Dư âm màn “đồng ca Quan họ” tại Hội Lim - Một góc nhìn khác

13/02/2012 10:17 GMT+7


(TT&VH) - Tối thứ Sáu vừa qua (10/2) trên VTV2 có cuộc trao đổi về Hội Lim. Các bậc đầu ngành trong lĩnh vực này được mời nêu ý kiến. Có lẽ đó là những người giỏi nhất về Quan họ. Họ phê phán nhiều điều. Tuy nhiên, tôi lại thấy có điều gì day dứt, không đồng tình với các phê phán đó. Vẫn biết, nếu cãi họ khác gì “múa rìu qua mắt thợ”.

Nhưng dù sao, tôi vẫn mạo muội muốn đưa ra mấy suy nghĩ của mình để mong được sự chỉ bảo của các vị.

Điều thứ nhất: các vị phê phán Bắc Ninh cho mở màn lễ hội bằng dàn đồng ca Quan họ là làm mất bản sắc của Quan họ. Có lẽ nói như thế là hơi quá! Tôi nghĩ, đó có khi lại là một sáng kiến hay. Tôi thấy cả một biển người từ em nhỏ đến cụ già đều mặc đồng phục quần áo Quan họ với khuôn mặt dịu dàng, duyên dáng đã tạo cho chúng ta một cảm giác mến phục.

Hội Lim 2012 đã khai màn

Đặc biệt họ đồng ca một bản Quan họ như một lời mời chào với khách thập phương. Cả khối người khổng lồ đó đã cùng đồng thanh hát rất đều, rất duyên dáng trữ tình…  Đó là một lời chào đậm nét Quan họ mà trên thế giới chả đâu có được như ở Bắc Ninh. Vậy sao lại phê phán họ?

Nếu suốt buổi, người ta cứ hát đồng ca mới phê phán. Còn đây, nó không làm mất đi cốt cách của làn điệu Quan họ mà lại nói lên rằng: cả vùng đất này, ai cũng biết hát Quan họ, Quan họ làm cho con người gần nhau hơn, quý mến nhau hơn… Sự thật là như vậy.

Khách đến dự lễ rất thú vị được nghe “bản hợp xướng đồng quê” đó.

Tôi còn nhớ, khoảng những năm 70, nhạc sĩ Đỗ Dũng đã cải biên bài Trống cơm Se chỉ luồn kim  thành những bản hợp xướng không dàn nhạc đệm tuyệt vời. Nó vẫn là dân ca nhưng được nâng cao lên tầm bác học. Như vậy không nên quá khắt khe với cách thể hiện dân ca Quan họ.

Điều thứ hai, các vị trách: tại sao để trẻ em hát Quan họ, vì theo họ những bản tình tứ giao duyên này không nên để trẻ hát! Ôi sao các vị khắt khe thế!

Khi được hỏi, các cụ già ở Bắc Ninh cho chúng tôi biết, các cụ hát từ khi còn để chỏm. Thế nhưng các cụ có… hỏng đâu! Ngược lại, Quan họ hình như làm cho người ta nết na, kín đáo, tế nhị hơn. Tôi cảm nhận được điều này khi tiếp xúc với biết bao các bậc liền anh, liền chị. Mặt khác, nếu từ nhỏ mà không biết hát Quan họ thì sau này làm sao biết hát và yêu được Quan họ?

Điều thứ ba: các vị trách Quan họ mà hát qua micro thì còn gì là Quan họ. Nhưng ở thành phố, trong các đêm biểu diễn nghệ thuật do các vị hoặc học trò của  các vị chỉ đạo, có làn điệu dân ca Trung, Nam, Bắc nào mà hát không qua micro? Bây giờ dân mình đông quá, cứ chỗ nào có hát (kể cả cãi nhau) là người ta xúm lại ngay. Nếu không qua micro thì ai mà nghe được! Điều này đừng trách riêng Bắc Ninh. Với hàng chục vạn người kéo đến Hội Lim thì phải san bằng cả trăm héc-ta ruộng lúa mà để phân nhóm ra hát mới không cần tới micro.

Ta vẫn biết, nói thì dễ nhưng làm thì rất khó, mong các vị  thông cảm cho Hội Lim.

Thú thực tôi chỉ nghe loáng thoáng được đoạn sau (vì lúc mở TV ra thì các vị đã nói gần xong). Có thể tôi không hiểu hết. Mong các vị chỉ bảo. Xin cảm ơn.

Nguyễn Lân Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm