Mấy điều đọng lại sau 'Giọng hát Việt nhí'

11/09/2013 08:47 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Nhà soạn nhạc Pháp Camille Saint-Saens có câu nói nổi tiếng: “Không có gì khó hơn là nói về âm nhạc”. Trớ trêu, các cuộc thi âm nhạc của chúng ta hiện nay hầu hết quyết định chiến thắng lại bởi số đông. Hệ quả kéo theo, tranh cãi nếu xảy ra sẽ là giữa đám đông khổng lồ đó và người trong cuộc lại chính là nạn nhân. Nhưng trong Giọng hát Việt nhí, nạn nhân lại là con trẻ.

>>>Đọc các bài viết về Giọng hát Việt nhí 2013 tại đây

Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ John Adams đã có một câu nói: “Mong muốn được người khác quan sát, cân nhắc, đánh giá, ca ngợi, yêu thương và khâm phục là một trong những khuynh hướng sớm nhất và mãnh liệt nhất được phát hiện ra trong trái tim con người”. Ai cũng thấy, tại khán phòng Giọng hát Việt nhí, và cả khán giả xem truyền hình (tôi chắc chắn vậy), lượng khán giả nhí không đáng kể so với người lớn.

Nhưng việc quan sát, đánh giá, cân nhắc, ca ngợi các em ở đây là một câu chuyện mang tính giáo dục, khi các em còn đang hoàn thiện nhân cách và tài năng.

Bỏ qua chuyện những em bé phải gồng mình hát những bài người lớn, đáp ứng nhu cầu giải trí, nghe/ nhìn của người lớn trong một sân chơi thiếu nhi, những đánh giá của người lớn dù để giúp các em thêm vững vàng nhưng không khỏi trái tai: các con rất chuyên nghiệp, các con đã trở thành một ca sĩ, các con là những thiên tài … Trên sân khấu, điều đó liệu có được tiết chế!

Những đứa trẻ hoàn toàn chưa vỡ giọng, thanh quản có thể thay đổi theo thời gian, khi các em đến tuổi dậy thì. Do kích thước thanh quản lớn lên và dây thanh dài thêm nên với nhiều em, giọng nói và có thể là giọng hát lúc trầm lúc bổng đôi khi không kiểm soát được. Hẳn nhiều người còn luyến tiếc bé Xuân Mai, khi trở thành thiếu nữ, em vẫn theo con đường ca hát nhưng em đã không thành công được như ngày trước. Mà các em thì không thể bé mãi được.

Sẽ là tốt hơn nếu khuyên các em thi vào nhạc viện chẳng hạn, nơi các em có thể vừa học văn hóa vừa học nhạc. Để đến thành công, không có con đường nào bằng phẳng, đó là sự khổ luyện và kiên trì. Sau đỉnh cao có thể là vực sâu. Nếu không biết ứng xử với thành công và áp lực từ vinh quang, nó có thể là thảm họa đối với những ngôi sao vừa mới kịp lóe sáng. Các em còn quá bé.

2. Còn một điều nữa, đó là việc Sở GD&ĐT Thanh Hóa và phường Đông Sơn, quê hương quán quân Quang Anh ra văn bản kêu gọi sự ủng hộ con em mình. Dù đọc từng câu, từng chữ trong văn bản, chúng ta nhận ra rằng lời lẽ trong văn bản trên là lời kêu gọi, vận động chứ không phải ép buộc. Nhưng dường như đã có một sự nhầm lẫn khi sử dụng công văn, một thứ của việc công, vào một việc mang tính tình cảm nhiều hơn.

Với nhiều người, Quang Anh chiến thắng là công bằng và xác đáng, nhưng cũng chính người lớn tự làm "sứt mẻ" điều này khi vô tình làm “dậy sóng” chiến thắng đáng lẽ ra là rất trong sáng của cậu bé xứ Thanh. Từ hai công văn đó, người ta mới xét nét từng tình tiết, dù nhỏ nhất trong đêm chung kết và thái độ của cậu bé đáng yêu.

Với hai công văn kia, nhiều người không khỏi liên tưởng căn bệnh thành tích trầm kha của chính ngành giáo dục và một số địa phương. Khi người lính, sau những nỗ lực gần về đến đích, mới thấy các “vị tướng” xông ra hò hét, cổ vũ, ra lệnh. Còn những nỗ lực tự thân của em và gia đình bao năm nay, em được ngành, được địa phương bồi dưỡng, phát hiện đào tạo như thế nào, hầu như chẳng ai biết. Cách làm như vậy, chỉ có thể tạo ra hào quang chiến thắng chứ không phải để tạo nên những tài năng thực thụ.

Đây là câu chuyện về âm nhạc, xin kết lại bằng một câu của nhà soạn nhạc Đức Richard Strauss: “Giọng của con người là nhạc cụ đẹp đẽ nhất, nhưng cũng là nhạc cụ khó chơi nhất”. Sau đêm chung kết, nhiều người đang không điều khiển “nhạc cụ” này, mong các em bình tâm trước những “nốt nhạc” sắc như dao hướng về mình.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm