World Cup 1958: Pele ra mắt, Brazil vô địch

27/05/2010 14:39 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Những ngày với nắng ấm, ngày dài hơn đêm trong mùa hè ở Thụy Điển là sân khấu tuyệt vời cho chiến thắng đầu tiên của ĐT Brazil ở World Cup năm 1958, cũng là năm mà một cầu thủ 17 tuổi tên gọi Pele xuất hiện trên các cầu trường quốc tế.

Với một hệ thống chiến thuật mới và hàng công gồm rất nhiều tài năng xuất chúng, đặc biệt là Pele và Garrincha, Brazil đánh bại Thụy Điển 5-2 trong trận chung kết ở sân Rasunda để trở thành đội bóng đầu tiên vô địch ở một châu lục khác. Nhưng không chỉ có những cầu thủ Brazil vào vai người hùng. Tiền đạo Just Fontaine của tuyển Pháp đã ghi tên mình vào lịch sử và kỷ lục 13 bàn thắng, trong 6 trận đấu, ở một kỳ World Cup vẫn là bức tường không thể xô đổ đến tận ngày nay, khi Les Bleus giành huy chương đồng. Không tệ chút nào cho một cầu thủ chỉ được ra sân vì người đá chính Rene Bliard chấn thương.

Pele vô địch World Cup 1958
Dưới sự dẫn dắt của HLV Vincente Feola, Brazil đã được chuẩn bị tốt nhất cho giải đấu này, khi họ rốt cuộc cũng đủ sức chinh phục thế giới. Sau 3 tháng miệt mài tập luyện cùng nhau, họ đến châu Âu trước vòng chung kết với một đội ngũ hết sức hùng hậu bao gồm cả các chuyên gia về thể lực. Ra sân với đội hình sáng tạo 4-2-4, Brazil không sử dụng cả Pele lẫn Garrincha cho tới trận cuối cùng của họ ở vòng bảng gặp Liên Xô. Trong trận đó, Pele đá cặp với Vava trên hàng công và Garrincha đá ở cánh. Họ thắng 2-0 để giành ngôi đầu bảng. Brazil đã cất cánh và bàn thắng đầu tiên của Pele ở World Cup đến không lâu sau đó trong chiến thắng ở tứ kết trước xứ Wales.

Đội chủ nhà Thụy Điển bước vào vòng chung kết được khích lệ bởi quyết định cho phép các cầu thủ chuyên nghiệp cũng được khoác áo ĐTQG. Phán quyết này giúp họ có thể gọi vào đội hình những người đang chơi bóng cho giải chuyên nghiệp Serie A ở Ý, bao gồm Gunnar Gren và Nils Liedholm, các ngôi sao của đội bóng từng giành chức vô địch Olympic 1948, và tiền vệ cánh trẻ Kurt Hamrin. Tuy nhiên, sự chuẩn bị của họ không tốt như Brazil, điều hình là việc Bengt Gustavsson, một lính lê dương ở Ý khác, gia nhập đội hình chỉ 3 ngày trước trận đầu tiên.

Chủ nhà phấn khích

Tinh thần của tuyển Thụy Điển rất tốt dưới sự dẫn dắt của HLV người Anh George Raynor, dù họ không thực sự được đánh giá cao. Sau khi đứng đầu bảng đấu, thậm chí một số cầu thủ đã thu dọn hành lý trước trận tứ kết gặp Liên Xô. Thế nhưng, họ đã vượt qua Liên Xô và sau đó đánh bại cả đương kim vô địch Tây Đức trong trận bán kết ở Gothenburg với tỷ số 3-1. Đội bóng của HLV Sepp Herberger có mặt cầu thủ ghi được 6 bàn tại giải Uwe Rahn và Uwe Seeler, người chơi 5 trận đầu tiên trong kỷ lục 21 trận liên tiếp ở các kỳ World Cup.

Đây cũng là lần đầu tiên một VCK World Cup được phát trên truyền hình. Tuy nhiên, khán giả Đông Âu không xem được vì không tương thích về kỹ thuật. Đây thực sự là điều đáng tiếc với người hâm mộ Liên Xô vì họ là một trong ba cái tên mới lần đầu ra mắt, bên cạnh xứ Wales và Bắc Ireland. Cả Anh và Scotland cũng có mặt để khiến giải đấu là kỳ World Cup đầu tiên, và duy nhất cho tới thời điểm này, cả bốn đội của Vương quốc Anh đều tranh tài. Những hy vọng của người Anh bị phủ mây đen sau tai nạn máy bay ở Munich vào tháng 2 làm một số trụ cột của họ thiệt mạng. Nhưng đại diện xứ sương mù vẫn đủ sức cầm hòa không bàn thắng với Brazil, trận đầu tiên trong lịch sử World Cup kết thúc với tỷ số 0-0. Tuy nhiên, họ thua trận play-off giành quyền đá ở tứ kết trước Liên Xô, sau khi hai đội kết thúc vòng bảng bằng điểm nhau.

Xứ Wales và Bắc Ireland giành được chiến thắng trong các trận play-off vòng một trước Hungary và Tiệp Khắc. Xứ Wales đã gặp may ở vòng loại. Xếp thứ hai trong bảng đấu, họ bắt được lá thăm đá play-off với Israel, đội phải rút lui vì lý do chính trị. Xứ Wales tận dụng cơ hội này và dù không có ngôi sao John Charles vì chấn thương, đã tiến vào tứ kết và chỉ thua Brazil sít sao sau pha lập công của Pele.

Mưa bàn thắng của Pháp

Ở tứ kết, Pháp đã loại Bắc Ireland với sự tỏa sáng của cặp tiền đạo Fontaine-Raymond Kopa. Kopa là một nhà tân vô địch Cúp C1 với Real Madrid và năm đó được bình chọn làm Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu. Với 23 bàn, tuyển Pháp thậm chí còn ghi được nhiều bàn hơn nhà vô địch Brazil. Trận bán kết Pháp-Brazil, như sau này cho thấy, là trận hay nhất của giải. Dù Fontaine gỡ hòa sau bàn mở tỷ số sớm của Vava, bàn thứ hai của Brazil từ Didi giúp đội bóng Nam Mỹ vươn lên dẫn trước trong hiệp 1. Sau giờ nghỉ, Pele tỏa sáng với một hat-trick giúp đội nhà hạ gục đối thủ với tỷ số 5-2, khi Pháp chỉ còn 10 người trên sân do hậu vệ Bob Jonquet dính chấn thương.

Tỷ số đó lặp lại trong trận chung kết khi Brazil, do trùng màu áo với đội chủ nhà, miễn cưỡng phải mặc áo xanh. Liedholm mở tỷ số sớm cho Thụy Điển, nhưng Vava và Pele mỗi người ghi hai bàn, cùng với một bàn nữa của Mario Zagallo, HLV vô địch thế giới trong tương lai, giúp Brazil đăng quang. Bàn thắng thứ ba của Brazil được coi là một trong những bàn đẹp nhất lịch sử World Cup: Pele lốp bóng qua một trung vệ trước khi sút quả bóng sống đang rơi xuống vào lưới thủ thành Karl Svensson.

Brazil 1958 là một trong những đội bóng được yêu mến nhất không chỉ vì họ chiến thắng, chơi đẹp mắt, mà còn rất thân thiện với khán giả và đầy tinh thần fair-play. Các nhà vô địch sau đó đã tổ chức ăn mừng với một lá cờ Thụy Điển được rước vòng quanh sân. Họ còn nhận được lời chúc mừng đặc biệt từ vua Gustav IV của nước chủ nhà.

World Cup 1958 ở Thụy Điển

Vô địch: Brazil

Á quân: Thụy Điển

Hạng ba: Pháp

Vua phá lưới: Just Fontaine (Pháp), 13 bàn

Có thể bạn chưa biết

Gunnar Gren có trận ra mắt cho Thụy Điển ngày 29/8/1940. Pele của đội Brazil, một đối thủ của ông trong trận chung kết, ra đời trước đó không tới hai tháng.

Trong suốt giải đấu, 8 cầu thủ chơi cho Paraguay đã thương lượng và ký kết hợp đồng với những đội nước ngoài.

Đây là lần duy nhất ở một kỳ World Cup cho tới giờ cả bốn đại diện của Vương quốc Anh: Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, đều có mặt, nhưng chỉ Wales và Bắc Ireland vào được tới tứ kết.

Guilermo Stabile, từng giúp Argentina đánh bại Mỹ 6-1 năm 1930, nhận lại một thất bại 1-6 dưới tay Tiệp Khắc, lần này là với tư cách HLV đội bóng xứ tango.

Brazil và Anh có trận hòa không bàn thắng đầu tiên trong lịch sử World Cup, tỷ số 0-0 lặp lại 4 ngày sau đó trong trận xứ Wales gặp Thụy Điển.
 
Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm