Họa sĩ Ớt - “ớt” cực cay!

28/07/2008 17:11 GMT+7 | Biếm Họa

HS Ớt (Huỳnh Bá Thành)

(TT&VH Online) - Có những người mà khi còn sống được rất nhiều người mến mộ, khi họ mất đi, sự mến mộ và kính trọng còn được tăng lên gấp bội. Họa sĩ biếm Ớt (Huỳnh Bá Thành) là một con người như vậy.
Tôi nhớ năm 1988, một người bạn thân của tôi ở Sài Gòn gọi điện thoại ra Hà Nội cho tôi: “Mày có cái tranh đăng ở báo Tuổi trẻ cười được, “cha nội” Ớt - Huỳnh Bá Thành khoái lắm cắt dán ở ngoài cái cặp da đi đâu cũng khoe hay, cười tùm lum”.
 
Cái tranh vui về cái thời khốn khó những năm 80 của thế kỷ trước ở Hà Nội, những cặp tình nhân không có chỗ tâm sự, bèn mua vé vào Bách Thảo ôm nhau đứng dựa vào thân cây... Có một cái thân cây hơi bị lõm xuống na ná như cái ghế xếp nên anh bảo vệ yêu cầu: “Thưa, cái thân cây này thế độc nên em xin anh chị thêm hai nghìn đồng!
 
Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến tên họa sĩ Ớt. Tháng 5/1989 tại Đại hội lần thứ 3 Hội nghệ sĩ tạo hình VN tổ chức tại Hội trường Nhà khách Chính phủ ở Ba Đình, chúng tôi thấy một anh chàng đẹp trai, đĩnh đạc, tay cầm chiếc máy quay video đi dọc Hội trường quay quang cảnh Đại hội. Hồi đó ai có máy quay video là cả một sự kiện. Tôi hỏi thì được biết đấy là họa sĩ biếm Ớt và còn là Tổng Biên tập báo Công an TP.HCM đang có số lượng phát hành kỷ lục VN.
 
 Quả thật, đối với các họa sĩ biếm miền Bắc, vì không có thông tin và hầu như chưa ai được xem nhiều tranh biếm của Ớt, nên nghe thì biết vậy chứ không biết anh hay đến mức nào. Chỉ nghe anh là người rất nổi tiếng, đi đầu trong công việc làm từ thiện... Không ngờ anh bị bệnh mất quá đột ngột vào ngày mùng 3 Tết Quý Dậu (1993), đám tang anh đông không tưởng tượng nổi vào một ngày đột nhiên mưa buồn, có rất nhiều người trước đó chưa hề gặp, quen biết anh... rất nhiều người khóc, ai cũng thương tiếc anh. Anh Nhốp - Tuổi trẻ cười cho tôi một vài thông tin vắn tắt về anh Ớt. Tôi lùng... và may mắn tìm được môt vài số báo Điện Tín có bài, có tranh biếm họa của anh ở một thư viện tại Hà Nội.
Tranh biếm các nhân vật “tai to mặt lớn” trong chế độ Mỹ - Ngụy
 
Nhưng mừng nhất là liên lạc được với anh Lê Tử Văn, Phó Tổng Biên tập báo Công an TP.HCM, một thân hữu của họa sĩ Ớt. Anh Lê Tử Văn gửi ra Hà Nội cho tôi mượn quyển Ký sự nhân vật của Huỳnh Bá Thành do NXB Trẻ in năm 2002. Một quyển sách hay, hấp đẫn... nhưng đọc xong quá buồn, vì thương người họa sĩ biếm tài ba mà bạc mệnh.

Đời làm báo và trở thành họa sĩ biếm của Huỳnh Bá Thành đến với anh cũng quá bất ngờ. Anh tự bạch viết một cái thư cho ra hồn còn khó nói chi viết báo: “Tôi ra sức viết tin, viết một cách khó khăn, xóa đi xóa lại, chép đi chép lại, ngày nào cũng viết, viết thí công, viết không điều kiện, thế nhưng thư ký tòa soạn không buồn đọc đến các tin tôi viết, các “tác phẩm” của tôi đều vào sọt rác suốt mấy tháng trời... Ít lâu sau thư ký tòa soạn lấy một vài đoạn nhỏ của tôi chèn vào các tin tức trong đô thành. Thật vô cùng sung sướng”.
 
Bằng sự cố gắng vô bờ bến, bám sát vào cuộc sống thực tế bằng bản lĩnh và tài năng của mình, anh mau chóng trở thành một tên tuổi trong làng báo Sài Gòn. Một người bạn thấy bức tranh biếm họa đầu tiên của anh quá chua cay nên đặt luôn cho anh cái tên họa sĩ Ớt. Bài viết của anh ngày một hay, nặng ký, nhất là thể loại phiếm luận. Viết đến độ được đăng lên báo là cả một kỳ công trong chế độ kiểm duyệt đa cấp của chế độ Mỹ - Ngụy trước 1975 , mà như anh: “Leo lách và viết lách thế nào? Chúng tôi thường gọi leo lách với chúng đến “trẹo xương sống”.
Tranh biếm về chế độ Mỹ-Ngụy
 
Những năm làm báo của họa sĩ Ớt thực sự là những năm anh phải đương đầu với mạng sống của mình bởi trong tòa soạn báo Điện Tín anh làm việc, bọn Ngụy cài 2 tên cảnh sát đặc biệt để truy tìm cộng sản thâm nhập vào báo. Tiếp theo chúng đưa tiếp một tên dạng “thầy bùa thầy phép” để “giúp đỡ” cho tòa soạn “nhưng thực chất là kìm kẹp và phát hiện những phần tử chống quốc gia, thân cộng sản”. Dù đã rất khéo léo nhưng bọn cảnh sát Ngụy đã khám xét, lục lọi nhà của họa sĩ Ớt và truy bắt anh vào tháng 3/1975, đóng cửa một lúc 5 tờ báo. Nhưng họa sĩ Ớt, một chiến sĩ công an “nằm vùng” may mắn đã kịp thoát ra vùng căn cứ.
Tranh biếm về tham nhũng trong chế độ Mỹ - Ngụy của họa sĩ Ớt
(đăng trên báo Điện Tín) 
Trước năm 1975 nhiều tác phẩm của anh đã được các báo Mỹ, Pháp, Canada, Australia, Tây Đức... trích đăng và coi anh là một nhà báo quốc tế trẻ nhất có nhiều tác phẩm chống Mỹ - Ngụy có chất lượng cao... Biếm họa của Ớt đả kích chế độ thối nát sắp tận thế của chế độ Ngụy lúc bấy giờ rất sâu sắc. Tranh châm biếm trực diện Nixon, Thiệu... của anh nổi tiếng như cồn, “rất Ớt”. Có tài vẽ chân dung biếm cộng với ký sự rất sắc nên các nhân vật tai to mặt lớn của Ngụy bị anh động tới trong Ký sự Nhân vật đều ngán anh, còn bạn đọc thì hoan nghênh nhiệt liệt.

Họa sĩ Ớt là một nhà báo viết và là một nhà báo vẽ tài năng. Anh còn là một nhà quản lý xuất sắc. Anh qua đời ở cái tuổi 49 để lại bao nhiêu ước vọng dở dang, để lại cho nhiều người khoảng trống mênh mông...

Lý Trực Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm