Vĩnh biệt NSND Quý Dương - Tan nát cõi lòng “Tam ca 3C”

29/06/2011 08:29 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - NSND Quý Dương từ trần lúc 13 giờ 45 hôm qua (28/6) sau nhiều năm chống chọi với bệnh thận, hưởng thọ 75 tuổi. Trong tâm trí nhiều thế hệ, ông được coi như tượng đài sừng sững của âm nhạc Việt.

Bộ ba ca sĩ Trung Kiên - Quý Dương - Trần Hiếu được khán giả ngưỡng mộ, không chỉ vì tài năng mà còn ở sự phân bè kết hợp với nhau hết sức ăn ý và nhuần nhuyễn trong thể hiện ca khúc: Chiều hải cảng, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng... Chục năm trước, tam ca này được báo chí và nhiều người yêu mến gọi bằng cái tên hóm hỉnh nhưng cũng đầy trân trọng: Tam ca 3C (tức 3 “cụ”, vì lúc đó cả ba cũng đã đến tuổi lên ông, lên cụ rồi nhưng vẫn hăng hái xông pha trong đời sống âm nhạc).

Trước tin buồn về sự ra đi của một trong những thành viên “3C”, NSND Trung Kiên đã chia sẻ với TT&VH những tâm tình về NSND Quý Dương- một trong những cánh chim đầu đàn đã có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp âm nhạc cách mạng của nước nhà.

Sau đây là những lời chia sẻ của NSND Trung Kiên:

1. “Tốt nghiệp khoa Thanh nhạc của Trường Âm nhạc VN năm 1959 nhưng trước đó, anh Dương đã hăng hái tham gia phong trào văn nghệ của Thành đoàn Hà Nội. Anh phụ trách ban đồng ca Tuổi Xanh và tôi phụ trách ban Rạng Đông, hai ban đều hoạt động sôi nổi suốt nhiều năm sau giải phóng thủ đô. Thời kỳ này, Hà Nội hình thành nhiều CLB ca hát thu hút người dân ở nhiều lứa tuổi tham gia. Với những công lao lớn đóng góp cho phong trào ca hát không chuyên của thành phố Hà Nội, anh xứng đáng là một trong những nghệ sĩ gần gũi với nhân dân nhất.


NSND Quý Dương (hàng trên cùng, ngoài cùng bên trái) cùng gia đình

Khi mới học năm thứ ba hệ trung cấp thanh nhạc, cùng với sự thông minh và vẻ đẹp ngoại hình, anh sớm khẳng định tài năng âm nhạc. Các đạo diễn nước ngoài đều chọn anh đóng các vai chính có nội tâm phức tạp trong các vở opera lần đầu được dàn dựng ở VN, như: Ônhêghin (Epghênhi Ônhêghin), ông già yêu nước Triều Tiên (Núi rừng hãy lên tiếng), Hồng y giáo chủ Môngtaneli (Ruồi Trâu)... Về Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN, anh tiếp tục giữ vai trò solist, trong đó có vở Cô sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận... Sau khi đi học thanh nhạc ở Bungari trở về, giọng hát của anh càng phát triển về mặt kỹ thuật, tài năng của anh càng ở độ chín khi kết hợp nhuần nhụy giữa kỹ thuật thanh nhạc cổ điển với cách hát dân gian Việt Nam.

Những ca khúc quen thuộc gắn với tên tuổi của NSND Quý Dương: Trường ca sông Lô, Ngọn đèn đứng gác, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng...

2. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, anh cùng các nghệ sĩ đem lời ca, tiếng hát át đến với bộ đội, dân công... ở các chiến trường. Anh là một trong những nghệ sĩ hăng hái tham gia các nhóm xung kích đem chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ ở các chiến trường miền Nam: tuyến lửa Vĩnh Linh, đường 5, đường 9 Nam Lào...

Chưa có thống kê chính thức nhưng tôi chắc hẳn anh là người thu âm nhiều ca khúc đơn ca nhất phát trên sóng Đài Tiếng nói VN và gắn tên tuổi với nhiều bài hát vào hàng hay nhất trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Tôi còn nhớ những ngày miền Nam sắp giải phóng, chúng tôi túc trực ở Đài Tiếng nói VN, thay phiên nhau vào phòng thu để liên tục có các bài hát mới phát trên sóng. Chúng tôi học bài rất nhanh, chỉ sau khoảng nửa tiếng là thu được một bài và rồi bài hát lan toả khắp nơi nơi...

Tôi không bao giờ quên chuyến đi cùng anh và các nghệ sĩ ngoài Bắc vào Sài Gòn biểu diễn nhân giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chương trình được đánh giá như “Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng nghệ thuật”, làm nức lòng thêm đồng bào miền Nam và khiến người nước ngoài sửng sốt vì không thể tưởng tượng miền Bắc những năm chiến tranh gian khổ nhường ấy mà vẫn có opera và những ca sĩ hát hay như vậy... Sau này, anh Dương còn tham gia giảng dạy chính thức tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), làm giám khảo trong nhiều hội diễn, rồi làm quản lý... Anh là một trong những cánh chim đầu đàn có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp ca hát cách mạng của nước nhà.

Tam ca 3C (từ trái qua) Trần Hiếu – Trung Kiên – Quý Dương

3. “Tam ca 3C” là cách gọi vui về nhóm nhạc gồm 3 “cụ”. 3 ông già chúng tôi đã hát với nhau từ lúc nào cũng không còn nhớ nữa. Có người giờ còn nhắc đến những ấn tượng khó phai về bộ ba chúng tôi trong các chương trình biểu diễn trước quảng trường Cách mạng tháng 8, sân khấu ngoài trời của Nhà hát Lớn... cách đây ngót nửa thế kỷ. Các bài hát của Nga hay ca khúc ca ngợi Bác Hồ... từ những ngày đó vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều thế hệ.

Sau này dù cao tuổi và mỗi người có hoàn cảnh khác biệt nhưng chúng tôi vẫn rất hòa hợp trên sân khấu. Mỗi lần xuất hiện, 3C đều được nhiều người yêu thích. Mỗi lần dựng chương trình lớn, tôi thường mời hai anh tham gia. Dù bận rộn nhưng thể nào 3C cũng cố gắng sắp xếp để tái hợp. Cách đây hơn chục năm, tôi làm đạo diễn Festival Huế, không ít khán giả bày tỏ ngạc nhiên khi “3 cụ” còn có thể cùng nhau cất tiếng hát như thế.

Không chỉ hòa hợp về nghệ thuật, chúng tôi có thể chia sẻ tâm tình được với nhau. Anh Dương đẹp trai được nhiều người yêu thích. Anh Hiếu vẻ ngoài xù xì nhưng có duyên... Mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh nhưng đều có thể hiểu và thông cảm cho nhau... Cuộc sống mỗi người đều có nỗi buồn riêng, dù không chè chén với nhau vì tôi với anh Dương đều không biết uống rượu, anh Hiếu uống khá hơn, nhưng chuyện riêng tư của mỗi người đều có thể tâm sự cho nhau biết. Cuộc sống ơi ta mến yêu người là ca khúc của Nga chúng tôi có nhiều lần biểu diễn cùng nhau, cũng như lời động viên, khích lệ đối với nhau mỗi lần sát cánh cất lên tiếng hát, tiếng đời...

Giờ thì 3C không thể tái hợp được nữa rồi...”  

Hải Đông (Ghi theo lời NSND Trung Kiên)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm