Hai cây cầu

23/09/2011 10:54 GMT+7

(TT&VH) - 1. Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện người dân vượt sông trên dây cáp. Năm 2009, do ảnh hưởng của bão số 9, các cây cầu bắc qua sông Pô Kô đã bị nước lũ cuốn trôi. Vì thế, muốn qua sông, hơn 60 người dân (cả trẻ em) tại tiểu khu 154, thuộc xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum phải buộc mình trượt trên một sợi dây cáp bắc ngang sông Pô Kô.

Câu chuyện trên, còn không đau lòng bằng việc hàng chục học sinh ở bản Ông Tú xã miền núi Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) ngày mưa cũng như ngày nắng, mùa Hè cũng như mùa Đông, các em phải cởi quần áo ngoài cho vào túi nylon, bơi một tay, tay còn lại giơ cao cặp sách lên đầu cho khỏi ướt bơi qua dòng Khe Rào để tới trường học. Các em phải bơi như thế, hai lần mỗi ngày.

Gần một năm nay, học sinh bản Ông Tú và Ka Oóc xã Trọng Hóa
phải bơi qua sông học chữ. Nguồn: Vnexpress

Nhìn những sinh linh bé nhỏ ôm bọc quần áo nhấp nhổm trên dòng nước xiết, bất kể ai cũng cảm thấy rừng mình trước sự hiểm nguy mà các em phải chấp nhận.

Năm ngoái, chính cô giáo dạy các em đi đò qua con sông này để mang cái chữ đến cho các em đã bị lật đò, may mà không chết. Không ai có thể tin được ước mơ được học cái chữ, được dạy cái chữ ở địa phương này lại phải trải qua một chặng đường gian nguy đến như vậy.

Nhưng khác với các bạn cùng trang lứa ở tại tiểu khu 154, thuộc xã Đắk Ang đã được đầu tư 1,5 tỷ đồng bắc cầu treo để đi lại. Còn các em ở bản Ông Tú chưa biết đến bao giờ mới được đi trên “nhịp cầu nối những bờ vui”? Mặc dù giới chức huyện Minh Hóa cũng đã từng tiến hành khảo sát để xây dựng cầu cho người dân đi lại, nhưng kế hoạch phải tạm hoãn chỉ vì kinh phí quá lớn...

2. Cũng trong thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến ý tưởng của một nữ KTS về việc cải tạo cầu Long Biên thành Bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất thế giới với tổng kinh phí dự trù 4.800 tỷ đồng. Trong đó, có việc xây dựng cầu mới cho tàu hỏa đi qua còn cầu Long Biên cũ chỉ dành cho người đi bộ “mang tính biểu tượng” hết sức lãng mạn như một số cây cầu đi bộ ở các nước phương Tây.

Tôi cho rằng ý tưởng này (và nhiều ý tưởng, dự án với số tiền đầu tư nhiều tỷ đồng khác) rất hay, chí ít, hiểu theo nghĩa tích cực nhất là những người nghĩ ra ý tưởng này đã, đang vì tình yêu với Hà Nội, muốn tôn vinh những nét đẹp, những giá trị bất biến của lịch sử, văn hóa dân tộc.

Nhưng đầu tư một số tiền “khủng” như vậy có thật sự là cần thiết lúc này. Nếu như số tiền 4.800 tỷ đồng được phê duyệt hoặc huy động xã hội hóa thành công, thay vì đầu tư “cả gói” cho một ý tưởng ở nơi chưa cần thiết phải cải tạo, đem đầu tư xây cầu đi lại cho người dân ở vùng sâu, vùng xa với đơn giá bằng với giá xây cây cầu treo ở Đắk Ang là 1,5 tỷ đồng thì trên khắp đất nước này sẽ có thêm hàng nghìn cây cầu được xây mới cho người dân đi lại.

Không lẽ chỉ khi xảy ra những thảm họa sông nước như lật đò, gây ra cái chết của 18 học sinh ở bến Nông Sơn, xã Quế Trung, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) năm 2003, vụ chìm đò làm chết 5 học sinh THCS và vợ chủ đò ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) năm 2008 mới thực sự là tiếng kêu cứu thấu trời đáng để quan tâm?

Phạm Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm