Bóng đá Việt Nam từ câu chuyện Nhật

21/03/2011 13:58 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Đôi lúc tự nhiên nhìn Nhật Bản mà tui thấy ham. Tất nhiên tui không mong Việt Nam ta đùng một cái đột nhiên rơi vào tai học động đất, sóng thần, núi lửa và thảm họa hạt nhân mà cả thế giới đang chia sẻ như bên Nhật Bản. Cái tui mong đơn giản chỉ là một nền bóng đá mạnh và căn cơ như bên Nhật mà thôi.

Bóng đá Việt Nam ta chính thức mang mác chuyên nghiệp vào đầu thế kỷ này, tức mùa giải 2000-2001. Vậy mà một chục năm qua, ngoài chức vô địch AFF Cup ta hoàn toàn không có thành tích gì đáng kể. Nhật Bản đến tận năm 1993 mới xuất hiện giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp. Vậy mà chỉ 5 năm sau, họ đã mang quân sang Pháp dự World Cup 1998, oai vệ làm sao.

Người Nhật chỉ yêu bóng đá hơn kể từ khi có bộ truyện Tsubasa. Người Việt Nam yêu bóng đá…từ trong bụng mẹ. Tại sao họ có thể dự World Cup, còn bóng đá chúng ta mãi cứ loanh quanh ở Đông Nam Á mà còn chưa xong? - Ảnh Internet

Giải ấy đội Nhật bị loại từ vòng bảng nhưng các CĐV của họ khiến cả dân châu Âu nổi tiếng văn minh cũng phải thán phục. Cổ động nhiệt tình hăng say, sinh hoạt nề nếp, xong trận là vứt rác bỏ vào thùng, ra về trong trật tự. So sánh đâu cho xa, ngay cả SEA Games vừa rồi bên nước Lào ta cũng đã không bằng. Nếu sang Lào, người nào lái xe lấn tuyến, vượt đèn đỏ, vứt rác bữa bãi, vào nơi trang nghiêm la ó thì đích thị là…người Việt.

Nhưng ở đây không nói đến chuyện văn hóa văn minh hay văn nghệ mà nói chuyện bóng đá. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nhật đã có những bước phát triển vượt bậc. World Cup 2010 vừa rồi họ vào đến vòng 1/8 rất ấn tượng. Nhìn lối đá hiện đại và kỹ thuật của người Nhật, người ta dự báo nền bóng đá nước này sẽ còn tiến xa. Ấy vậy mà sau thành công ấy, HLV Nhật xin từ chức để về nhà chăn vịt. Nói vậy là theo kiễu dân dã, lẽ ra phải nói là về nhà vui thú điền viên vì không chịu nổi áp lực. Theo ông Takeshi Okada, trình độ của đội tuyển Nhật phải tiến xa hơn và ông xin lỗi toàn thể dân Nhật, xin nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình. Vì ông Okada từ chức nên Nhật mới chọn ông HLV ngoại là Alberto Zaccheroni. Cùng với vị HLV này, Nhật đi một lèo đến chức vô địch châu Á, làm nên kỷ lục 4 lần vô địch. Có thời lá cờ đầu của bóng đá châu Á là Hàn Quốc, là Iran, là Saudi Arabia. Bây giờ tất cả chỉ có thể nhìn về Nhật với ánh mắt thán phục pha lẫn ghen tỵ.

Bóng đá Nhật không chỉ nổi tiếng trên khía cạnh đội tuyển không. Cầu thủ của họ xuất ngoại ầm ầm (xuất ngoại đá đàng hoàng chứ không phải thử việc hay đi “học hỏi kinh nghiệm” à nha). Shinji Kagawa là trụ cột của Borussia Dortmund sắp vô địch Bundesliga bên Đức. Keisuke Honda là linh hồn của đội CSKA Moscow, 2 tuần trước cầu thủ Yuto Nagatomo của họ thậm chí còn ghi bàn cho nhà đương kim vô địch Italia Inter Milan. Ngoài ra còn phải kể đến Haijme Hosogai được Leverkusen ký hợp đồng, Atsuto Uchida của Schalke, Shinji Okazaki của Stuttgart… Cầu thủ Nhật không còn là công cụ để làm kinh tế của các CLB hàng đầu hay đơn thuần làm dự bị mà họ đã khẳng định được vị trí của mình giữa lòng châu Âu, một điều mà cách đây chục năm người Nhật chỉ có thể tưởng tượng thông qua…bộ truyện Tsubasa.

Bóng đá là ánh xạ của cuộc sống. Bởi thế càng nhìn cách người Nhật đón nhận thảm họa càng cảm phục và càng hiểu vì sao người Nhật không chỉ đá bóng giỏi mà giỏi trong nhiều lĩnh vực. Sau 2 quả bom nguyên tử thời Đệ nhị Thế chiến, Nhật vươn lên hàng cường quốc kinh tế nhanh đến không ngờ. Sau vụ thảm họa này, Nhật tuyên bố sẽ biến đau thương thành sức mạnh tiến lên và cả thế giới tin là người Nhật nói được làm được.

Việt Nam và Nhật có mối liên hệ rất mật thiết. Người Việt ta giờ đã uống trà đạo, chơi karatedo, hát karaoke, ăn sushi y như người Nhật. Ta cũng quan tâm đến những người nổi tiếng bên Nhật không thua gì thần tượng của bên mình. Đợt sóng thần quét qua, nhiều báo đưa tin Gosho Aoyama (tác giả bộ truyện Conan) và diễn viên nổi tiếng chuyên đóng phim…con heo là Maria Ozawa với sự quan hoài đặc biệt. Ta gần gũi với Nhật là thế, giống người Nhật (ở chỗ… lùn) là thế mà sao bóng đá và mọi thứ ta lận đận thế.

Nói chuyện bóng đá Việt Nam lại nhớ mình đang chuẩn bị có HLV trưởng mới. Người Nhật vì HLV nội đi chăn vịt nên mới thuê HLV ngoại. Còn ta hết đời HLV ngoại này đến HLV ngoại khác mà cũng không khá nổi. Nghe đâu mấy tay HLV lừng danh như Hristo Stoichkov, Steve Sampson…đều lần lượt nộp đơn tự ứng cử nhưng đều bị ta bác hết. Tui hoài nghi điều này. Mấy HLV này danh tiếng lẫy lừng vậy đâu thiếu việc đâu mà phải nộp đơn. Mà có nộp đơn cũng đâu đến phiên nộp ở cái vùng trũng của trũng của trũng như Việt Nam ta? Chuyện nộp đơn vậy là thật hay giỡn thì chỉ có VFF và báo chí nhà mình biết, vì các ông HLV ngoại kia, các ổng…đâu có biết tiếng Việt mà đọc!

Xưa nay ta chỉ nghe chuyện học sinh đi dự thi vào một trường điểm, làm gì có chuyện một học sinh vốn đang học giỏi lại chui xuống tỉnh nộp đơn xin học một cái trường nhỏ tí xíu bao giờ. Mà mấy vụ treo đầu dê này bóng đá Việt Nam ta đâu có thiếu. Trong quá khứ ta từng bảo Walter Zenga muốn đến cầm quân, hay cách đây ít lâu có vị kia còn bảo mang Deco và Van Nistelrooy về Việt Nam. Ba cái chuyện mạnh miệng này, ta có lẽ hơn Nhật xa…

BLV Đình 8


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm