21/09/2011 10:49 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Tại cuộc Hội thảo về dự án bảo tồn - cải tạo cầu Long Biên của KTS Nguyễn Nga (diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua, 20/9), nhiều ý kiến đã nhắc tới những khó khăn để đảm bảo tính khả thi của ý tưởng lãng mạn này, trong đó quan trọng nhất là câu hỏi về số vốn khổng lồ gần 5.000 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên dự án của KTS Việt kiều Nguyễn Nga được đem ra lấy ý kiến. Vào giữa tháng 7/2011, một cuộc tọa đàm tương tự cũng đã được tổ chức về dự án đầy lãng mạn này. Theo đó, với 4.860 tỷ đồng đầu tư cho hàng chục hạng mục tôn tạo và quy hoạch xây dựng, Long Biên sẽ trở thành cây cầu đi bộ mang dáng dấp một bảo tàng văn hóa - lịch sử giữa lòng thủ đô. Trong số đó, 3.900 tỷ đồng để biến cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử, 200 tỷ làm phố đi bộ tại khu vực phụ cận, 50 tỷ để cải tạo tháp nước Hàng Đậu, 260 tỷ để tôn tạo 131 vòm cầu dọc trục đường Phùng Hưng, 350 tỷ để cải tạo bãi giữa sông Hồng thành công viên sinh thái...
Bà Nguyễn Nga (ngoài cùng bên trái) đang trình bày ý tưởng
về “siêu dự án” gần 5.000 tỷ đồng
Với con số “gây sốc” như vậy, KTS Nguyễn Nga liên tục nhắc tới việc “dự án hoàn toàn không thực hiện bằng ngân sách Nhà nước” tại hội thảo. Theo bà, 1/3 số tiền tương đương 250 triệu USD này có thể được lấy từ 80 triệu euro mà chính phủ Pháp hứa sẽ tài trợ cho Việt Nam để tôn tạo cầu Long Biên. 2/3 còn lại cần được huy động từ các tổ chức trong và ngoài nước theo mô hình hợp tác công tư PPP. Cụ thể hơn, KTS Nga nhắc khá nhiều tới việc áp dụng mô hình hợp tác công ty PPP (Public Private Partnerships) đang từng bước xuất hiện tại Việt Nam. Theo mô hình hợp tác này, Chính phủ sẽ đứng ra bảo lãnh và tạo điều kiện cho các thành phần tư nhân tham gia dự án bằng một hệ thống tiêu chuẩn đặc biệt liên quan tới việc ưu đãi thuế, chính sách chuyển ngoại tệ, tỷ lệ quyền khai thác...
Có nghĩa, dù không trực tiếp xin tiền vốn, dự án trên vẫn cần được Chính phủ và lãnh đạo thành phố Hà Nội hỗ trợ - không chỉ với việc thuyết phục Chính phủ Pháp về tính hợp lý trong việc sử dụng khoản viện trợ 80 triệu euro mà còn nằm ở việc tạo điều kiện để tư nhân đầu tư vào dự án? Bởi, theo ý tưởng của bà Nga, hình thành cầu đi bộ Long Biên cũng đồng nghĩa với việc mở ra hàng trăm “gói dịch vụ” kinh doanh khác nhau từ du lịch, ẩm thực cho tới bán hàng lưu niệm...
Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi tại hội thảo, khá nhiều mỹ từ được sử dụng để nhắc tới dự án lãng mạn này. Một cách tổng quát, các ý kiến cho rằng ý tưởng của KTS Nga là hợp lý - khi nhiều cây cầu và một tuyến đường sắt mới bắc qua sông Hồng sắp được xây dựng, là hợp tình khi Hà Nội chưa có những cây cầu đi bộ mang tính biểu tượng như tại Budapest hay Saint Petersburg, và hợp cả với bề dày 1.000 năm văn hóa - lịch sử của thủ đô...
Chỉ có điều, như nhận xét của KTS Hoàng Đạo Kính, dự án trên còn phải đối mặt với dư luận về “tính lãng phí” trong việc sử dụng gần 5.000 tỷ đồng để biến một công trình giao thông thành một công trình văn hóa?
Chiêu Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất