Chuyện đời tên khủng bố duy nhất còn sống sót

04/12/2008 11:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Trong số 10 tên khủng bố khiến Mumbai phải kinh hoàng trong suốt 3 ngày (trong đó chúng bắn chết 172 người, bắn bị thương 239 người khác…), duy nhất chỉ có một tên không bị hạ sát: Đó là Ajmal Amir Kasav, một tên khủng bố có bộ mặt trẻ con. Sau khi bị bắt, tên này liên tục cung khai với nhà chức trách, trở thành đầu mối thông tin quan trọng giúp Ấn Độ lần theo dấu vết của nhóm khủng bố. Hôm qua 3/12, tờ Economic Times (Ấn Độ) lần đầu tiên hé lộ cuộc sống riêng của nhân vật "đặc biệt" này.
 

Đói nghèo, phạm tội, khủng bố

Ajmal Amir Kasav sinh tại Faridkot, một ngôi làng nhỏ với 3.000 dân ở tỉnh Punjab của Pakistan. Gia đình Ajmal rất nghèo. Cha y, ông Mohd Amir Iman, nuôi sống cả nhà nhờ có một cái xe đẩy đi khắp làng để bán món dahi-puri. Mẹ y, bà Noori Tai, ở nhà trông coi con cái và căn nhà tồi tàn của gia đình.
 
Tấm ảnh Ajmal "oai hùng" khi gây tội ác do phóng viên Ấn Độ  D'Sauza chụp.
Ajmal là một trong 5 đứa trẻ sinh ra tại ngôi nhà ấy. Anh cả Afzal, 25 tuổi, tới thủ phủ Lahore kiếm việc. Chị gái, Rukaiyya Husain, 22 tuổi, lấy chồng là một thanh niên sống trong làng. Ajmal là đứa con thứ 3. Sau y, em gái Suraiyya mới chỉ 14 tuổi và đứa em út Munir, mới 11 tuổi. Do gia đình quá nghèo nên cha của Ajmal không muốn con tiếp tục tới trường. Năm 2000, Ajmal, khi đó mới 13 tuổi và vừa tốt nghiệp lớp 4, đã buộc phải bỏ học. Y bị gửi tới sống cùng anh trai Afzal.

Người anh trai, khi đó mới 17 tuổi, cũng không kiếm đủ tiền để nuôi em. Cuộc sống của Ajmal là những tháng ngày qua lại giữa Lahore và làng Faridkot. Năm 2005, sau một mâu thuẫn, Ajmal xô xát với cha và bỏ nhà ra đi. Y thế sẽ không bao giờ trở lại gia đình. Vì sự cố này, anh trai Afzal cũng không chào đón y.

Không nơi nương tựa, Ajmal tìm tới thánh đường của một người Hồi giáo có tên Syed Ali Hajveri. Giống anh trai, Ajmal kiếm sống bằng cách lao động nặng nhọc. Cảm thấy việc kiếm tiền bằng cách này thật hèn hạ, Ajmal bắt đầu trộm cắp vặt. Cùng người bạn có tên Lal Khan, y quyết định sống đời trộm cướp. Ngày 21/12/2007, nhân lễ Bakr-Eid, cả hai tìm tới quận Rawalpindi để mua vũ khí. Chính tại nơi đây, cả hai đã gặp các thành viên Jamaat-ud-Dawa, cánh chính trị của tổ chức khủng bố Lashkar-e-Taiba. Khi đó thành viên Jamaat-ud-Dawa đang phát tờ rơi quảng bá cho tổ chức của chúng. Sau một cuộc trao đổi ngắn, cả Ajmal và người bạn quyết định sẽ gia lập LeT. Mục đích ban đầu của cả hai là "học hỏi kinh nghiệm" để phục vụ cho việc hành nghề cướp bóc sau này. Nhưng chúng không ngờ quyết định này đã đẩy bản thân đi theo con đường khủng bố.

"Tẩy não" và huấn luyện vũ trang

Cả hai được đưa tới trại huấn luyện Markaz Taiba của LeT. Theo Economic Times, tại đây, Ajmal bắt đầu chịu ảnh hưởng từ các bộ phim mô tả "hành độc diệt chủng" của Ấn Độ ở Kashmir và bởi những tư tưởng do các giáo sĩ Hồi giáo nhồi vào đầu y, bao gồm cả ảnh hưởng của lãnh đạo LeT Hafiz Mohammad Saeed.
 
Ajmal lúc bị bắt giữ 
Y bắt đầu tin tưởng rằng hy sinh cuộc sống vô giá trị của mình cho lý tưởng của đạo Hồi là một việc làm có ý nghĩa. Trại huấn luyện khiến Ajmal có cảm giác thân thuộc mà y chưa từng cảm nhận được từ gia đình mình. Trong thời gian ở trại, Ajmal có hai tháng được về nhà. Y ngạc nhiên khi nhận thấy mình được gia đình tôn trọng và đối xử khác. Đó thực ra là một đòn tâm lý có tính toán của LeT.

Sau kỳ nghỉ này, Ajmal được LeT chọn tham gia khóa huấn luyện chiến đấu cơ bản có tên Daura Aam. Ajmal nhanh chóng thể hiện bản thân là một chiến binh giỏi. Vì thế, y tiếp tục được lựa vào một nhóm 32 chiến binh tham gia huấn luyện nâng cao có tên Daura Khaas, ở một căn cứ của LeT gần Manshera. Ajmal tiếp tục chứng tỏ bản thân và một chiến binh xuất sắc. Y lại được lựa chọn tiếp vào một nhóm "đặc nhiệm" biển của LeT và được huấn luyện về dò đường. Tiếp đó y được đưa vào một nhóm 10 chiến binh thánh chiến tham gia tấn công Mumbai.

Không hề hối tiếc

4h15 sáng ngày 23/11, Ajmal cùng đơn vị của y xuất phát từ Karachi. Mỗi tên mang theo một khẩu tiểu liên AK-47, 200 viên đạn và rất nhiều lựu đạn. Trước khi cả nhóm rời bến, chỉ huy lực lượng vũ trang của LeT, Zaki-ur-Rahman Lakhvi đã hứa sẽ thưởng 1,5 triệu rupi cho gia đình y vì đã hy sinh cho đạo Hồi. Ajmal bước lên thuyền, trong lòng yên tâm gia đình đã được chăm sóc và sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng.

Có lẽ đó là lý do để khi bị bắt giữ, trước cơ quan điều tra Ấn Độ, y đã tuyên bố: "Tôi đã làm đúng, tôi không có gì hối tiếc". Thậm chí y đã từng từ chối hợp tác với nhà chức trách, tuyệt thực và nghĩ tới cái chết. Nhưng sau khi nhìn thấy thi thể đồng bọn bị bắn chết, Ajmal đã quyết định cung khai. Dù sao việc đó cũng không thể thay đổi số phận của Ajmal bởi theo luật pháp Ấn Độ, với những tội ác đã gây ra, y sẽ phải lãnh án tử hình.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm