Từ Trọng Hoàng, Văn Bình đến Hoàng Thịnh: Trái tim xứ Nghệ ở U23 VN

06/11/2011 10:53 GMT+7 | SEA Games 26

(TT&VH) - Đầu tiên là Hoàng Thịnh-Văn Bình lãnh ấn tiên phong và sau khi Bình rời sân, Trọng Hoàng được kéo lại khu giữa sân để chơi cạnh Hoàng Thịnh. Không khó để đọc ra ý đồ của HLV Goetz, nhưng sự đột biến vẫn là thứ xa xỉ.

Cho đến trước khi rời sân (phút thứ 60) để nhường chỗ cho Hoàng Thiên, Văn Bình thực sự đã ghi điểm trong mắt HLV Goetz ở lần đầu tiên xuất phát trong đội hình chính của U23 VN tại SEA Games 26. Phong thái đĩnh đạc, khoan thai, tiền vệ đeo áo số 22 của U23 VN chính là người giữ nhịp trận đấu, với tỷ lệ những đường ban ngắn vỉ vo, tỉa tót rất đều đặn cho tuyến đầu. Như đã đôi lần TT&VH từng đề cập, rằng xem Bình chơi bóng rất thích mắt. Ai bảo một cầu thủ không có lợi thế về hình thể sẽ thiếu sức chiến đấu, và ai nói đá thấp thì không thể làm bóng?!

Hoàng Thịnh (5) một trong ba cầu thủ Nghệ An đá chính trong đội hình U23 VN. Ảnh: Quốc Khánh

Phút 57, nếu thủ thành Myanmar không xuất sắc bay người đấm bóng khỏi xà ngang, Văn Bình đã có thể khai thông thế bế tắc với cú đá phạt hàng rào khá hiểm hóc. Cũng sau tình huống đó, Bình rời sân nhường chỗ cho Hoàng Thiên, để U23 VN tận dụng tối đa lợi thế hơn người trên hàng công, khi trụng vệ Moe Win của Myanmar vừa phải nhận thẻ đỏ. Trọng Hoàng cũng được hiệu lệnh kéo vào trong để tận dụng những cú sút xa đầy uy lực. Đấy là sự thay đổi mang tính chiến thuật. ĐT U23 VN chuyển qua chơi với sơ đồ 4-3-3.

Khác với phong cách chơi bóng của đàn anh, Hoàng Thịnh không chỉ là chuyên gia đánh chặn - thu hồi bóng, mà anh còn sở hữu những đường chuyển hướng bóng đến 50 - 60m cực kỳ chính xác nhờ cái cổ chân phải cực khỏe. Trong trận thắng Philippines, đếm nhanh cũng có đến nửa tá các đường chuyền của Thịnh để cặp tiền vệ cánh chỉ việc di chuyển và nhận bóng trong tư thế thuận lợi. Có thể do yêu cầu của HLV Goetz, đá ngắn và cố gắng kiểm soát bóng trong chân, nên trận đấu với U23 Myanmar, Hoàng Thịnh đã có những điều chỉnh.

Từ trận thắng Philippines, đến cuộc đối đầu bất phân thắng bại với Myanmar, 3 cầu thủ thay nhau chơi ở gần vòng tròn trung tâm đều là người Nghệ An. Cách vận hành không khác mấy so với SLNA vô địch V-League 2011, bởi đây đều là những người sinh ra để làm ông chủ khu giữa sân. Thế nên, có lẽ HLV Goetz cũng không phải điều chỉnh nhiều, với sự sắp xếp này. Người Nghệ An ở khu trung tâm của đội bóng, và cũng khá ngạc nhiên khi cánh chim đầu đàn Trọng Hoàng, lại là người gây thất vọng nhất trong số này.

Trước khi có sự hiệu chỉnh, Trọng Hoàng được đẩy ra bám biên, chơi như một chuyên gia chạy cánh. Nhưng, câu trả lời là không gì cả. Dứt điểm không và chuyền bóng ăn bàn cũng không nốt. Khi HLV Goetz kéo Hoàng lại khu trung tâm, đá tiền vệ tổ chức, Hoàng cũng không phát huy được khả năng làm bóng. Đẩy Hoàng lên cao một chút, khi U23 VN chỉ đá trên diện tích 1/3 sân phía đối phương, Trọng Hoàng chẳng lấy có cú sút xa uy lực nào. Sau trận đấu với Philippines (bị thay ra ở hiệp nhì), thêm một phen Hoàng không hài lòng với chính mình.

Đã mang tiếng là thi đấu ở vị trí trái tim của đội bóng, tức là phải chấp nhận làm tâm điểm của mọi sự chú ý. Xứ Nghệ đã và đang chiếm quân số trội hơn trong đội hình chính của U23 VN (so với phần còn lại), nhưng cho đến thời điểm này, họ vẫn phải loay hoay tìm bản ngã.

Tùy Phong



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm