Họa sĩ Lã Huy: “Cất lên” một chất liệu mới cho hội họa VN

10/12/2009 16:04 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Có người nói xem triển lãm Khi tiếng hát cất lên của Lã Huy khai mạc lúc 17h30 ngày 8/12 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, Q.3) thì nỗi đau dịu lại, vì nó góp phần trả lời những dằn vặt, ám ảnh về sự bơ vơ của phận người. Còn nếu nhìn ở góc độ chất liệu hội họa, đây là một triển lãm đáng chú ý vì sự tìm tòi, sáng tạo. Lã Huy đã đem đến cho người xem một hiệu ứng mới từ chất liệu mới, với tên gọi nôm na là trắng dẻo.

Trắng dẻo ở đâu ra?

Cùng với Lương Lưu Biên (cũng trong một triển lãm cá nhân khác đang diễn ra), hai họa sĩ này tỏ ra ưa chuộng một vật liệu mới là chất keo “trắng dẻo” - vốn được dùng trong ngành in và xây dựng (?), chưa có tên chính xác hay chuẩn khái niệm tại Việt Nam. Với ngôn ngữ biểu hiện, biểu tượng, Lã Huy đã khá công phu về việc tạo ra một bề mặt tranh kiểu mới bằng cán cọ, làm cho trắng dẻo tạo được nhiều hiệu ứng.

“Lúc tôi học năm thứ 3 ĐH Mỹ thuật TP.HCM (năm 2002), thấy một số họa sĩ sử dụng chất liệu này rất hiệu quả. Mãi đến năm 2004 tôi mới thể nghiệm với cách của mình, vì cũng chán chất liệu cũ, tìm cái mới cho vui. Lúc đầu tôi đổ trắng dẻo lên toan, dùng cán cọ ngoáy, để khoảng 8 tiếng thì khô (vì tôi vẽ dày nên lâu khô), sau đó nhuộm màu acrylic pha loãng, nhuộm nhiều lớp, khi khô màu đọng lại kẽ lõm của mặt tranh,  tạo hiệu quả rất bất ngờ. Chất liệu này sử dụng trong ngành in, một số thợ vẽ dùng để vẽ áo dài, vì nó có độ dính rất cao vào vải, khô nhanh, gặp nước không hư. Năm 2007 tôi cuộn 2 bức gởi đi triển lãm ở Melbourne, Australia, 2 năm sau nhận lại tác phẩm tôi rất bất ngờ vì màu sắc, bề mặt còn y nguyên” - Lã Huy kể.

Nhìn lại lịch sử chất liệu một chút, cách đây khoảng 10 năm, một số họa sĩ đã sử dụng qua chất liệu này: Nguyễn Thanh Sơn, Siêu Quý... vẽ về đề tài Tây Nguyên rất thành công; Mai Anh Dũng với kỹ thuật bán trừu tượng; Trần Kiến Quốc với “sự vận động của ngôn ngữ”; Lương Lưu Biên với mảng biểu hiện... Một số họa sĩ ở TP.HCM hiện nay dùng chất này để tạo bề mặt cho tranh, độ dày mỏng, tạo “matíer”, trộn với bột giấy đắp nổi vì nó có độ kết dính cao. Những ưu điểm dễ nhận thấy là khi khô, nó dai và cứng, “matíer” tạo ra lúc còn ướt đến khi khô vẫn giữ được độ cao thấp của bề mặt, vẽ xong có thể cuộn, tranh rất bền.


Khi tiếng hát cất lên, tổng hợp, 140x180cm, 2009

Trắng dẻo có thể coi là chất liệu mới hiện nay, vì tính năng của nó rất phong phú, mỗi một cách sử dụng khác nhau tạo ra hiệu quả khác nhau về bề mặt tranh và thị giác. “Độ dày mỏng tạo không gian, lồi lõm giống như phù điêu, người phương Tây chưa dùng chất dẻo để vẽ. Họ thường dùng gesso, chất liệu này khi khô sẽ không giữ được bề mặt mà xẹp xuống khá nhiều; không phù hợp với kỹ thuật vẽ của tôi” - Lã Huy nói thêm.

Khi tiếng hát cất lên

Triển lãm cá nhân lần 2 này bày ra những hình nhân cỡ lớn, giống như tượng thần cổ xưa bằng kỹ thuật phối kết giữa toan vẽ, pha chút phù điêu và hiệu ứng acrylic. Cách nhìn của Lã Huy có cái gì đó như mỉa mai, cười cợt, bóng gió, đôi khi tới mức khiêu khích, phản kháng về lòng tin, cách hành xử, thói ích kỷ của con người.



Đứa trẻ thân yêu, tổng hợp,
180x150cm, 2009

Lã Huy sinh năm 1979 tại Biên Hòa, Đồng Nai, hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM, đang hoạt động nghệ thuật tại TP.HCM. Với quan điểm nghệ thuật khá lạ: “Yếu tố mới lạ là quan trọng để gây sự chú ý. Tôi dùng cán cọ ngoáy, tạo ra sự khác lạ trên mặt toan, gây sự thú vị về thị giác. Hầu hết những nhân vật trong tranh không có khái niệm phục trang, thời gian, không gian. Đó là những quan hệ giữa con người, văn hóa, thiên nhiên... họ cố gắng hình thành lại những biểu tượng về tình yêu thương, giá trị của tri thức, vật chất”.


Không gian của tác phẩm diễn tả một xã hội chỉ gồm những phận người trơ trọi, dù đông đúc, chen lấn nhau nhưng họ luôn tỏ ra xa lạ, để bất chấp để đi về nơi vô định. Có những tác phẩm được đặt chồng lên khá cao, 2-3 mét, với thân hình leo kheo, vượt qua cả chuyện bố cục thường tình như nỗi cô quạnh tột cùng. Tác phẩm Khi tiếng hát cất lên và cũng là tinh thần chung của cả phòng tranh là sự thảng thốt, lo âu... trước những mối quan hệ bị rạn vỡ, những giá trị nhân bản bị suy vi.

Tự nhận xét về những tìm tòi của mình, Lã Huy cho rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu về những thể nghiệm kỹ thuật, quan niệm nghệ thuật, con đường còn ở phía trước.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm