(TT&VH) - Không ít chuyên gia cho rằng lễ hội Đèn Quảng Chiếu là nghi thức văn hóa, tâm linh tiêu biểu nhất từng diễn ra tại khu vực Hoàng thành Thăng Long. Và như vậy, có thể coi ý tưởng mà Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – thành cổ Hà Nội đang theo đuổi là hành trình tìm lại “phần hồn” của di sản thế giới này.
Thậm chí, một số học giả đã thầm nghĩ tới một giấc mơ xa: sau khi được phục dựng và vận hành, lễ hội Đèn Quảng Chiếu (ĐQC) sẽ tới lúc được UNESCO xem xét và công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Khi đó, giữa Hà Nội nhộn nhịp của thế kỷ 21, Hoàng thành Thăng Long sẽ tồn tại như một đại diện cho tất cả những giá trị văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc
Đại lễ quan trọng của cả dân tộc Việt vào TK 12
Quảng Chiếu có nghĩa là ánh sáng lan tỏa khắp nơi, kể cả chỗ tối tăm và uẩn khuất nhất nơi tâm thức mỗi cá nhân |
“Chúng ta đều có ước vọng tổ chức một lễ hội xứng tầm với giá trị của Hoàng thành Thăng Long. Hãy coi lễ hội ĐQC là một cố gắng từ thế hệ hôm nay để đáp lại công ơn của những người từng dựng nên di sản thế giới này” - Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – thành cổ Hà Nội cho biết.
Thực tế, ngay từ năm 2008, trung tâm đã tổ chức sưu tầm tư liệu và lấy ý kiến của giới nghiên cứu khoa học về kế hoạch phục dựng lễ hội độc đáo này.
Không có gì khó hiểu khi lễ hội ĐQC luôn được nhắc tới trong các bộ cổ sử như một sự kiện văn hóa – tâm linh tiêu biểu tại kinh thành Thăng Long trong thế kỉ 12. Theo đó, lễ hội này đã được tổ chức ít nhất 4 lần vào các năm 1116, 1120 và 1126 (2 lần). Các tài liệu được sưu tầm cho thấy: lễ hội này do vương triều Lý đứng ra tổ chức, thường diễn ra ở sân trước Đoan Môn (khoảng không gian giữa di tích cổng Đoan Môn và Cột cờ Hà Nội hiện nay). Trung tâm của sân lễ là cây tháp gỗ 7 tầng thiết kế tinh xảo, đốt hàng ngàn ngọn nến sáng lung linh, được gọi là ĐQC. Kèm theo là một hệ thống đồ sộ hàng loạt lầu hoa, ngọn đèn hoặc các bảo tháp làm bằng ngà voi, gỗ mun, vàng bạc... được dựng lân cận.
Đáng thú vị, lễ hội ĐQC bao gồm hàng loạt yếu tố văn hóa văn hóa, tâm linh điển hình độc đáo của Việt Nam trong thế kỷ 12. Ở đó, các nhà nghiên cứu lần lượt chỉ ra những yếu tố của Phật giáo – vốn là quốc giáo thời Lý, của tục chơi đèn Tết Nguyên tiêu du nhập văn hóa Trung Hoa, của những nghi thức lễ hội cung đình vốn manh nha từ thời Đinh – Tiền Lê trước đó...
Đoan Môn – nơi dự kiến diễn ra lễ hội Đèn Quảng Chiếu vào đầu năm 2013. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN
|
Bản thân, vương triều Lý cũng tổ chức lễ hội này một cách rất “sáng tạo” khi năm 1126 đã mở liền 2 lễ hội ĐQC: một vào tháng Giêng tại Đoan Môn cho nhân dân tham dự, một vào tháng 9 tại Long Trì trong Hoàng thành và mời sứ thần Chiêm Thành thưởng lãm.
Với việc vương triều Lý đề cao Phật giáo như một hình thức văn hóa tín ngưỡng quan trọng để đoàn kết dân tộc, hầu hết giới nghiên cứu đều khẳng định: lễ hội ĐQC có thể coi là đại lễ quan trọng của cả dân tộc Việt vào thế kỷ 12 với mục đích kêu gọi đoàn kết, cầu Quốc thái dân an và tôn vinh trí tuệ của con người. (Theo khái niệm từ Phật giáo, Quảng Chiếu có nghĩa là ánh sáng lan tỏa khắp nơi, kể cả chỗ tối tăm và uẩn khuất nhất nơi tâm thức mỗi cá nhân).
Sẽ có lễ hội Đèn Quảng Chiếu vào năm 2013?
Quyết tâm theo đuổi ý tưởng phục dựng lễ hội ĐQC, Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – thành cổ Hà Nội nhận được sự đánh giá rất tích cực của GS sử học Phan Huy Lê. Theo phân tích của ông, việc phục dựng một lễ hội diễn ra từ cách đây 9 thế kỷ và chỉ được ghi vài dòng trong cổ sử là vô cùng khó khăn – nếu như không có bản văn bia "Sùng Thiện Diên Linh" của chùa Đọi (Hà Nam). Những chi tiết tương đối cụ thể về lễ hội ĐQC trên tấm bia được dựng vào thế kỷ 12 này là cơ sở chính để họ lần tìm thêm các thông tin về lễ hội ĐQC.
“Lễ hội ĐQC kết hợp tính chất của ba hình thức văn hóa cung đình, văn hóa dân gian và văn hóa tâm linh. Đây là một sự kết hợp rất độc đáo trong lịch sử văn hóa Việt Nam" - GS Phan Huy Lê nhận xét.
Ông nhấn mạnh: “Có thể coi việc phục dựng lễ hội này là điểm khởi đầu hợp lý nhất trong việc dần tìm lại các giá trị văn hóa phi vật thể thời Lý, Trần – nhiệm vụ lớn của ngành sử học”.
“Tư liệu về lễ hội này vẫn quá ít nên chúng tôi luôn gặp khó khăn trong công tác nghiên cứu. Ngoài ra, việc phục dựng lễ hội ĐQC trong bối cảnh hiện đại đặt ra hàng loạt câu hỏi lớn trong việc giải quyết các yếu tốt về tính dân tộc, tính truyền thống, tính hiện đại, tính tôn giáo... của lễ hội” - TS Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2012 sẽ được trao vào ngày 31/8/2012 tại Hà Nội. Giải thưởng gồm 4 hạng mục: giải thưởng Lớn; giải Tác phẩm; giải Ý tưởng; giải Việc làm. Chi tiết các đề cử của năm nay, TT&VH sẽ tiếp tục giới thiệu trên các số báo tới. |
Bản thân, 2 cuộc hội thảo vào các năm 2008 và 2011 do trung tâm tổ chức đã phần nào nhận được những ý kiến đóng góp quan trọng từ giới nghiên cứu. Theo đó, lễ hội này sẽ được tổ chức tại Đoan Môn của khu di tích theo nghi thức cấp quốc gia trong 1 ngày 1 đêm. Trong không gian tổ chức lễ hội được trang trí đèn, nến, kèm theo đó là các hoạt động như: thỉnh 3 hồi chuông trống theo truyền thống của Phật giáo, rước nước; dâng hương và thắp ĐQC; thỉnh Phật; cúng triệu thỉnh Bát bộ Kim cương; dâng lục cúng; khai ấn cát tường...
Theo kế hoạch, tới cuối năm 2012, phía trung tâm sẽ hoàn thành việc xây dựng kịch bản văn học cho lễ hội ĐQC. Trong trường hợp được các cơ quan chức năng phê duyệt, kịch bản chi tiết của lễ hội này sẽ được tiếp tục xây dựng để kịp tổ chức thử nghiệm lễ hội ngày vào đầu năm 2013. Và, sau 2 năm tổ chức mang tính chất thử nghiệm, lễ hội ĐQC sẽ chính thức diễn ra vào năm 2015 tại cổng Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long – kỉ niệm 5 năm cụm di tích này này nhận danh hiệu Di sản Văn hóa thế giới do UNESCO trao tặng.
Cúc Đường