Nghịch lý bóng đá Việt Nam

18/05/2017 10:50 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Không ở đâu trên thế giới, một giải VĐQG với vỏn vẹn 14 đội lại thi đấu đến 11 tháng (từ 7/1 – 25/11 và còn có thể kéo dài đến tháng 12 theo dự kiến). Và cũng không nơi nào, nền bóng đá phải ngưng lại để một đôi ĐT trẻ QG tham dự các giải đấu quốc tế…

1. Lượt đi V-League 2017 đã khép lại từ ngày 16/4, để ĐT U20 Việt Nam hội quân chuẩn bị FIFA U20 World Cup 2017 và giải bóng đá quốc nội sẽ chỉ lăn bóng trở lại vào ngày 24/6, tức là hơn một tháng. Chưa hết, sau vòng đấu thứ 16, ngày 2/7, V-League sẽ tiếp tục nghỉ đến tận 8/9, nhường sân cho ĐT U23 Việt Nam chuẩn bị các kế hoạch Vòng loại U23 châu Á 2018 (khởi tranh vào tháng 7/2017) và SEA Games 29 (Malausia, tháng 8/2017). Tính nhanh, kể từ ngày V-League 2017 khai cuộc, đến khi giải đấu khép lại, ngót nghét 12 tháng.

Việc xé lẻ và kéo dài giải đấu quốc nội (bao gồm cả Cúp QG), kéo theo rất nhiều hệ luỵ. Dễ thấy nhất là khó khăn trong việc duy trì phong độ của cầu thủ, cũng như các CLB; kế đến – đáng lưu tâm hơn nhiều, là vấn đề tài chính mà một đội bóng phải bỏ ra để trả lương cho cầu thủ, cũng như đội ngũ HLV… Sự kết nối mang tính xuyên suốt với các nhà tài trợ, ở cả cấp CLB lẫn giải đấu, cũng không thể duy trì. Và khi thanh khoản chịu tác động, không loại trừ khả năng nền bóng đá, cũng như các giải đấu, các CLB, cầu thủ.., phải “ăn độn”. Quả thật rất khó để chào và bán hàng, với một đề án rách như rươi thế.

2. Tất nhiên, các CLB là những người đầu tiên quan tâm đến việc này, kế đến mới là nhà tổ chức giải đấu (VPF), rồi VFF. Song, vấn đề là họ đã và chưa tìm được tiếng nói chung, mang tính thống nhất, phản biện. Hy sinh vì lợi ích quốc gia là chuyện cần thiết nên làm, nhưng trong một chừng mực nào đó, cần phải dung hoà lợi ích. Bao năm qua, bóng đá chuyên nghiệp nửa vời kiểu Việt Nam, với các giải đấu gắn mác chuyên, vẫn vừa chạy vừa xếp hàng. Nó bao gồm cả cách thức tổ chức các ĐTQG. Chúng ta, ở đây là VFF, vẫn chỉ ngắm tới lợi ích trước mắt, mà thiếu một kế hoạch dài hơi, mang tính chiến lược.

U22 Việt Nam và 'chìa khoá vàng' SEA Games

U22 Việt Nam và 'chìa khoá vàng' SEA Games

Giấc mơ đổi màu huy chương môn bóng đá nam SEA Games chưa bao giờ giảm nhiệt, dù sự thật là, ngay cả khi có nó cũng không đồng nghĩa với việc đã nâng đẳng cấp nền bóng đá lên một tầm cao mới...

Ví như, tại sao và thế nào, ĐT U22 Việt Nam lại không tận dụng khoảng thời gian trống các giải bóng đá quốc nội nghỉ (từ trung tuần tháng 4 – cuối tháng 6/2017), mà duy trì tập luyện, tiến tới Vòng loại U23 châu Á 2018 (lăn bóng vào tháng 7/2017) và xa hơn là SEA Games 29, một tháng sau đó?! Sau trận giao hữu gọi là cho quen mặt với ĐT U20 Việt Nam, thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng lại ai về nhà nấy. “Tâm lý cầu thủ ảnh hưởng khiến cho BHL rất khó định hướng. Cầu thủ ở CLB, có thi đấu thì mới mong có thu nhập (tăng thêm), đằng này…”, HLV trưởng Sài Gòn FC, Nguyễn Đức Thắng chia sẻ.

Tập chay (thiếu các trận đấu) là một cực hình với CLB, và cả BHL các đội bóng. VFF thay vì “ốp” các kế hoạch của mình như một thói quen, xuống các CLB, cũng như BTC các giải đấu, cũng cần phải lắng nghe ý kiến phản biện của họ. Ở chiều ngược lại, nếu các CLB không thể làm chủ được cuộc chơi do chính mình tổ chức, chính mình là hạt nhân, thì cũng nên “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Nhưng, như đá nói, có nghịch lý mới là bóng đá Việt Nam.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm