Phim "Khát vọng Thăng Long" chưa ra mắt đã có thể bị kiện?

14/09/2010 07:07 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Khát vọng Thăng Long (KVTL), bộ phim truyện nhựa dự kiến hoàn thành trong tháng Chín để kịp ra mắt trong dịp đại lễ Ngàn năm Thăng Long lại có nguy cơ vướng vào vòng kiện tụng.

Lần này, phía liên quan không phải là đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nữa mà là nhà văn - nhà báo Phạm Tường Vân, người đã ký hợp đồng viết kịch bản KVTL với công ty Kỷ Nguyên Sáng, nhà đầu tư và nhà sản xuất bộ phim này.

* Với những gì nhà sản xuất công bố về tác giả kịch bản phim KVTL từ ban đầu với những cái tên như Lưu Trọng Ninh, Phan Đăng Di, và tới bây giờ là Charlie Nguyễn, không thấy tên chị - Phạm Tường Vân. Nhưng chị cho biết đã ký hợp đồng để viết kịch bản phim KVTL và không đứng tên?

- Tôi tiếp cận với dự án phim này từ tháng 9/2009. Trong cuộc họp với đạo diễn Lưu Trọng Ninh và ê-kíp làm phim KVTL, tôi đưa ra nhiều ý tưởng, trong đó có ý tưởng xây dựng một nhân vật nữ (hoàn toàn hư cấu) là hồng nhan tri kỷ của Lý Công Uẩn, một cô gái Đại La không chỉ có sắc đẹp mà có trí tuệ nổi bật để tôn những giá trị nhân văn và làm bộ phim thêm phần cuốn hút.

Cuối buổi họp, bà Lê Minh Tâm, đại diện phía nhà sản xuất có yêu cầu tôi ở lại để bàn bạc ký kết hợp đồng nhưng chưa thống nhất được. Sau đó tôi được biết họ chuyển công việc viết kịch bản sang nhà biên kịch Phan Đăng Di.

Hơn 4 tháng sau, ngày 1/2/2010, tôi lại nhận được lời mời trở lại với dự án dù lúc đó là giáp Tết Nguyên đán, sau khi họ đã có trong tay hai kịch bản của Lưu Trọng Ninh và Phan Đăng Di. Tôi đã đọc kỹ bản nhận xét hai kịch bản trước rồi quyết định đưa ra một cốt truyện hoàn toàn mới. Sau khi ý tưởng và cốt truyện của tôi được thông qua, hợp đồng được ký kết vào ngày 11/2/2010. Theo bản hợp đồng này, tôi phải sáng tác một kịch bản hoàn toàn mới, nhưng cam kết không đứng tên tác giả kịch bản mà chỉ đứng tên trong Hội đồng cố vấn. Kịch bản cần hoàn tất trong vòng 4 tuần để kịp bấm máy vào 26/3/2010 như dự kiến. Nhiệm vụ của tôi là bám sát yêu cầu của một “hội đồng cố vấn” mà bà Tâm làm đại diện.

Lúc đó trong tay họ chỉ có một đạo diễn mà họ cũng chưa “hài lòng” và còn đang đi tìm nhà sản xuất. Khi ấy họ cũng đang đi tìm thêm vài đạo diễn, nhưng hình như không phải ai cũng đồng ý làm “chiến sĩ vô danh” như tôi.

* Chị có biết tại sao phía nhà sản xuất lại yêu cầu chị không đứng tên kịch bản? Và tại sao chị lại chấp nhận điều đó?

- Về phía công ty Kỷ Nguyên Sáng, lý do có lẽ bởi họ muốn chủ động trong việc dán những “nhãn mác” có lợi hơn cho bộ phim. Điều này đã được chứng minh khi phim của Phan Đăng Di chuẩn bị đến Cannes, họ công bố ngay tên anh ấy trên báo chí, mặc dù trên thực tế lúc đó (tháng 2/2010) anh Di đã ngưng tham gia dự án từ trước và họ đang đặt hàng tôi viết một kịch bản hoàn toàn mới. Cuối tháng Hai, đầu tháng Ba, tôi lại thấy thông tin này lặp lại trên báo chí, tôi thắc mắc tại sao kịch bản tôi viết, ngoài Lưu Trọng Ninh lại có thêm tên Phan Đăng Di, thì họ giải thích là cần phải như thế. Tôi tin rằng cả Phan Đăng Di và Lưu Trọng Ninh đều không vui nếu biết sự thật này.

Còn về cá nhân tôi, ở thời điểm đó, tôi thấy đó là một dự án văn hóa tầm quốc gia, tôi chấp nhận vì đơn vị đầu tư sản xuất, đại diện là bà Tâm nói rằng muốn làm ra một sản phẩm văn hóa, có giá trị nhân văn cao. Lúc đó tôi nghĩ rằng họ rất can đảm khi dấn thân làm một việc gian nan như thế nên tôi sẵn lòng chia sẻ. Tôi tham gia với ý thức tự hào và tình yêu với Hà Nội, cũng mong muốn đóng góp công sức của mình vào sự kiện lịch sử này như một tri ân với tiền nhân.


Đoàn làm phim Khát vọng Thăng Long trong buổi họp báo giới thiệu
bộ phim tại TP.HCM ngày 29/8 vừa qua. Ảnh: Đỗ Tuấn

* Trong trao đổi với TT&VH Cuối tuần trước đây, bên Kỷ Nguyên Sáng nói rằng đã từng mời chị viết kịch bản nhưng họ không hài lòng về kết quả...

- Cho đến giờ này tôi vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào thông báo về sự “không hài lòng” này cả. Khái niệm “hài lòng” trong trường hợp này rất mơ hồ. Việc buôn bán các sản phẩm trí tuệ dễ đẩy cả kẻ mua lẫn người bán vào tình huống trớ trêu nếu cả hai bên không có đủ kiến thức trong giao dịch thương mại các sản phẩm trí tuệ.

Với KVTL, Kỷ Nguyên Sáng lần đầu bước chân vào lĩnh vực phim ảnh. Họ không biết chính xác họ muốn gì. Lúc đầu họ nói họ muốn một phim lịch sử hoành tráng, có giá trị nhân văn cao nhưng sau đó lại đổi ý. Tôi cũng có kinh nghiệm với vài khách hàng loại này nên làm việc qua e-mail và ghi lại các cuộc trao đổi bằng máy ghi âm. Hiện tôi còn giữ khoảng 80 e-mail trao đổi công việc với họ.

Lúc đầu họ còn yêu cầu tôi bám sát lịch sử, viết ít đại cảnh, tiết giảm đánh đấm để khỏi tốn kém, tôi còn phải viết sao cho họ có thể giảm bớt chi phí cho phần dựng bối cảnh, ví dụ như các cảnh đánh ban ngày được chuyển hết sang đêm chẳng hạn. Vai nữ chính được thông báo là giao cho diễn viên múa Linh Nga và tôi đã viết kịch bản trên nhân dạng và thế mạnh của cô ấy. Nhưng những điều này, chỉ ít lâu sau, họ lại thay đổi, thậm chí 180 độ.

* Vậy chị đã hoàn thành kịch bản KVTL và giao cho nhà sản xuất đúng theo hợp đồng?

- Tôi tuân thủ hợp đồng suốt quá trình làm việc. Kịch bản được triển khai theo định hướng một bộ phim lịch sử, nhân vật Lý Công Uẩn của tôi xây dựng theo kiểu mẫu người của “trí” và “nhân”. Có 3 tuyến truyện chạy song song, xung đột chính của phim là xung đột nội tâm giữa Lý Công Uẩn và các hệ giá trị, các tuyến phụ là một câu chuyện tình kỳ ảo, cùng chuỗi mưu mô của các thế lực trong triều theo dòng chính biến, để làm nổi bật tầm vóc của một nhân vật lịch sử, đặc biệt là giá trị nhân - địa - trí của Thăng Long - Hà Nội.

Đề cương chi tiết được hoàn thành đúng thời hạn (mùng Một Tết) và sau đó chính “hội đồng cố vấn” của Kỷ Nguyên Sáng đã gửi e-mail tỏ ý rất hài lòng, ngoại trừ vài chi tiết cần chỉnh sửa. Sau đó kịch bản được dịch sang tiếng Anh, tiếng Hàn để gửi đi Hàn Quốc, và tóm tắt bằng tiếng Việt để gửi ra Hà Nội. Hợp đồng tiếp tục được hai bên thực hiện (tôi đang hoàn thiện nốt phần thoại và sắp xếp lại cảnh phim) thì bỗng nhiên họ đột ngột thay đổi định hướng bộ phim theo hướng hành động giải trí với nhiều cảnh đánh đấm và tuyệt nhiên không phản hồi những e-mail trao đổi công việc của tôi nữa. Đồng thời cũng không nhắc gì đến việc giải quyết hợp đồng mà hai bên đã giao kết.

Bẵng đi một thời gian, 5 tháng sau khi hợp tác thực tế chấm dứt, đêm 6/8/2010, tôi hoàn toàn bất ngờ khi nhận được một cuộc điện thoại mang tính chất dọa nạt và một tin nhắn rất tục tĩu, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm của tôi từ phía Kỷ Nguyên Sáng. Đến lúc này tôi thấy mình không thể tiếp tục im lặng, nên quyết định ủy quyền cho luật sư thay mặt tôi để yêu cầu Kỷ Nguyên Sáng giải quyết những gì thuộc quyền lợi của tôi theo hợp đồng thuê viết kịch bản.

Vào ngày 17/8 vừa qua, Văn phòng luật sư Phạm & Liên Danh đã thay mặt tôi gửi bức thư đến Kỷ Nguyên Sáng yêu cầu giải quyết các quyền lợi của tôi để đi đến thanh lý hợp đồng. Nhưng cho đến nay, Kỷ Nguyên Sáng vẫn hoàn toàn im lặng.

* Trả lời phỏng vấn của TT&VH Cuối tuần, bà Lê Minh Tâm khẳng định rằng kịch bản KVTL đã sử dụng là của Charlie Nguyễn, không của bất kỳ ai khác dù đã thuê nhiều người khác viết kịch bản. Vậy chị sẽ chứng minh điều chị nói như thế nào trong khi thông thường, sự khác biệt giữa kịch bản trên giấy và bộ phim đã hoàn thành có thể lên đến 60%?

- Tôi không khẳng định kịch bản bộ phim KVTL sắp chiếu là do tôi viết và cũng không thấy vinh dự gì khi dính dáng đến một dự án chắp vá, nhiều khuất tất như vậy. Tuy nhiên, nếu họ có sử dụng kịch bản của tôi (cho dù chỉ một phần) thì vấn đề sẽ không đơn giản. Khả năng tệ nhất là khán giả phải thưởng thức một món lẩu nóng hổi, được cóp nhặt từ nhiều nguồn, chế biến vội vã với đặc sản là những lỗ hổng lịch sử - văn hóa. Dẫu sao, tôi vẫn hy vọng họ không mảy may đụng đến những gì tôi đã viết, để vụ việc không phải ra đến tòa án.

Dương Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm