Tùng Dương: Kết hợp nhạc điện tử với giao hưởng

15/06/2010 14:40 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Được xem là ca sĩ trẻ hàng đầu trong làng nhạc nhẹ hiện nay, Tùng Dương với lối hát “nhập đồng”, đặc biệt là những bài hát có ngôn ngữ âm nhạc mới mẻ trong chương trình Bài hát Việt. Anh đã gây ấn tượng với công chúng và giới chuyên môn qua các bài hát như: Mưa bay tháp cổ (Trần Tiến), Sáng nay, Con cò (Lưu Hà An), Đồng hồ treo tường (Nguyễn Xinh Xô)... Đa số các bài hát này sẽ được Tùng Dương thể hiện trong dự án âm nhạc mới của mình - CD Li ti - cộng tác với ê-kíp nhạc sĩ người Đức và thu âm tại Đức.

 TT&VH có cuộc trò chuyện với Tùng Dương:


* Trước đây Tùng Dương đã thành công với CD Những ô màu khối lập phương (thể loại new age), tại sao không tiếp tục thể loại đó mà rẽ sang electronic (nhạc điện tử)?


- Có thể nói đây là sự trở lại của Tùng Dương từ sau CD Những ô màu khối lập phương, album này về thể loại khác với CD đã làm với Đỗ Bảo, nó nặng tính chất electronic. Tuy nhiên, không phải là một ngã rẽ khác mà là sự nối tiếp từ CD nói trên. Tôi rất cám ơn Đỗ Bảo đã giúp tôi nói được cái muốn nói trong âm nhạc và là nền tảng để tôi tiếp tục cho CD electronic này.


Album này có tên là Li ti gồm 8 bài hát, trong đó hơn 1/2 là các bài hát từ chương trình Bài hát Việt như: Li ti (Sa Huỳnh), Sáng nay (Lưu Hà An), Đồng hồ treo tường (Nguyễn Xinh Xô)...

* Tùng Dương có thể giới thiệu khái quát tinh thần của CD này?

- Đó là một CD với sự hòa quyện tinh tế giữa các âm thanh điện tử với các nhạc cụ giao hưởng và DJ lành nghề. Một không gian âm nhạc rất “ảo”, kích thích sự tưởng tượng của người nghe. Tính chất âm nhạc trong CD này sáng sủa hơn, ít có những “uẩn ức” như trong Những ô màu khối lập phương, nhưng vẫn rất “ảo”. Có thể nói đây là CD đầu tiên ở Việt Nam kết hợp electronic và các nhạc cụ giao hưởng.

* Lý do nào mà Tùng Dương lựa chọn sự kết hợp electronic với giao hưởng?

- Trước hết cần nói rõ là trong CD Li ti của Tùng Dương, có sự kết hợp giữa electronic và dàn nhạc gồm các nhạc cụ giao hưởng (khoảng 20 nhạc công), chứ không phải dàn nhạc giao hưởng đầy đủ. Các nhạc cụ giao hưởng ngày nay gần như có mặt ở tất cả các thể loại âm nhạc như rock, jazz... Sự kết hợp electronic và giao hưởng để tạo nên một không gian âm nhạc phù hợp với cảm xúc Tùng Dương khi thể hiện các bài hát, hơn nữa nó cũng sẽ tạo hiệu quả đặc biệt và thu hút người nghe hơn - như trên đã nói, sẽ là một không gian âm nhạc phong phú bởi nó tạo cho người nghe nhiều sự liên tưởng.

* Với những bài hát Việt Nam, nhưng hòa âm phối khí là các nhạc sĩ Đức, liệu nó có bảo đảm được cái “thần” của bài hát?

- Các nhạc sĩ người Đức cộng tác cùng Tùng Dương đã nghe rất kỹ từng bài hát để xem chúng có phù hợp với dự án hay không. Họ rất ngạc nhiên về các bài hát này vì nó hoàn toàn phù hợp với electronic nhưng vẫn mang chất liệu riêng của Việt Nam và đó cũng là điều làm cho họ thú vị. Mặc khác, đa số những người này cũng có thời gian sống tại Hà Nội, một phần nào họ cũng có những khái quát về con người, tâm hồn Việt Nam.

* Chọn electronic kết hợp với nhạc cụ giao hưởng, người nghe sẽ có những so sánh với các “sao” thế giới, đó có phải là một thách thức đối với Tùng Dương?

Sau những chuyến đi - về Việt Nam và Đức, đến nay nay Tùng Dương đã hoàn thành việc thu âm, dự định CD Li ti sẽ do Viết Tân phát hành vào tháng 8/2010.

- Tùng Dương đang thực hiện CD theo một thể loại âm nhạc của thế giới, chúng ta “bắt chước” họ, nhưng không phải vì thế mà giống họ. Electronic chỉ là phương tiện, cái quan trọng là qua phương tiện đó mình thể hiện được cái riêng của mình. Cũng như trước đây, CD Những ô màu khối lập phương theo thể loại new age, nhưng không gian âm nhạc new age đó là của Tùng Dương.


* Cảm ơn Tùng Dương!

Bình Minh (thực hiện)





Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm