4.860 tỉ đồng để biến cầu Long Biên thành... bảo tàng?

16/07/2011 10:48 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Một “siêu dự án” với kinh phí 4.860 tỉ đồng để cải tạo và quy hoạch khu vực xung quanh cầu Long Biên đã được bà Nguyễn Nga (Việt kiều Pháp) thuyết trình trong cuộc tọa đàm diễn ra sáng qua (15/7) tại Hà Nội. Nhiều chuyên gia lên tiếng ủng hộ dự án, song họ cũng băn khoăn về tính khả thi của “siêu dự án” này…


Bà Nguyễn Nga giới thiệu dự án

Như TT&VH đã đưa tin, sáng 15/7, tọa đàm về dự án Cải tạo cầu Long Biên và quy hoạch khu vực quanh cầu do bà Nguyễn Nga tổ chức đã diễn ra tại Ngôi nhà Nghệ thuật (31A Văn Miếu, HN).

Từng 40 năm sống ở Paris, ngay cạnh tháp Eiffel, sông Seine và rất yêu Hà Nội, bà Nguyễn Nga đi đi về về giữa Hà Nội và Paris suốt 20 năm qua. Tương lai của Hà Nội và đặc biệt là cầu Long Biên - một kỳ tích về kiến trúc và kỹ thuật từ đầu thế kỷ XX, nhưng đang già cỗi và đứng trước nguy cơ bị phá hủy - luôn ở trong suy nghĩ của bà. Dự án này ra đời từ đó.

Cầu Long Biên sẽ thành... bảo tàng lịch sử?

Trong dự án của mình, bà Nguyễn Nga đề ra rất nhiều quy hoạch táo bạo liên quan đến cải tạo cầu Long Biên. Trong đó, mục đích chính là biến cây cầu này thành một bảo tàng lịch sử cận đại. Cầu sẽ được nâng cao 3m cho tàu thuyền đi lại, được nới rộng với mục đích du lịch lịch sử. Đường ray giữa cầu sẽ thành nơi những chiếc đầu tàu hơi nước cổ chạy, trong đó là các quán cafe và nhà hàng... Những nhịp cầu sẽ được bao phủ bởi những tấm kính, trong đó sẽ là những phòng trưng bày, nhà hàng...

Ngoài ra, bà Nguyễn Nga cũng đề xuất các quy hoạch quanh cầu như: Phần giầm cầu gồm 131 vòm cầu dọc phố Gầm Cầu và Phùng Hưng sẽ được cải tạo thành những khu vườn treo, tạo ra những phòng triển lãm nghệ thuật truyền thống. Sẽ có một phố đi bộ mang tên Đại lộ Hòa bình dài 4km từ Nhà hát Lớn, đi qua vườn hoa Lý Thái Tổ, hồ Hoàn Kiếm, Hàng Ngang, Hàng Đào, qua những con đường của 36 phố phường xưa, rồi lên cầu Long Biên... Sẽ biến bãi giữa sông Hồng thành công viên nghệ thuật. Đây sẽ là lá phổi xanh của Thủ đô, nơi sẽ diễn ra những hoạt động thủ công, văn hóa, du lịch, nơi các cụ già ra đánh cờ tướng, nơi nuôi bướm, trồng hoa để giới trẻ vui chơi... Tháp nước Hàng Đậu sẽ được cải tạo thành một Bảo tàng Cổ vật, sẽ trưng bày các tác phẩm từ những bộ sưu tập cá nhân. Đặc biệt, phía đầu cầu bên Gia Lâm, sẽ có một Tháp sen (rộng 2,5ha), làm bằng kim loại và gỗ. Trong tháp sen này sẽ là một bảo tàng nghệ thuật đương đại, và một không gian dành cho du khách có thể ngắm toàn cảnh Hà Nội...

Báo TT&VH đã từng tổ chức cuộc thi viết về cầu Long Biên. Qua cuộc thi này có thể thấy người Hà Nội nói chung và người dân cả nước nói riêng vô cùng yêu quý cầu Long Biên - một biểu tượng hòa bình.

Bà Nguyễn Nga cho biết, tổng kinh phí để thực hiện dự án ước tính khoảng 4.860 tỉ đồng, thực hiện đến 2020. Trong đó 3.900 tỉ đồng là biến cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử, làm phố đi bộ khoảng 200 tỉ, sửa tháp nước 50 tỉ, làm 131 vòm cầu 260 tỉ, biến bãi giữa thành công viên 350 tỉ, và xây tháp sen 100 tỉ. Dự án này, theo bà Nguyễn Nga, hoàn toàn có thể nhận được tài trợ của Hiệp định hợp tác Pháp - Việt, đầu tư của các tập thể, cá nhân....

Khó khả thi

Có mặt tại tọa đàm, ông Phạm Hữu Sơn - Tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) khẳng định: Hiện nay, Thủ tướng đã chấp thuận phương án của Bộ GTVT là sẽ xây dựng một cầu Long Biên mới cách cầu Long Biên cũ 186m. Cầu mới sẽ đảm bảo công năng cho tuyến đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi và bao gồm cả đường sắt quốc gia. Tương lai đường sắt sẽ không đi vào cầu Long Biên cũ nữa.

Với tư cách người làm giao thông, ông Sơn cho rằng, dự án này rất tâm huyết. Nhưng phải có sự ủng hộ của chính quyền và rất nhiều người mới có thể thực hiện được. Đồng thời, các yếu tố cảnh quan cũng cần phải tính đến, nhất là việc giải phóng mặt bằng 2 bên đầu cầu. Phương án nâng cấp cải tạo cầu Long Biên cũng đã được Bộ GTVT đặt ra cho các phương tiện giao thông và người đi bộ. Tuy nhiên, theo ông Sơn, không thể làm một cây cầu mới vừa đẹp vừa hoành tráng, nếu giữ nguyên cảnh quan cũ. Do vậy giải pháp đưa toàn bộ cây cầu Long Biên cũ trưng bày ở bãi giữa sông Hồng cũng đã được đặt ra...

Tháp sen- dự định sẽ được đặt ở bên kia cầu Long Biên

Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Long, Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội cũng cho rằng, trước mắt, cần phải xin xếp hạng di tích cho cây cầu. Ban đầu nên xin xếp hạng di tích cách mạng, để cây cầu có một đơn vị quản lý cụ thể, rồi sau đó mới có thể làm tiếp được!

Còn theo GS Nguyễn Lân - Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam: “Cầu Long Biên có mục đích phục vụ giao thông đường sắt, trong tương lai, có cầu mới, đường sắt có thể bỏ. Việc biến cây cầu này thành một công trình văn hóa là một ý tưởng rất hay. Nhưng nên bảo tồn theo phướng án giữ nguyên trạng, nhằm giữ lại một phần ký ức lịch sử đã qua. Việc nâng các mố cầu cao 3m phải tính đến hiệu quả sử dụng có cần thiết. Hơn nữa, móng cầu cần phải giữ, vì đó là xương máu của biết bao người VN... Tất cả những can thiệp mới càng ít càng tốt”.

Bà Lã Thị Kim Ngân - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc và hầu hết những người có mặt tại buổi tọa đàm đều ủng hộ dự án, mặc dù có nhiều chỗ cần góp ý thêm. Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn về tính khả thi của dự án và mức kinh phí thực hiện là quá lớn!

Hoài Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm