Duyên nợ Blues (Bài 2)

17/05/2011 06:42 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Theo thời gian, nhạc Blues không phải là thứ âm nhạc của màu da mà là thứ âm nhạc của tâm hồn, những tâm hồn đa cảm. Blues đẹp như nỗi buồn và trong nỗi buồn ấy, ai cũng bắt gặp mình trong ấy.

Duyên nợ

Thời còn du học ở Mỹ, tôi đã có duyên làm quen và tiếp cận với nhạc Blues ngay tại quê hương của nó, thành phố New Orleans. Là một thành phố nổi tiếng về du lịch, New Orleans thu hút du khách khắp nơi bằng lễ hội hóa trang Mardi Gras cuồng nhiệt trên con phố khét tiếng về những điểm ăn chơi Bourbon Street giữa trung tâm thành phố. Lần đầu tiên dạo bước trên đường Bourbon, điều hấp dẫn tôi không phải là những quán bar kiêm câu lạc bộ thoát y vũ hay những cửa hiệu bán đồ lưu niệm với đủ các loại bùa chú mà là hình ảnh những nhạc công da đen khắc khổ với cây đàn guitar và chiếc kèn harmonica ngồi bên một góc đường nào đó mà cất lên giọng ca buồn đến não lòng, khác hẳn với giới trẻ da đen của thế hệ Hip Hop ồn ào. Vốn hâm mộ Eric Clapton, tôi biết rằng thể loại những người nhạc công đường phố kia chơi cũng là thể loại mà “Thượng đế guitar” dành trọn cuộc đời cho nó, nhạc Blues. Cảm giác được nghe nhạc Blues chơi ngay tại một trong cái nôi của nó thật khó tả. Và thế là như một thói quen, cứ mỗi lần có dịp đến với Bourbon Street, tôi lại tìm đến một góc đường vắng để nghe Blues, cảm Blues.

Có lẽ cách đây khoảng hơn một thế kỷ trước, con cháu của những người nô lệ da đen suốt ngày quần quật trên những cánh đồng bông nắng cháy chẳng bao giờ nghĩ rằng những câu hò điệu hát kể về những nỗi thống khổ do tổ tiên để lại lại có một ngày trở thành một thứ di sản văn hóa đặc trưng không chỉ của nước Mỹ mà còn là của thế giới. Nhạc Blues đã ra đời như vậy, từ những câu hò (holler) và đối đáp (call and response) của những công nhân đồn điền da đen để xua tan mệt nhọc khi làm việc. Blues đã từng bị khinh rẻ xem như là thể loại âm nhạc hạ đẳng, bị kỳ thị vì màu da thậm chí còn bị coi là thứ âm nhạc của quỷ dữ. Nhưng cũng chính nhạc Blues có thời đã được tôn sùng ở cả Anh lẫn Mỹ với những tên tuổi lẫy lừng như “Thượng đế” Eric Clapton hay “Chúa tể guitar” Jimmy Page. Và có thể nói, nếu không có Blues, chắc chắn sẽ không có Rock’n’Roll, thể loại âm nhạc tiêu biểu của thế kỷ 20.

Những nhạc công đang chơi Blues trên đường phố New Orleans

Chơi blues dễ hay khó?

Đối với một người được đào tạo về âm nhạc một cách bài bản, chính thống, nhạc Blues không phải là thứ nhạc bác học phức tạp đòi hỏi một trình độ cảm âm thiên phú hay kỹ thuật diễn tấu điêu luyện. Bởi một lẽ đơn giản, nhạc Blues không phải được những nhạc sĩ tầm cỡ như Mozart hay Bach sáng tác mà do những người có thân phận thấp kém nhất trong xã hội Mỹ thế kỷ 19 sáng tạo ra dựa vào vốn kiến thức âm nhạc ít ỏi của mình và những nhạc cụ đơn giản nhất. Một bài nhạc Blues tiêu biểu được chơi bằng nhịp 4/4 với tốc độ chậm vừa phải trên vòng lặp 12 khuôn nhạc của ba hợp âm I (chủ âm), IV (hạ át âm) và V (át âm).

Khác với âm nhạc phổ thông phương Tây với hệ thống 7 nốt nhạc, giai điệu của nhạc Blues được xây dựng trên thang âm ngũ cung (năm nốt nhạc) với các nốt 3 và 5 được chơi thấp hơn nửa cung với các nốt 7 và 9 được đưa vào để tăng hiệu ứng “sầu thảm”. Nhạc cụ chủ đạo để chơi Blues là những nhạc cụ rẻ tiền dễ kiếm nhất như guitar thùng và harmonica. Để tối giản hóa những thế bấm hợp âm phức tạp, những nhạc sĩ Blues đã nghĩ ra cách lên dây đàn theo các hợp âm mở (open tuning) với các hợp âm Mi trưởng, Sol trưởng, Rê trưởng hay La trưởng. Với cách lên dây này, chỉ với một ngón tay hoặc cán con dao nhíp, người chơi nhạc có thể dịch chuyển trên một số ngăn cố định trên cần đàn để chơi những hợp âm cần thiết.

Phần ca từ của một ca khúc Blues cũng được tối giản hết mức và được lặp đi lặp lại do sự hạn chế về mặt từ vựng và ngữ pháp của người da đen đối với tiếng Anh chuẩn. Những lỗi về mặt ngôn từ và cú pháp của mình như “gonna, Ain’t, wanna, whole lotta, she done me no good…” nhờ sự phổ thông của Blues lại trở thành một phần đặc trưng của tiếng Anh kiểu Mỹ. Mặc dù không phức tạp, nhạc Blues lại không phải là một thể loại nhạc dễ chơi ra chất. Vì để chơi được Blues, người chơi trước tiên phải cảm được nó, cảm được nỗi buồn, nỗi cơ cực của người sáng tác thì mới có thể thả cái hồn của mình hòa quyện vào từng nốt luyến (slide) hay nhíu dây (bend) đầy tâm trạng được.

B.B.King, một trong những ông vua nhạc Blues

Các thể loại chính

Thể loại Blues nguyên thủy được gọi là “Delta Blues” (nhạc Blues châu thổ) xuất phát từ Mississippi và Georgia với nghệ sĩ tiên phong Robert Johnson, người gắn liền với huyền thoại bán linh hồn cho quỷ dữ để đổi lấy tài đàn hát và là nghệ sĩ Blues được Eric Clapton hết mực tôn sùng. Đặc điểm của thể loại Blues này là kỹ thuật diễn tấu bằng ống slide (được cải tiến từ cổ chai rượu hay cán dao nhíp) trên cần đàn tạo nên những âm thanh đặc trưng. Khi di cư sang Memphis, cái nôi của nhạc Country, nhạc Blues lập tức kết nạp các nhạc cụ Country như violin hay mandolin để tạo ra Memphis Blues mang hơi hướng nhạc đồng quê. Những năm 50 của thế kỷ trước, nhạc Blues theo chân các chàng trai da đen lên những thành phố lớn như Chicago để đổi đời. Thế là thể loại Blues thành thị (Chicago Blues) cũng từ đó ra đời với tiếng harmonica mê hoặc. Với sự giúp đỡ của một người da trắng mang tên Leonard Chess, ông chủ của hãng đĩa Chess nổi tiếng, hàng loạt tài danh Chicago Blues đã được biết đến như Muddy Waters, Little Walter, Howlin’ Wolf và Etta James. Cũng từ thập niên 1950, nhạc Blues dần lan rộng ra miền Viễn Tây Hoa Kỳ, kết hợp với thể loại nhạc Country & Western ở các quán bar honky tonk để tạo thành thể loại Boogie Woogie với phần đệm piano rất sôi nổi.

Ở New Orleans, Blues kết hợp với nhạc kèn đồng của nhạc Jazz với tên gọi Big Band Blues nhưng cuộc se duyên này có vẻ không được mặn nồng lắm. Rời bỏ những nơi trần tục, Blues vào nhà thờ hóa thân vào những bài thánh ca được diễn xướng bằng dàn đồng ca nữ để tạo ra thể loại Gospel đầy cảm xúc. Khi cảm xúc dâng trào đến cực điểm khiến người hát không còn có thể đứng yên một chỗ nữa mà phải giật, lắc, gào thét hay khoa chân múa tay để âm nhạc phát tiết ra cùng với tâm hồn, nhạc Soul cũng từ đó mà hình thành với ông vua “Soul” James Brown.

Cũng trên đà phát triển của mình, nhạc Blues và Gospel được chơi với tiết tấu dồn dập của trống đã tạo ra thể loại R&B, tiền thân của Rock’n’Roll. Và khi âm nhạc được điện khí hóa bằng guitar điện và bass điện, Electric Blues ra đời với những đại diện nổi tiếng như B.B.King, Buddy Guy hay Johnny Lee Hooker. Và thật thiếu sót nếu kết thúc bài viết mà không kể đế thể loại Blues Rock đỉnh cao của thập niên 1960-1970 với tiếng đàn guitar bị bóp méo huyền ảo. Điều kỳ lạ là những người làm nên tên tuổi cho thể loại này lại là những nghệ sĩ Anh da trắng mắt xanh như Eric Clapton, Jimmy Page hay Jeff Beck. Điều này chứng tỏ nhạc Blues không phải là thứ âm nhạc của màu da mà là thứ âm nhạc của tâm hồn, những tâm hồn đa cảm.

Bài kết: Những ông thần Blues

Huỳnh Chí Viễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm