Chuyện về người in nhiều biếm họa nhất VN!

22/07/2008 18:56 GMT+7 | Biếm Họa

HS Nguyễn Nghiêm

(TT&VH Online) - Nguyễn Nghiêm nhỏ và nhẹ theo đúng nghĩa đen. Ông ít lời, khái tính, yêu ghét rõ ràng. Đó là tình yêu vô bờ dành cho gia đình mình và đất nước. Đó là sự căm ghét đến tận cùng cái ác, cái xấu đã trở thành thuộc tính của con người. Vì thế mà đời ông lắm lúc lận đận.

* Họa sĩ có nhiều biếm họa được in nhất Việt Nam(?)

Tháng Giêng năm 1947, Nguyễn Nghiêm nhập ngũ, lúc đó ông 18 tuổi. Hai năm sau, ông được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân rồi được điều động về công tác ở Đại đoàn 316.
 
 Con đường binh nghiệp của ông khá xông xênh. Nhưng sâu thẳm trong Nguyễn Nghiêm là tình yêu dành cho mỹ thuật, để rồi sau ngày hòa bình lập lại, ông đã quyết hy sinh các quyền lợi đang có của mình để theo học lớp trung cấp Mỹ thuật khóa 1957- 1960, cùng khóa với HS Mộng Bích, Phùng Phẩm, Huỳnh Phương Đông...
 
Sau khi học xong, ông trở lại con đường binh nghiệp, ở Cục xuất bản Quân đội Nhân dân cho đến ngày nghỉ hưu với hàm Thiếu tá vào tháng 4/1987.
Ông nổi tiếng đến
mức nhiều người
nhầm Nghiêm trong
câu “Nhất Sáng, nhì
Liên, tam Nghiêm, tứ
Phái” là Nguyễn
Nghiêm chứ không
phải là danh họa
Nguyễn Tư Nghiêm!  
 
 
Tính cho đến khi mất vì một căn bệnh hiểm nghèo năm 1995, sự nghiệp biếm họa của Nguyễn Nghiêm kéo dài 35 năm. Ngày làm việc cơ quan, tối ông cặm cụi vẽ, vẽ thâu đêm... Cho đến năm 1995, Nguyễn Nghiêm là HS biếm có số lượng tranh biếm họa được in nhiều nhất Việt Nam, tính ra đến hàng ngàn.
 
Có ngày bốn, năm tranh biếm họa của ông được đăng trên các báo khác nhau. Hầu như các báo Trung ương, địa phương thời ông còn sống đều đăng tranh biếm họa của ông, với chữ ký N2.
 
  Ông nổi tiếng đến mức nhiều người nhầm Nghiêm trong câu “Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái” là Nguyễn Nghiêm chứ không phải là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm! Nguyễn Nghiêm biếm họa đã trở thành người của công chúng. Về phương diện này, ông xứng đáng được tôn vinh là tướng biếm họa.
 
* Rất hài hước, rất nghiêm

Nhìn chung biếm họa của Nguyễn Nghiêm đơn giản, phổ thông. Hình họa tranh ông hơi cứng nhưng chắc. Chỉ khi cần, chủ yếu khi vẽ tranh đả kích thì hình họa trong tranh của ông mới được cường điệu một cách có chủ định, nhấn mạnh ý tranh, tạo hiệu quả của tranh. Yếu tố bất ngờ, gây cười trong tranh châm biếm của Nguyễn Nghiêm được thể hiện khá bài bản, đầy ý thức.
 
Cũng cần phải nói thêm là Nguyễn Nghiêm đã từng thuyết trình về tiếng cười trong tranh cười và truyện cười tại trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.

Đề tài trong tranh biếm họa của Nguyễn Nghiêm rất phong phú, nhưng nổi bật nhất là mảng tranh biếm họa đả kích kẻ thù và mảng đả kích, châm biếm nhằm hoàn thiện con người và xã hội.

Ở mảng thứ nhất, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và trong cuộc chiến tranh biên giới Nguyễn Nghiêm đã có nhiều tranh rất có giá trị. NXB Quân đội đã in nhiều sách biếm họa trong đó có rất nhiều tranh của ông.
 
Ở mảng thứ hai, đặc biệt trong thời gian đổi mới, Nguyễn Nghiêm cùng nhiều HS biếm họa khác đã có không ít tranh biếm họa hay, sâu sắc ở báo Văn nghê được rộng rãi dư luận hoan nghênh.
 
 Ở một bức tranh, ông vẽ một ông quan ngồi trên cái ghế gần ngập trong vũng nước đen ngòm, hai mắt kính cận bị bịt bằng băng dán, cầm tờ báo hậm hực: “Viết bậy, tình hình đâu đến nỗi bi đát thế”.
“Viết bậy, tình hình đâu đến nỗi bi đát thế”!
 Tranh Nguyễn Nghiêm
 
Ở một bức tranh không lời, ông vẽ một ông đang say sưa ngồi vá víu mấy vết vữa bị bung ở chân tường, trong khi cái dầm đỡ mái nhà đã gãy, cột chống sắp long, nước giọt từ trên nóc xuống thì không lo.
 Nhà dột, dầm gẫy không lo, lại đi lo vá víu ở chân tường
Tranh Nguyễn Nghiêm
 
Hưởng ứng lời kêu gọi “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Đảng lúc đó là đồng chí Nguyễn Văn Linh, chống lại nhiều vụ việc rơi vào cõi im lặng đáng sợ, ông có tranh: “Có chăng mới thấu” dựa vào tích con cóc đi kiện ông trời (Văn nghệ, ngày 7/5/1988 - xem tranh 3) với dụng ý xây dựng, nhưng do không nghĩ quá sâu xa, ông đã sửa cái bút trở thành khẩu B40 theo góp ý của vài anh biên tập viên của báo, thế là bị suy diễn, quy chụp khiến người ta phát hoảng...
Bức tranh biếm theo tích "Cóc kiện trời".
Tranh Nguyễn Nghiêm
 
HS biếm, nguyên thiếu tá Nguyễn Nghiêm vì thế mà lao đao suốt một năm trời, đành phải mở quán bán trứng vịt lộn và xôi để kiếm tiền nuôi vợ và các con đang tuổi ăn học.

Nhưng chiến sĩ vẽ Nguyễn Nghiêm không buông “vũ khí” để đem lại tiếng cười cho mọi người trong cuộc chiến chống quan liêu, tham nhũng... Ít lâu sau tranh ông lại xuất hiện đều đều trên các báo, vẫn rất hài hước, rất nghiêm!

Lý Trực Dũng
Xem thêm chủ đề biếm họa báo chí VN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm