Đi tìm nguyên nhân vô địch của HN.T&T: Triết lý Phan Thanh Hùng

28/08/2013 06:07 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Trước và sau khi cùng đội bóng Thủ đô đoạt 2 chức vô địch V-League (2010 và 2013), Phan Thanh Hùng cũng đã từng thất bại khi dẫn dắt ĐTQG ở AFF Cup 2012. Nhưng, ai đã nói, thất bại là mẹ thành công?!

Ngày vui qua mau và điều quan trọng với một HLV bóng đá, là rút ra được gì sau thất bại và càng không bao giờ được phép ngủ quá lâu trên chiến thắng.

Từ chuyên gia đào tạo trẻ, đến nhà vô địch V-League

Ngày còn thi đấu, người ta biết đến Phan Thanh Hùng như một trung phong kiểu mẫu, với kỹ năng bật nhảy, dừng trên không, làm tường hoặc lắc đầu thành bàn. Ít ai biết, Phan Thanh Hùng của Công nhân Quảng Nam Đà Nẵng (thời chưa tách tỉnh) từng xuất phát như một chuyên gia chạy cánh, thi thoảng bó vào giữa, trước khi được HLV Vũ Văn Tư, rồi đàn anh Trần Vũ khuyên nên chuyển vào đá trung phong cắm và thành danh ở vai trò này.

Trong sự nghiệp huấn luyện, dù được học hành bài bản, nhưng ông Hùng vẫn sớm xác định con đường cho mình là đào tạo trẻ, thay vì tìm đến bóng đá đỉnh cao như mọi danh thủ sau giải nghệ khác.

“Tôi yêu trẻ con và yêu thứ bóng đá mà tụi nhỏ chơi. Tôi muốn được uốn nắn những động tác đầu đời cho họ và may mắn, tối đã có những học trò tuyệt vời”, HLV Phan Thanh Hùng nhớ lại quãng thời gian làm trẻ Đà Nẵng cũng như nắm U17 Việt Nam (2007).

Nếu không có HLV Phan Thanh Hùng (phải) sẽ không có HN.T&T như hiện tại. Ảnh: V.V

Từ U17 QG, đến U21 (từng giúp U21 SHB.ĐN đoạt cú đúp vô địch VCK QG 2008 và 2009), U23 QG và cả Olympic Việt Nam (tạm quyền), Phan Thanh Hùng được xem như là một chuyên gia đào tạo trẻ mát tay, trước khi duyên số đưa ông đến với bóng đá đỉnh cao, với HN.T&T.

Dụng nhân như dụng mộc

Ngoài sự tích lũy về phương diện nghề nghiệp, cách HLV Phan Thanh Hùng ứng xử với học trò thực sự là một chi tiết quan trọng trên hành trình tái chiếm ngôi vương V-League 2013 của HN.T&T. Với ông Hùng, phần lớn các học trò của ông không chỉ biết đến một HLV Phan Thanh Hùng nho nhã, điềm đạm, mà còn mang trong đó hình ảnh một người cha. “Tôi chỉ nói với các học trò về những điều hay, lẽ phải, còn lựa chọn là của họ”, ông Hùng nói.

Triết lý huấn luyện của mỗi người có thể khác nhau và một HLV dù thành công ở đội này, trong giai đoạn nhất định, nhưng chưa chắc đã thành công ở một đội bóng khác, ở một thời điểm khác. Con người làm nên chiến thuật (bóng đá), chứ chiến thuật không được sinh ra để phục vụ bất cứ ai.

HLV Phan Thanh Hùng ưa thích lối chơi nhỏ, nhuyễn, đề cao kỹ năng kiểm soát bóng, kiểm soát trận đấu, nhưng đã có lúc ông phải điều chỉnh để hợp thời.

V-Legaue

Đó là khi HN.T&T đón Samson gia nhập đội hình. Bằng cách nào để phát huy tối đa tính hiệu quả của “mũi tên đen” Samson, một bản hợp đồng đắt giá, dựa trên nền tảng lối chơi của đội bóng là một bài toán khó. Dù tất cả đều đã cố gắng, nhưng cũng phải mất hơn một mùa giải để Samson bắt nhịp và hòa nhập, để rồi ngay lúc này, tiền đạo người Nigeria đang là chân sút số một V-Legaue 2013, giải đấu mà đội bóng của anh vừa vô địch sớm một vòng.

Samson, Gonzalo hay bất cứ cầu thủ nào của HN.T&T cũng thế thôi. Không có ngoại lệ đối xử, mà chỉ có lợi ích chung, với điều tốt đẹp ở phía trước. Việc quy tất cả về một mối, để cùng nhìn về một hướng, lại là một thành công khác của HLV Phan Thanh Hùng. Ai cũng nói được, nhưng làm mới khó.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm