13/10/2011 11:05 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Các nghệ sĩ khi nói về công việc sáng tạo của mình thường dùng chữ “chơi” - Lã Huy cũng thế - nhưng đến xem Miền xúc cảm của họa sĩ này (trưng bày tại phòng tranh Cactus, 3/13 Quốc Hương, Q.2, TP.HCM), khai mạc lúc 17h30 ngày 15/10, hình như anh “thiệt” chứ không “chơi”. Bởi cái cách mà anh dùng sáp để làm tác phẩm, trong một ý niệm nhất quán, đã cho thấy cái sự “thiệt” của Lã Huy quá công phu.
Còn nhớ tại triển lãm cá nhân Khi tiếng hát cất lên (tháng 12/2009), Lã Huy đã giới thiệu đến công chúng một kỹ thuật vật liệu khá đặc biệt - chất trắng dẻo. Lần này, Lã Huy lại trưng ra những tác phẩm với vật liệu là sáp trắng. Nếu trắng dẻo thiên về ngôn ngữ biểu hiện, thì sáp trắng lần này lại nặng tính biểu trưng, ẩn dụ.
Qua 20 tác phẩm, người xem có thể nhìn thấy một bát phở, một bà bầu, một cuốn sách, một tờ báo... được hóa sáp. Đó cũng có thể là những hình nhân được vẽ lên thân nến, với ám chỉ về ngọn lửa và sự hủy diệt. Đây quả là một ẩn dụ sinh động về sự mong manh của những giá trị được xem là bất biến, trường tồn như: sinh nở, sách vở, thức ăn... Nhưng vượt lên trên tất cả là những xúc cảm mà người họa sĩ đã bỏ vào trong từng tác phẩm, như muốn “hóa thạch - sáp” từng khoảnh khắc của cuộc sống, với ước muốn bảo vệ và bênh vực chúng.
Bát phở chữ bằng sáp
Lã Huy (sinh 1979) cho biết, anh luôn dành những xúc cảm đặc biệt với các vật liệu tạo ra được cảm hứng, nên khi nhìn thấy những thứ có thể đi vào tác phẩm thị giác, anh đều lưu ý. Anh kể, có lần đi ngoài đường, thấy một sản phẩm gốm Cây Mai vỡ vụn, tự nhiên anh muốn hàn gắn chúng lại để có cái nhìn trọn vẹn hơn. Và sáp là một cách giúp anh hàn gắn các giá trị như vậy.
Loay hoay với sáp trong 3-4 năm qua, đến nay có thể nói anh đã là một “chuyên gia” về vật liệu này, bởi các “công thức” mà anh tự mày mò để pha chế đã giúp sáp bền hơn trước các thử thách về nhiệt độ cao.
Tác phẩm của anh trong Khi tiếng hát cất lên trước đây, hay Miền xúc cảm lần này đều đậm chất thể nghiệm về kỹ thuật và khá riêng biệt về chủ đề; riêng ý niệm tác phẩm thì có tính chất bắt cầu giữa câu chuyện đương đại và các hình ảnh mang tính truyền thống, xưa cũ. Các thể nghiệm của Lã Huy cũng luôn có tính loại thải những thứ không đẹp hoặc vô giá trị, nhưng không làm cho người xem “sợ” hay né tránh, vì nó luôn cho cảm giác gần gũi, nhẹ nhàng.
Triển lãm Miền xúc cảm của Lã Huy tuy chưa có đủ độ bề thế, nhưng có thể nói là rất đáng xem, vì trong bối cảnh mà rất nhiều các họa sĩ trẻ đang vẽ “chiều mắt” để bán được tranh, một thể nghiệm về vật liệu như vậy cũng là dũng cảm.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất