Giải mã bản nhạc, minh oan cho Trịnh

17/04/2011 12:37 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Từ lúc xuất hiện bài viết trên một blog (10/4/2011) về trường hợp “nghi án đạo nhạc” đối với ca khúc Con mắt còn lại của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, suốt một tuần qua nhiều ý kiến phản đối về điều đặt ra trong bài viết này. Rất nhiều độc giả, nhạc sĩ, ca sĩ… đều thể hiện niềm tin tuyệt đối cũng như tình cảm tốt đẹp đối với người nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa trước “tai nạn” này đối với tên tuổi của ông.

Tuy nhiên hầu như tất cả cũng chỉ dừng lại ở khía cạnh “tình cảm”, chưa có một minh chứng “tâm phục khẩu phục” để kết luận rằng ý kiến từ bài viết trên blog là lệch lạc.

Trong những comment ở blog nói trên, chính blogger này thổ lộ rằng: “Tôi chờ mãi mà vẫn chưa thấy nhạc sĩ chuyên nghiệp lên tiếng”. Và vào ngày 15/4/2011, blogger này tiếp tục đưa ra một “scandal” mới với bài viết Mỹ và Pháp đạo nhạc Trịnh Công Sơn! Trong đó, blogger này cho rằng bản nhạc Domino “đạo” bài Rừng xưa đã khép, Harlem Nocturne đạo bài Hạ trắng...

Trong lúc Domino (của Louis Ferrari) được sáng tác năm 1950 (khi Trịnh Công Sơn mới 11 tuổi) và Harlem Nocturne (một bản nhạc jazz của Earle Hagen và Dick Rogers) được sáng tác vào năm mà Trịnh Công Sơn chào đời (1939). Thử hỏi ai đạo ai? Điều này giống như một sự “thách thức” công luận âm nhạc và giới nhạc sĩ trong việc giải quyết chuyện Đôi mắt còn lại xuất phát từ một blog.

Chúng tôi sẽ trở lại loạt ca khúc “đạo” vừa nêu trong một bài viết khác. Trong bài này xin tập trung giải quyết “vụ” Con mắt còn lại.

Khi đã nói là “đạo” hoặc “copy” tức phải có sự giống nhau về nốt nhạc hoặc tinh thần của bài nhạc. Chúng ta hãy thử xem:

Nốt nhạc có giống nhau?

Chúng tôi xin tạm làm một sự so sánh “thô thiển” 2 câu nhạc đầu tiên của bài Con mắt còn lại (Trịnh Công Sơn) và bài The Syncopated Clock (Leroy Anderson) được ký âm bằng nốt nhạc để xem chúng có gì giống nhau (xem Bảng ký âm giai điệu).

Dòng nhạc đánh số (1) là được ghi theo bản nhạc gốc Con mắt còn lại trong tập nhạc: Trịnh Công Sơn - Tuyển tập Những bài ca không năm tháng (NXB Âm nhạc 1998).

Dòng nhạc (2) là giai điệu bài Con mắt còn lại được dịch giọng qua “ton” Ré (để tiện đối chiếu với bản nhạc The Syncopated Clock ở “ton” Ré).

Dòng nhạc (3) là giai điệu bài The Syncopated Clock (chúng tôi ký âm từ bản phối được trình tấu bằng guitar của Gontiti).

Hãy làm một công việc “thô thiển” trong âm nhạc là nhìn bằng “mắt” thường và “đếm nốt”. Chúng chẳng có gì giống nhau ngoại trừ 4 nốt đầu tiên.



Bảng ký âm giai điệu

Thử nghe xem âm hưởng có giống nhau không?

Có khi giai điệu không giống nhau, nhưng có thể lúc nghe thì lại có âm hưởng rất giống nhau, hai bài nhạc như hai anh em sinh đôi. Bởi giai điệu âm nhạc của bản nhạc sáng tác sau chưa thể “phai mờ” cá tính âm nhạc trong giai điệu của bản nhạc sáng tác trước đó. Nguyên tắc “phai mờ” này là nguyên tắc quan trọng mà đa số các luật sư ở một số nước trên thế giới hiện nay áp dụng trong các vụ tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ, chứ không phải là việc giống nhau bao nhiêu %.

Chúng ta thử nghe đoạn đầu giai điệu của 2 bản nhạc trên. Chúng chẳng giống nhau chút nào cả (những đoạn nhạc kế tiếp chúng càng không giống nhau về giai điệu cũng như âm hưởng).

- Giai điệu bài Con mắt còn lại:


- Giai điệu bài The Syncopated (Giai điệu hai bài nhạc này được máy chơi tự động):


Sự khác biệt nhìn dưới góc độ bản chất sự cấu tạo của chủ đề

Thử phân tích dưới góc độ chuyên môn về sự cấu tạo và phát triển của motif chủ đề âm nhạc (xem Bảng ký âm giai điệu) của bản The Syncopated Clock và bản Đôi mắt còn lại chúng ta thấy như sau:

- The Syncopated Clock: motif chủ đề gồm 4 nốt nhạc, giống nhau về trường độ (nốt đen) tiến hành đi lên (chủ yếu là liền bậc) được mô phỏng nhiều lần để tạo nên câu nhạc và đoạn nhạc.

- Đôi mắt còn lại: motif chủ đề gồm 7 nốt nhạc với trường độ khác nhau, tiến hành theo hình sóng với những quãng nhảy theo dấu giọng của lời bài hát.

Bản chất cấu tạo âm nhạc của hai chủ đề này hoàn toàn khác nhau, dù chúng có 4 tên nốt (chứ không phải hình nốt) đầu tiên giống nhau. Sự giống nhau này là hết sức bình thường, có khi là sự ngẫu nhiên trong rất nhiều tác phẩm âm nhạc (kể cả những nhà soạn nhạc lừng danh trên thế giới) mà chúng tôi sẽ đề cập chi tiết trong một bài viết khác. Có khi tác giả cố ý lấy một chủ đề âm nhạc nào đó để xây dựng tác phẩm của mình. Vấn đề là việc tạo ra tác phẩm như thế nào từ chủ đề đó, tác phẩm có mang cá tính sáng tạo hay không?

Cảm thức âm nhạc từ chủ đề của bản The Syncopated Clock cho ta một cảm giác khắc khoải, ngập ngừng (điều này khá rõ khi nghe phiên bản do dàn dây trình tấu). Đây cũng là sự thành công của tác giả khi muốn diễn tả một chiếc đồng hồ “lệch nhịp” chạy không chính xác.

Còn cảm thức từ chủ đề của bản Đôi mắt còn lại chúng ta không thấy có điều đó, nghĩa là hai cảm xúc hoàn toàn khác nhau.

Không gian âm nhạc trong tất cả các bản phối của The Syncopated Clock (cho dàn nhạc giao hưởng, dàn dây hoặc cho cả guitar) đều có sự mô phỏng nhịp điệu “tick tock” của kim đồng hồ. Nó là âm hưởng chủ đạo trước khi giai điệu bản nhạc vang lên, không thể lẫn với không gian âm nhạc của Đôi mắt còn lại. Còn sự giống nhau về “beat” nhạc khi hai bản phối của hai bản nhạc dùng cùng một tiết tấu như swing, country... không phải là điều cơ bản để đi đến kết luận giống hoặc khác nhau.

Nghe 2 bản nhạc The Syncopated Clock (phiên bản do dàn dây trình tấu) và Con mắt còn lại (phiên bản do Đức Tuấn hát) chúng ta không còn thấy sự giống nhau nữa

- Con mắt còn lại do Đức Tuấn trình bày:


Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.


- The Syncopated Clock do dàn nhạc dây trình tấu


Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.


* * *

Với những phân tích như trên, chúng tôi nghĩ rằng Con mắt còn lại là của Trịnh Công Sơn, từ cảm xúc cho tới việc tổ chức âm nhạc của tác phẩm, không thể nói là “ảnh hưởng”, “copy” hoặc “đạo” từ The Syncopated Clock...

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm