Tìm Trịnh Công Sơn trong hội họa

16/04/2011 14:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Năm 1991, Trịnh Công Sơn đã viết: “Tôi đã đi tìm tôi trong âm nhạc, thi ca. Chưa thấy đủ khuôn mặt của mình. Và tôi đã cố gắng rẽ về phía hội họa, tiếp tục lên đường, để tìm lại tôi”.

20 năm sau, tôi lại đi tìm một “khoảng lặng” để hiểu hơn về ông. Xem hơn 40 tác phẩm của Trịnh Công Sơn trong triển lãm Nốt màu đang diễn ra luân phiên tại Sài Gòn - Huế - Hà Nội, có thể thấy một chân dung nghệ sĩ hoàn toàn khác biệt.

Khác biệt về triết lý

Đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu nhắc tới tính triết lý trong ca từ của Trịnh Công Sơn, xem như xương sống để làm nên sự khác biệt của nhạc sĩ này. Triết lý đó xuất phát từ hai điểm nhìn chính: trước 1975 là chủ nghĩa hiện sinh về xã hội đương thời; sau 1975, là tâm thức Phật giáo về lẽ vô thường, thịnh suy.

Trịnh Công Sơn tự họa

Thế nhưng, khi bước vào hội họa (khoảng 1985), Trịnh Công Sơn đã không muốn triết lý nữa. Ông chọn lối thể hiện hồn hậu, phần lớn vẽ chân dung gia đình, bạn bè và tĩnh vật. Ví dụ như đợt trưng bày Nốt màu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (kết thúc ngày 15/4/2011), với 43 tác phẩm, thì có 7 bức vẽ Trịnh Vĩnh Trinh, Bùi Giáng, Trịnh Cung, Nguyễn Tuân, Hoàng Đông Thùy (cháu gái)... mỗi người 2 bức. Phần còn lại vẽ Văn Cao, Nguyễn Văn Bổng, Bửu Chỉ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trung... và các em gái. Những năm cuối đời, ông có vẽ những chủ đề phổ quát hơn như “thi sĩ”, “rượu”, “đời”... nhưng cũng không (hoặc rất ít khi) đi vào ngõ triết lý. Trong khi đó, sau 1975, phần lớn các ca khúc và thơ của Trịnh Công Sơn vẫn giữ nguyên chất triết lý như trước đó. Giải thích sự khác biệt này, có thể quy vào nhiều lý do, nhưng có lẽ chính yếu nhất vẫn như lời tâm sự của Trịnh Công Sơn khi muốn “tìm tôi” ở một lối khác, dung dị và nhẹ nhàng hơn chăng?

Dung dị về bút pháp

Đương thời, Trịnh Công Sơn từng trả lời trên báo về hai thầy “dạy vẽ” của mình là Trịnh Cung và Đinh Cường, dù không phải học theo lối “cắp tập” đến lớp, mà học do ảnh hưởng từ bạn bè thiết thân.



Nhà văn Nguyễn Tuân qua nét vẽ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhận xét về cách vẽ chân dung của bạn mình, Đinh Cường viết: “Trịnh Công Sơn nắm bắt và lột tả khi vẽ chân dung rất tài, bởi vì Sơn thường vẽ những người thân, từ cô cháu bé, em gái và nhất là những người bạn gái của Sơn, mỗi chân dung là mỗi ghi dấu kỷ niệm. Rồi đến chân dung bạn bè, những người bạn Hà Nội vong niên như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Thái Bá Vân, Dương Tường... khi tất cả đã thấm rượu sau cuộc hàn huyên. Chỉ cần phác vài nét chính, giặm thêm màu đậm nhạt, hoen nhòa đã tỏ lộ ra được cái thần sắc của người đối diện mà đôi khi vẽ kỹ chưa chắc đã có hồn như vậy”.

Trịnh Công Sơn không chạy theo bút pháp, một phần do quan niệm của ông về nghệ thuật: “Nghệ thuật đích thực là một thứ thông điệp còn lại ở sau cùng, khi mọi hình thức tồn tại khác đã mất đi” (phát biểu tại triển lãm cuối cùng ở phòng tranh Tự Do, TP.HCM). Một phần, ông có vẻ như không thích hoặc không nắm rõ các thủ pháp thể hiện, nên người ta hay khen ca từ mà ít khen âm nhạc; khen tứ thơ mà không khen câu chữ; khen cái hồn trong tranh mà ít khen bảng màu, đường nét, bố cục...

“Không như trong âm nhạc của thời nào, nơi Trịnh Công Sơn đã từng lý giải tài tình những u uất của kiếp người, nỗi hoang vu và mộng ảo nhân sinh trước thực tại mênh mông, cùng lúc đặt con người đối đầu cả với vận mệnh lịch sử, anh cư ngụ trong cuộc đời không phải chỉ như một thi sĩ ca hát cái đẹp mà còn là một nhà hành giả sống cái ẩn dật bên trong. Với hội họa hiện nay, rất phong phú và tài hoa, hình như anh chỉ tiếp tục những ca khúc tình yêu thơ dại của mình”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy nhận xét.

Triển lãm Nốt màu diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 9/4 đến 15/4, tại khách sạn Saigon Morin, (30 Lê Lợi, Huế) từ ngày 22/4 đến 26/4 và tại phòng tranh 39 (39A Lý Quốc Sư, Hà Nội) từ ngày 5/5 đến 12/5/2011.


Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm