World Cup 1954: Lần đầu tiên cho tinh thần Đức

26/05/2010 14:39 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Thậm chí còn bất ngờ hơn chiến thắng gây sốc của Uruguay 4 năm trước đó, Tây Đức trở thành đội vô địch thế giới tại Thụy Sĩ với việc kết thúc chuỗi thành tích 31 trận bất bại của đội Hungary hoàng kim gồm “Những người Magyar ma thuật” trong trận chung kết sẽ được nhớ mãi với tên gọi Điều thần kỳ ở Berne.

Đức VĐ World Cup 1954
Trên những triền núi của rặng Alps, đó là một trong những trận đấu bất ngờ nhất lịch sử World Cup. Người Đức lật ngược tình thế sau khi bị dẫn trước 2 bàn để thắng lại 3-2 trước đối thủ từng đè bẹp họ 8-3 mới vài ngày trước. Jules Rimet, vị chủ tịch FIFA sắp từ nhiệm, trao chiếc cúp vinh quang cho Fritz Walter và thế giới bóng đá học được một bài học quan trọng: không bao giờ được gạch tên người Đức khỏi danh sách ứng cử viên.

Những người Magyar ma thuật

Hungary bước vào vòng chung kết năm 1954 với địa vị không chính thức của đội bóng xuất sắc nhất, và chơi đẹp nhất hành tinh. Họ vừa vô địch Olympic 1952, trải qua 23 chiến thắng và 4 trận hòa trong 4 năm trước đó, bao gồm những chiến tích vang dội như việc hạ gục Anh 6-3 ngay tại Wembley vào năm 1953 để trở thành đội khách đầu tiên giành chiến thắng tại thánh đường bóng đá của xứ sương mù. Ngôi sao lớn nhất trong đội hình Hungary là Ferenc Puskas, với chiếc chân trái kỳ diệu đang chơi cho CLB của quân đội Hungary, Honved.

Nhưng đó không phải là ngôi sao duy nhất trong đội hình đầy rẫy những tài năng lớn của HLV Gusztav Sebes. Chơi bên cạnh Puskas là các tiền đạo Sandor Kocsis và Nandor Hidegkuti cùng tiền vệ Josef Bozsik. Tất cả họ đã trình diễn thứ bóng đá kỳ ảo đi trước thời gian, cả về mặt chiến thuật. Hidegkuti đóng vai tiền đạo lùi đằng sau Puskas và Kocsis trong đội hình 4-2-4. Hungary khởi động trước World Cup bằng cách đè bẹp Anh 7-1 ở Budapest và ghi 17 bàn chỉ trong 2 trận mở màn tại Thụy Sĩ, thắng CHDCND Triều Tiên 9-0 và Tây Đức 8-3, mặc dù chiến thắng thứ hai có thể chênh lệch hơn so với những gì diễn ra trên sân.

Giải đấu được tổ chức theo thể lệ hai đội hạt giống trong cùng bảng đá với hai đội không phải hạt giống. Thế nên Sepp Herberger, HLV của Mannschaft, bước vào trận đấu với Hungary khi đã biết đội ông có thể thua mà vẫn đi tiếp bằng cách thắng trận play-off với một đội hạt giống khác trong bảng: TNK, đội họ từng đánh bại 4-1. Vì thế Herberger đã thay 7 người trong đội hình chính thức, chấp nhận một thất bại nặng nề, nhưng sau đó cho ra sân đội một và đè bẹp TNK trong trận play-off, đưa họ vào tứ kết.

Mưa bàn thắng

Chỉ tính riêng bảng đấu của Tây Đức và Hungary đã có tới 41 bàn thắng, nên không có gì ngạc nhiên khi giải đấu tại Thụy Sĩ trở thành vòng chung kết World Cup có tỷ lệ ghi bàn cao nhất: 140 bàn trong 26 trận, trung bình hơn 5 bàn mỗi trận. Kỷ lục của giải đấu là trận đấu có tới 12 bàn: trận bán kết giữa Thụy Sĩ và Áo khi đội chủ nhà dẫn trước 3-0 sau 19 phút để rồi để thủng lưới 5 bàn trong 10 phút trước giờ nghỉ và kết thúc trận đấu với thất bại 5-7.

Chính ở giải đấu lần này, Brazil lần đầu tiên sử dụng chiếc áo vàng sau này sẽ cùng họ đi vào lịch sử. Đó là sản phẩm sau một cuộc thi thiết kết áo đấu cho ĐTQG do một tờ báo tổ chức. Tuy nhiên, tại Thụy Sĩ, hy vọng của Brazil kết thúc trong một trận đấu hết sức quyết liệt sau này được nhớ đến với tên gọi “Trận chiến ở Berne”. Vua phá lưới Kocsis ghi 2 trong số 11 bàn của anh cho Hungary ở giải lần này để giúp đội nhà thắng 4-2, nhưng trận đấu mất vui bởi những vụ to tiếng suýt dẫn đến ẩu đả trên đường hầm dẫn ra khỏi sân.

Ở bán kết, hai bàn thắng từ các pha đánh đầu của Kocsis trong hiệp phụ giúp Hungary có chiến thắng với kết quả tương tự trước Uruguay. Celeste, nhà vô địch của hai kỳ World Cup, gỡ hòa sau khi bị dẫn trước 2-0 nhờ cú đúp của Juan Holberg trước khi bị khuất phục, thất bại đầu tiên của họ ở một giải vô địch thế giới. Trong khi Hungary phải trải qua hai cuộc quyết đấu sống còn, Tây Đức tiến vào chung kết khá dễ dàng. Họ đánh bại Nam Tư 2-0 ở tứ kết và đè bẹp hàng xóm Áo 6-1 ở bán kết, với những cú đúp của các anh em Fritz và Ottmaz Walter, đều đang khoác áo Kaiserlautern.

Thời tiết của Fritz Walter

Hai anh em Walter lại góp công lớn trong trận chung kết trên sân Wankdorf sũng nước mưa diễn ra ngày 4/7/1954. Thời tiết có lẽ là một điểm thuận lợi cho Tây Đức bởi lẽ tiền vệ Walter, người ghi bàn quyết định cho Mannschaft, sẽ gặp nhiều khó khăn nếu phải chơi bóng trong thời tiết nóng nực của mùa hè, do di chứng của bệnh sốt rét từ thời chiến. Sau này, các CĐV Đức gọi cơn mưa bất ngờ ở Berne là “thời tiết của Fritz Walter”.

Ngược lại, tình trạng thể lực của Puskas là một mối lo lớn với Hungary. Puskas đã vắng mặt trong 2 trận gần nhất của họ sau khi bị Werner Liebrich của chính Tây Đức phạm lỗi trong trận đấu giữa hai đội tại vòng bảng. Dù không hoàn toàn khỏe mạnh, Puskas vẫn mở tỷ số sau 6 phút và trong vòng 120 giây, ứng cử viên số một vươn lên dẫn trước 2-0 sau khi thủ thành Toni Turek của Tây Đức để bóng lọt vào chân Zoltan Czibor. Tuy nhiên đến phút 18, Tây Đức đã gỡ hòa. Cú dứt điểm vào góc xa của Morlock được tiếp nối bằng pha lập công của Rahn từ đường phạt góc của Fritz Walter.

Khi mưa bắt đầu rơi, không khí trên sân cũng thêm căng thẳng và xà ngang từ chối một bàn thắng của Hidegkuti. Nhưng vào lúc còn lại 6 phút nữa là hết giờ, Rahn nhận bóng trong vòng cấm và sút bóng vào góc xa. Vẫn còn thời gian để Puskas đưa bóng vào lưới Tây Đức, nhưng trọng tài biên không công nhận bàn thắng đó và hồi còi chung cuộc đã xác nhận điều không tưởng: Hungary bị đánh bại và một thế lực mới xuất hiện trên vũ đài bóng đá thế giới.

World Cup 1954 ở Thụy Sĩ

Vô địch: Tây Đức

Á quân: Hungary

Hạng ba: Áo

Vua phá lưới: Sandor Kocsis (Hungary), 11 bàn

Có thể bạn chưa biết

+ Hungary ghi 25 bàn trong 4 trận trên đường vào chung kết, nhiều hơn 18 bàn so với ĐT Anh trong hành trình 5 trận tương tự trước trận chung kết năm 1966.

+ Nhà vô địch các năm 1930 và 1950 lần đầu tiên thua trận ở World Cup khi họ bị Hungary loại ở bán kết với tỷ số 4-2.

+ Thụy Sĩ dẫn trước Áo 3-0 trong ở tứ kết, nhưng sau đó Áo thắng ngược 7-5. 12 bàn thắng ghi trong trận này vẫn là kỷ lục của World Cup ở mọi thời.

+ Cả hai bàn thắng của Mamat Suat cho TNK trong 2 trận của anh ở World Cup 1954, trong trận thua Tây Đức 1-4 và thắng Hàn Quốc 7-0, đều diễn ra chỉ trong 10 phút đầu tiên.

+ Bảng 4 có mặt Thụy Sĩ, Anh, Ý và Bỉ, là lần duy nhất ở vòng bảng có một bảng đấu gồm các đội đến từ chung một châu lục

.Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm