ bộ đội tên lửa họp mặt tại nhà nên nhân tiện ông khao canh. Ông mời chị hai Khen ở làng Viềm, anh hai Viên ở  làng Lũng Giang đến hát. Thú thực, lúc đầu tôi cũng tưởng, việc mời anh hai, chị hai đến gia chủ phải mất “tiền thuê”, song thực tế lại không phải thế. Gia chủ chỉ cần phục vụ nước, tạo không gian cho liền anh liền chị hát, và thuê thêm phần tăng âm, loa đài cho nhiều người được nghe.

Canh ở nhà ông Dụ thi thoảng có thêm phần ngâm thơ do các các đồng đội cũ ông ở xa về tặng. Tôi cũng nghe các liền anh liền chị nhắc ông Dụ bớt phần đọc thơ đi để giữ lề lối canh cổ. Song vì bạn bè ở xa, lâu ngày không gặp, những việc xen vào đó không thể không làm. Đôi khi lề lối thật khó giữ. Tàn canh đã có người nói trách quan họ méo mó, song ông Dụ chỉ cười trừ.

Từ chuyện canh quan họ không giữ lề lối, nhiều người lại phê chuyện thưởng tiền cho liền anh liền chị. Theo ý họ, quan họ “xịn” khác quan họ trình diễn. Nhưng nếu đúng “xịn” như “kiểu” của Giáo sư Tô Ngọc Thanh là câu hát giao duyên giữa đôi lứa thì chẳng ai được thưởng thức quan họ.

Có người chê việc hát quan họ phải dùng tăng âm ra loa. Nghe thật khó chiều, không gian rộng thế, bao nhiêu người xúm xít vây quanh, hơi nào mà hát cho xuể. Bằng chứng là ngay trong hội Lim năm rồi, ban tổ chức có ý định bắt hát mộc, song thấy vô lý quá phải cho tăng âm nhưng phải bật nhỏ. Vào hội rồi chính du khách lại yêu cầu phải tăng âm to vì đứng xa chẳng nghe thấy gì.

Chuyện tiền “thướng” cũng bị mọi người chê trách. Kể cũng lạ, họ đâu biết rằng tiền “thướng” là lề lối cổ. Chơi quan họ mà không biết “thướng” thì phụ công người hát phục vụ mình lắm. Còn chuyện đưa tiền thì ắt phải có người ngửa nón vậy thôi. Song chúng tôi thấy giờ mọi người hay để tiền “thướng” vào cái cơi trầu, trông cũng dễ nhìn hơn. Hát dưới thuyền thì vẫn đành phải ngửa nón. Xem ra năm sau ban tổ chức nên bỏ hát dưới thuyền. Bà con bớt phải nghe, bớt phải thấy cảnh trái mắt. Nhưng ngẫm lại thì rất đáng tiếc.

Từ khi được UNESCO công nhận đến giờ, mỗi làng quan họ cổ được 300 triệu để mua tăng âm, loa đài, một chút thì may quần áo, chút nữa thì bồi dưỡng cho những người dạy hát cho các cháu. Người sống bằng câu ca quan họ tính thế nào? Thưa rằng họ làm ruộng, họ đi xe ôm, họ bán hàng xén. Có mấy người có tài vượt được thì làm dịch vụ, mà cũng khổ, từ chuyện tàu xe đi lại, chuyện ăn chuyện uống, bỏ ra được mấy đồng? Không yêu quan họ, thì họ chẳng giữ câu ca, chẳng ai được nghe quan họ nữa. Lúc đấy quan họ sẽ “chết” thật.

Trách sao những người chỉ biết phê mà chẳng biết chơi quan họ.

Bài và ảnh: Lê Đông Hà
Quân đội Nhân dân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm