Khẩu chiến? Sir Alex không có đối thủ!

27/03/2012 12:57 GMT+7

(TT&VH)- Franz Beckenbauer từng giải thích về bí mật của bóng đá tổng lực. “Làm gì có thứ gì như thế”, chiến lược gia người Đức nói khi được hỏi về đội tuyển Hà Lan được xây dựng xung quanh Johan Cruyff, Johan Neeskens và Robbie Rensenbrink, những kình địch lớn nhất trong cuộc đời cầu thủ của Beckenbauer. “Đó chỉ là 11 cầu thủ giỏi mặc áo da cam và trong khi bạn còn đang thắc mắc họ chơi thứ bóng đá gì, thì họ đã ghi 2 bàn”.

Trò tâm lý chiến của HLV Alex Ferguson của M.U cũng gần giống như thế. Vào hôm thứ Bảy, khi HLV Roberto Mancini của Manchester City từ chối bắt tay với người đồng nghiệp đang dẫn dắt Stoke là Tony Pulis thì ở Old Trafford, hẳn Ferguson đang tủm tỉm cười thầm. Mancini tuyên bố rằng ông không hài lòng với thứ chiến thuật chém đinh chặt sắt mà Pulis sử dụng ở Stoke, nhưng dù cho lý do có là gì, chiến lược gia người Italia cũng cho thấy ông đang không chịu nổi áp lực, trước những trò tinh quái, lão luyện của Ferguson.

Những cuộc đấu khẩu luôn là điều quen thuộc ở giai đoạn này mỗi mùa giải Premier League và một gương mặt quen thuộc nhất, ưa thích nhất của báo chí Anh chính là Sir Alex. Những gì đang diễn ra giống một cách kỳ lạ với mùa 1995-1996 khi Kevin Keegan nổi giận trên đài truyền hình Sky hay 2008-2009 khi Rafael Benitez bất lực chứng kiến Liverpool của ông bị qua mặt dù đã dẫn đầu trong gần 2/3 mùa giải. Trong hai lần đó, M.U đều là đội đăng quang.



HLV Alex Ferguson- Ảnh Getty

Keegan là ví dụ thường hay được trích dẫn nhất. Cuộc tranh cãi giữa ông với Ferguson bắt đầu vào ngày 17/4/1996, sau một trận sân nhà nhọc nhằn của M.U với Leeds. Đội khách chơi với 10 người trong 74 phút, nhưng chỉ bị đánh bại bởi một bàn của Roy Keane vào lúc còn 18 phút nữa là hết giờ. Leeds khi đó chỉ xếp thứ 13 và trận đấu đã gây áp lực lớn lên Ferguson trong cuộc đua vô địch.

“Tôi không hiểu nổi các cầu thủ Leeds”, HLV người Scotland nói sau trận đấu. “Nếu họ chơi thế này cả mùa, họ đã ở tốp đầu. Họ chơi nỗ lực hơn khi gặp M.U. Điều đó thật không thỏa đáng. Chúng tôi chỉ có thể chấp nhận việc các đội đến đây đều chơi sinh tử, nếu như tuần nào họ cũng làm thế”. Một trong những trận đấu còn lại của Newcastle là làm khách ở Elland Road, sân nhà của Leeds.

Ferguson tiếp tục luận điệu đó trong vài ngày liền, tuyên bố là các đội khác chơi nỗ lực hơn khi gặp M.U so với Newcastle. Ông đặc biệt nêu đích danh Nottingham Forest, một đội ở giữa bảng khác vẫn chưa gặp Newcastle. Keegan nổi giận vì những nhận xét đó và đã bày tỏ trên truyền hình với việc nêu tên hai HLV của Leeds và Nottingham. Cơn giận công khai của Keegan, từ đó về sau, đánh dấu việc Ferguson trở thành nhà tâm lý số một của giải Ngoại hạng.

Thực lực vẫn quan trọng nhất

Nhưng tất nhiên, về cơ bản, chính thực lực đội bóng, chứ không phải những gì nói trên báo chí, mới là điều quyết định ai sẽ trở thành nhà vô địch. Thật vậy, chính trong mùa giải 1995-1996 đó, khi Ferguson lần đầu lên tiếng về thái độ các cầu thủ Leeds, M.U đã vươn lên ngôi đầu và dẫn trước Newcastle 3 điểm, sau khi từng kém đối thủ tới 12 điểm.

Từ 21/1 (Newcastle 54 điểm, M.U 42 điểm) tới 17/4/1996 (M.U 73 điểm, Newcastle 70 điểm), không phải những gì được nói ra, mà những gì thể hiện trên sân cỏ, đã quyết định cuộc đua. Đội bóng áo trắng-đen thua trận trước West Ham, Arsenal,  Liverpool, Blackburn và quan trọng nhất, 0-1 trong cuộc đối đầu trực tiếp với M.U, bởi một bàn của Eric Cantona.

Trước khi cuộc lời qua tiếng lại bắt đầu, M.U đã vượt mặt đối thủ. Mùa giải này, mọi chuyện đang diễn ra giống hệt. Ferguson giành được lợi thế trong cuộc tranh luận trên báo chí, khiến Mancini cảm thấy áp lực đang đè nặng lên ông và Man City, nhưng xét cho cùng, mọi thứ được quyết định trên sân cỏ.

Bị dẫn trước gần như trong cả mùa giải, trong bối cảnh Man xanh thể hiện lối chơi quyến rũ, với những chiến thắng áp đảo, bao gồm cả việc đè bẹp M.U 6-1 ngay ở Old Trafford, nhưng Ferguson và các cầu thủ của ông vẫn không hề nao núng. Lặng lẽ đến lầm lụi, nhưng chắc chắn và không chút sơ sẩy, M.U bám đuổi đối thủ một cách quyết liệt và rất hiếm khi để Man City lọt khỏi tầm mắt. Lối chơi trên sân đã có lúc khiến nhiều người thấy khoảng cách giữa hai đội là rất lớn, nhưng điều quan trọng nhất, điểm số, thì lại luôn ở trong tầm kiểm soát của Ferguson. Để rồi chính vào khúc cua quyết định, M.U đã tăng tốc bỏ lại đối thủ phía sau, kèm theo hồi còi qua mặt inh ỏi của chính HLV người Scotland.

Với khát khao chiến thắng đến khó tin, Ferguson không từ bỏ cơ hội nào để giành lấy lợi thế cho đội bóng của ông, dù là nhỏ nhất. Đó có thể là việc gây áp lực lên các trọng tài bằng những chỉ trích, mỉa mai đối thủ, khích tướng HLV đối phương hay tạo thêm động lực cho các đối thủ của đối thủ… Ferguson, nói một cách hình tượng, không từ bất kỳ chiêu bài nào và với chiêu bài nào, ông cũng đều làm đến nơi đến chốn.

Bằng thực lực, cộng thêm sức mạnh tinh thần và sự lỳ lợm đã trở thành kỳ quan của Premier League nơi ông thầy 71 tuổi, M.U đã xoay chuyển hoàn toàn tình thế ở mùa giải này. Man City lại đánh rơi thêm 2 điểm nữa, hay nói đúng hơn, giành lại được một điểm từ tay Stoke, vào tối thứ Bảy. Trận đấu khiến Mancini thất vọng và giận dữ đến mức ông từ chối tham dự họp báo và cử người trợ lý David Platt thay thế. Sẽ là quá lời nếu nói rằng HLV người Italia bị ám ảnh bởi Ferguson. Platt giải thích trong phòng họp báo rằng pha phạm lỗi không bị trừng phạt của Dean Whitehead với David Silva mới là điều làm Mancini bỏ về, vì ông lo sợ sẽ nói điều gì thất thố với trọng tài Howard Webb.

Tuy nhiên, nếu như lúc này khoảng cách đang là 5 điểm, như cách đây chưa lâu, hay nếu như Carlos Tevez, mục tiêu châm chích của Ferguson, giúp được Man City lội ngược dòng, thì có lẽ mọi chuyện đã không tệ đến thế. Tất cả những dấu hiệu đó chỉ ra rằng rất có thể mùa giải này, Premier League sẽ lại chứng kiến một cuộc đổi ngôi ngoạn mục nữa, bởi sự sắp đặt của cáo già Ferguson.

Trần Trọng


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm