Những ông thần Blues (Bài kết)

18/05/2011 07:01 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Họ được phong thánh trong ngôi đền Blues, họ được các thế hệ tôn sùng như thủy tổ Blues, họ đặt những viên gạch xây nên ngôi đền của những vị thánh và đến giờ ánh sáng của ngôi đền đã tỏa đi khắp nơi.

Tiên phong

Nhắc đến Blues mà không nhắc đến Robert Johnson (1911-1938), người đặt nền móng cho dòng Delta Blues, chẳng khác nào bảo xe hơi chạy không cần bánh xe. Trong cuộc đời 27 năm ngắn ngủi của mình, Robert Johnson để lại rất ít những bản thu âm hoàn chỉnh, và hơn 20 năm sau khi ông mất, người nghe nhạc mới thực sự biết đến danh tiếng của ông. Cuộc đời của Robert Johnson cũng là một ẩn số vì thông tin ghi chép về ông không nhiều. Có lẽ huyền thoại nổi tiếng nhất về Robert Johnson là ông đã bán linh hồn cho quỷ Satan để đổi lấy tài năng đàn hát siêu việt và vì điều đó năm 27 tuổi, ông đã mất tích một cách bí ẩn. Về sau sự thật về cái chết của Robert đã được làm sáng tỏ. Robert Johnson sau một cuộc cãi vã nơi quán rượu đã bị kẻ thù hạ độc bằng cách bỏ hạt mã tiền vào chai whisky ông đang uống. Robert Johnson chết sau ba ngày vật vã hấp hối. Khi nói về Robert Johnson, những bậc thầy của dòng Blues Rock guitar sau này như Eric Clapton và Keith Richards đều không tiếc lời tán dương ông như một “nghệ sĩ Blues quan trọng nhất đã từng sống trên đời”.

Robert Johnson, một trong những nghệ sĩ Blues quan trọng nhất đã từng sống trên đời

Thời kỳ hoàng kim của nhạc Blues là giai đoạn từ cuối thập niên 40 đến đầu thập niên 60 của thế kỷ trước khi hai anh em nhà Chess là Leonard và Phil thành lập nên hãng đĩa Chess trứ danh và chiêu mộ các anh tài nhạc Blues về đây tụ hội. Đây là nơi những tên tuổi huyền thoại của dòng Chicago Blues và Electric Blues như Muddy Waters, Little Walter, Willie Dixon, Bo Diddley và Howlin’ Wolf đã được ghi danh bằng những đĩa nhạc bất hủ. Là người da trắng gốc Do Thái, Leonard Chess lại có một tình yêu mãnh liệt đối với nhạc Blues. Với sự thành lập của hãng đĩa Chess, Leonard đã biến những nghệ sĩ Blues vô danh trở thành những ngôi sao sáng giá với những hợp đồng thu âm và lưu diễn hấp dẫn. Và cũng nhờ hãng đĩa Chess mà người yêu nhạc ở Mỹ và trên thế giới mới có được những bộ sưu tập đĩa LP có giá trị của nhạc Blues. Nếu hãng đĩa Atlantic nổi danh với nhạc Rock, Motown đồng nghĩa với Soul. Sun là bệ phóng của các anh hùng Country Rock thì Chess xứng đáng được tôn vinh như cái nôi của dòng Electric Blues. Tiếc thay, đến cuối thập niên 1960, hãng đĩa Chess lâm vào tình trạng nợ nần khốn đốn dẫn đến phá sản. Leonard Chess chết do bệnh tim ở tuổi 52, vài tháng sau khi sang nhượng lại hãng đĩa của mình cho General Records năm 1969.

Nhắc đến Blues mà quên kể đến B.B.King thì có thể coi như chiếc xe ô tô không có vô-lăng. Chịu ảnh hưởng từ hai nghệ sĩ Jazz Blues huyền thoại là T-Bone Walker và Charlie Christian, B.B.King đã tạo được dấu ấn riêng của mình với tài chơi guitar đầy ngẫu hứng và chất giọng tenor tuyệt vời. Giờ đây, ở tuổi ngoài tám mươi, mặc dù phải ngồi xe lăn khi di chuyển, ông vua nhạc Blues vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong các buổi liên hoan nhạc Blues, nhất là trong Festival Blues thường niên Crossroad do Erip Clapton tổ chức.

Không như những thể loại nhạc khác, nhạc Blues có vẻ không phải là một sân chơi cho nữ giới. Hầu hết tất cả các huyền thoại Blues đều là giới mày râu. Tuy nhiên, người được trả cát-sê cao nhất trong giới nhạc Blues lại là một ca sĩ nữ. Trong sự nghiệp khá ngắn ngủi và đầy những thăng trầm của mình, Bessie Smith (1889-1937) đã từng được trả 50.000 USD cho một buổi diễn, một số tiền kỷ lục đối với một phụ nữ da đen thời kỳ đó. Được tôn vinh là “Nữ hoàng của dòng Big Band Blues”, Bessie Smith đã có ảnh hưởng rất lớn đến phong cách của rất nhiều nữ nghệ sĩ Blues, Gospel và Blues Rock sau này, trong đó có thể kể đến Etta James và Tina Turner.

Người kế nghiệp xuất sắc của Bessie Smith trong giới nhạc Blues nữ là Etta James. Ký hợp đồng với hãng Chess từ cuối thập niên 1950, Etta James dần trở thành một tên tuổi quan trọng và là đối thủ cạnh tranh với nữ hoàng nhạc Soul Aretha Franklin của hãng Atlantic trong suốt hai thập niên 60 và 70 thế kỷ trước. Cuộc đời của bà đã được nữ ca sĩ Beyonce Knowles thể hiện lại khá thành công trong bộ phim Cadillac Records nói về hãng đĩa Chess môt thời vang bóng.

Blues bên kia bờ Đại Tây Dương

Ở Anh, nhạc Blues đến với công chúng muộn hơn so với Mỹ nên ít chịu sự kỳ thị so với quê hương của nó. Những cái tên như Muddy Waters, Howlin’ Wolf hay Bo Diddley sau những chuyến lưu diễn ở Anh còn được tôn sùng hơn cả ở quê nhà. Tất cả đều nhờ công của hãng đĩa Chess. Dòng Chicago Blues của nước Mỹ khi sang đến Anh đã phát triển một cách nhanh chóng và sản sinh ra những huyền thoại guitar kiệt xuất như Eric Clapton (nhóm The Yardbirds, Cream), Jimmy Page (nhóm The Yardbirds, Led Zeppelin), Jeff Beck (nhóm The Yardbirds, Jeff Beck group) và Keith Richards (nhóm Rolling Stones).

Eric Clapton, Jimmy Page, Jeff Beck - 3 tay guitar rất được nể trọng của Blues

Đối với người Anh, nhạc Blues được chơi với tiết tấu nhanh mạnh, dồn dập và tiếng đàn guitar điện bị biến dạng gọi là R&B. Và dĩ nhiên nói đến Blues Anh quốc, không ai có thể quên được nhóm The Yardbirds với thành phần gồm ba tay guitar thuộc hàng siêu đẳng: Eric Clapton, Jeff Beck và Jimmy Page. Mặc dù The Yardbirds không tồn tại lâu, nhưng tên tuổi của ba tay guitar kia đã trở thành bất tử đối với người yêu âm nhạc bằng những sự nghiệp riêng quá ư lừng lẫy. Riêng với Eric Clapton, mặc dù sau này vẫn nổi tiếng với nhiều thể loại như Rock, Psychedelic, Soul, Pop… ông vẫn trung thành với nhạc Blues, thể loại nhạc đã mang đến cho ông danh xưng “Chúa trời”. Chính ông đã khiến giới hâm mộ của thế hệ 9X tìm về nguồn cội của nhạc Blues bằng việc giới thiệu những album thu chung với B.B.King và cả một album chơi lại những ca khúc của huyền thoại Robert Johnson. Và để tỏ lòng tri âm với nhạc Blues, từ năm 2007 đến nay, Eric Clapton đã tổ chức festival guitar nổi tiếng Crossroad, lấy tên dựa trên một ca khúc nổi tiếng của Robert Johnson, để tụ tập các tài danh từ B.B.King, Buddy Guy tới những nghệ sĩ của những thế hệ sau.

Ma mị và biến ảo là những gì có thể miêu tả về tiếng đàn của Jimmy Page, trụ cột của nhóm Rock huyền thoại Led Zeppelin. Từ khi còn chơi cho The Yardbirds, Jimmy Page đã mang đến cho nhạc Blues một âm hưởng siêu thực với kỹ thuật bowing (dùng vĩ kéo đàn violon để chơi trên guitar điện) hoặc dùng anten theremine để làm méo tiếng guitar. Trong thời gian tung hoành với Led Zeppelin, Jimmy Page đã cover lại bản Blues kinh điển của Muddy Waters và Willie Dixon bằng phong cách psychedelic huyền ảo độc đáo. Và khi Led Zeppelin tung ra ca khúc Since I’ve Been Loving You trong album Zoso thì hết thảy các anh tài guitar dòng Blues Rock đều ngả mũ bái phục trước tiếng đàn của Page.

Rất ít khi khoa trương về tài nghệ cũng như không thiên quá về kỹ thuật, tiếng đàn Blues của Keith Richards, một trong hai trụ cột chính của nhóm Rolling Stones, lại khiến những người hâm mộ hoài cổ xúc động vì vẻ đẹp tinh khiết của nó. Thần tượng Muddy Waters và Howlin’ Wolf, nhóm Stones thời kỳ đầu mới thành lập đã cover lại rất nhiều bản Blues kinh điển của Chess Record cho tới khi tìm được con đường riêng của mình. Mặc dù vậy, những sáng tác sau này của Keith Richard và Mick Jagger vẫn mang nặng dấu ấn của Chicago Blues với những câu riff guitar đơn giản nhưng hiệu quả và tiếng kèn harmonica ảo não.

Chí Viễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm