Những tên khủng bố ở Mumbai: Không phải là người Pakistan?

05/12/2008 10:18 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Các nhà điều tra Ấn Độ đang hy vọng sẽ giải quyết toàn bộ các bí ẩn xung quanh vụ tấn công Mumbai qua việc khai thác Ajmal Amir Kasav, kẻ duy nhất còn sống sót duy nhất trong số 10 tay khủng bố. Nhưng trong khi phía Ấn Độ đưa ra các bằng chứng cho thấy Ajam là người Pakistan thì nước láng giềng lại phủ nhận toàn bộ các thông tin này, qua đó khiến quan hệ giữa hai nước đang trở nên căng thẳng.
 

Lý lẽ của Ấn Độ

Phát biểu trên tờ Times (Anh), các điều tra viên của cảnh sát Mumbai cho biết họ đã lấy được rất nhiều thông tin quan trọng từ Ajmal Amir Kasav. Tên này khai rằng y là một thanh niên 21 tuổi tới từ làng Faridkot ở miền nam tỉnh Punjab của Pakistan. “Chúng tôi đã xác thực và kiểm tra thông tin này" - Deven Bharti, Ủy viên phó cảnh sát Mumbai và là một điều tra viên nói - "Chúng tôi biết rằng cha Ajmal bán đồ ăn ở đó".
 
 Liệu có phải Ajmal tới từ Pakistan?
Ajmal còn khai hắn và 9 tay súng tham gia tấn công Mumbai được lựa ra từ một nhóm 24 chiến binh xuât sắc và nhóm này đã trải qua có 18 tháng huấn luyện quân sự căng thẳng, do các cựu quân nhân Pakistan giám sát. Nhóm này còn được xem những đoạn video bạo lực thu về từ Iraq, Afghanistan và Palestine.

Các bằng chứng liên quan tới Pakistan còn là những quả lựu đạn được tìm thấy trên người các tay súng với nguồn gốc xuất xứ từ nước này. Bên cạnh đó là bằng chứng về những cú điện thoại vệ tinh do các chiến binh thực hiện gọi về Pakistan.

Khi được phóng viên Times đề nghị có thêm bằng chứng nhóm khủng bố có liên quan đến Pakistan, Bharti đã nói: "Các anh còn cần thêm gì nữa. Hắn ta chính là bằng chứng sống rồi đó".

Pakistan phản bác

Tuy nhiên các quan chức Pakistan không đồng ý với phía Ấn Độ. Họ tuyên bố đã mở một cuộc điều tra riêng và không hề tìm thấy dấu vết của nhân vật nào có tên Ajmal Amir Kasav. Ngoài ra, có tới ba ngôi làng tên là Faridkot ở Punjab và họ không biết phía Ấn Độ muốn nói tới ngôi làng nào trong cáo buộc mới đưa ra.

Cả ba ngôi làng này hiện tràn ngập các nhân viên an ninh Pakistan cũng như cánh phóng viên, trước sự kinh ngạc của dân địa phương. "Chúng tôi chẳng biết ai mang cái tên đó (Ajmal Amir Kasav), nhưng họ liên tục tra hỏi chúng tôi" - Mohammed Bilal, một bác nông ở một trong ba ngôi làng mang tên Faridkot, cách thành phố Multan hơn 40km, nói với báo chí.

Phía Nam Punjab được xem là một trong những khu vực nghèo nhất Pakistan và là nơi các nhóm chiến binh Hồi giáo tìm tới tuyển mộ các tay súng. Nhưng người dân làng Faridkot nói trên khẳng định không có ai ở đây tham gia các nhóm chiến binh này. Một quan chức an ninh Pakistan cũng xác nhận không có dấu vết nào về việc Ajmal đã lớn lên từ đây.

Tương tự, tại một ngôi làng Faridkot khác, cho dù các nhóm chiến binh hoạt động mạnh ở đây nhưng không hề có dấu vết của Ajmal cũng như cha mẹ, anh chị em của cậu ta. “Chúng tôi đang rất lo lắng. Tất cả những chuyện này là thế nào?" - một người dân ngơ ngác hỏi phóng viên Times.

Nguy cơ căng thẳng leo thang

Mấy ngày qua, Mỹ đã tích cực đóng vai trò trung gian nhằm giải quyết căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan. Đích thân Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã tới gặp các lãnh đạo Ấn Độ ở Delhi và đề nghị họ thể hiện một thái độ mềm mỏng hơn với Pakistan trong khi điều tra về các cuộc tấn công. Đô đốc Mike Mullen, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng đã gặp gỡ các lãnh đạo Pakistan ở Islamabad để thúc ép họ hợp tác hơn với cơ quan điều tra Ấn Độ.

Tuy nhiên các nỗ lực này đã trở nên vô ích khi Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari tuyên bố sẽ không trao cho phía Ấn Độ 20 nghi phạm khủng bố mà nước này yêu cầu. Ông cũng bày tỏ nghi ngờ cáo buộc của Dehli rằng Ajmal tới từ Pakistan. “Chúng tôi không được cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy anh ta là người Pakistan. Tôi rất nghi ngờ chuyện này" - ông Zardari nói với hãng tin CNN.

Những lời nói của ông Zardari chắc chắn sẽ khiến các quan chức Ấn Độ tức giận. Phía Ấn Độ hiện đã khẳng định các vụ tấn công do nhóm Lashkar-e-Taiba có căn cứ ở Pakistan thực hiện. Sự phẫn nộ của công chúng cũng đã lên cao trong đêm 3/12, khi hàng trăm người dân Mumbai tiến hành biểu tình, yêu cầu Pakistan phải bị coi là một quốc gia khủng bố. Trong bối cảnh trên, bất cứ nỗ lực hạ nhiệt nào cũng sẽ cần sự hợp tác của cả đôi bên, điều cho tới thời điểm này vẫn chưa trở thành hiện thực.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm