Mang sắc màu Trường Sa về đất liền

23/09/2010 14:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Triển lãm ảnh Đến với Trường Sa vừa được khai mạc tại Nhà triển lãm Mỹ thuật (16 Ngô Quyền, HN). Đây là kết quả của chuyến đi 10 ngày (từ 31/5 đến 9/6/2010) đến các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây... của 5 họa sĩ, nhà điêu khắc hội viên Hội Mỹ thuật VN: Đào Châu Hải, Lý Trực Sơn, Trần Nguyên Hiếu (Hà Nội), Lê Văn Nhường (Huế) và Phan Oánh (TP.HCM).

Triển lãm gồm gần 60 tranh, ký họa, điêu khắc, một số ảnh chụp phong cảnh và đời sống sinh hoạt tại các đảo. Đặc biệt, triển lãm còn trưng bày 27 tranh của chiến sĩ, 52 tranh của các cháu thiếu nhi đang sinh sống và công tác tại Trường Sa.

Vẽ về Trường Sa tại Trường Sa!

Đây là lần đầu tiên, Hội Mỹ thuật VN cử họa sĩ đi thực tế tại quần đảo Trường Sa. Mặc dù chuyến đi rất ngắn, và để đến được với các đảo xa xôi, cách trở, nhưng các tác giả đã cho ra đời ngay lập tức những tác phẩm đạt chất lượng cao. Đặc biệt tác phẩm tranh sơn dầu Nắng gió Trường Sa của họa sĩ Lê Văn Nhường đã đạt giải cao nhất của Hội Mỹ thuật VN, với số phiếu tuyệt đối (14/14) của hội đồng nghệ thuật.


Tác phẩm Nắng gió Trường Sa của Lê Văn Nhường
Xung quanh tác phẩm này, khi trao giải, cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN cho biết: Biển đảo của chúng ta hiện nay, qua một số người vẽ phần lớn là đứng trong bờ nhìn ra... Ở tác phẩm này có cách nhìn mới, với những hình ảnh mới. Tác phẩm tuy đơn giản, nhưng nó đạt giải không phải vì đề tài, mà đạt những tiêu chí nghệ thuật.

Vẽ và dạy vẽ “siêu tốc”

Có thể nói, không chỉ tác phẩm của các nghệ sĩ, những tờ báo tường của các chiến sĩ Trường Sa, tranh vẽ của các chiến sĩ và tranh của các cháu thiếu nhi đang sinh sống tại Trường Sa với nhiều chủ đề khác nhau đã thu hút sự chú ý của người xem. Trong chuyến ra đảo vừa qua, các nghệ sĩ đã mang 7 thùng hàng (quà của Hội Mỹ thuật VN) gồm: màu vẽ, bút vẽ, giấy... các phương tiện để vẽ được một tác phẩm mỹ thuật, một bức tranh... để trao tặng các chiến sĩ và nhân dân Trường Sa.

Họa sĩ Lê Văn Nhường cho biết, mỗi đảo tàu chỉ cập bến khoảng 2-3 tiếng để tiếp nước. Trước khi cập vào một hòn đảo nào, các họa sĩ điện thoại trước để tập trung các chiến sĩ và trẻ em. Vào đến đảo, các họa sĩ chia ra làm 2 nhóm làm việc liền. Một nhóm hướng dẫn bộ đội vẽ, một nhóm hướng dẫn trẻ em vẽ. Hướng dẫn xong, nhóm thay nhau, người đi vẽ thực tế, người hướng dẫn tiếp. Cường độ làm việc rất cao. Các họa sĩ đã ký họa được rất nhiều chân dung chiến sĩ và hầu như tặng lại hết, chỉ giữ lại 1/3. Nhưng khi về Bộ Tư lệnh Hải quân (ở Quảng Nam), các họa sĩ đã phô tô và gửi ngay lại đảo những bức ký họa còn lại.


Tác phẩm của em Trần Phan Trọng Nghĩa, lớp mẫu giáo xã Sinh Tồn
Trong quá trình tiếp cận, sinh hoạt, hướng dẫn các em nhỏ và các chiến sĩ vẽ, suy nghĩ về vùng đất của mình, các họa sĩ đã nhìn và tìm lại được “chất’’ của mình. Họa sĩ Lý Trực Sơn tâm sự: Đám trẻ ở đây chỉ suốt ngày xem chim, thấy tàu và mây trời nước biển, chưa hề thấy bút sáp, màu vẽ... Ấy thế mà, chỉ hướng dẫn qua, nhiều cháu đã sử dụng màu thành thục, không kém thiếu nhi học vẽ lâu năm ở Hà Nội, và lập tức vẽ ra những điều chúng thích...

Đem đời sống mỹ thuật Trường Sa về với đất liền

Xem 27 tranh của các chiến sĩ và 52 tranh của các cháu thiếu nhi Trường Sa, có thể nhận thấy, đó chưa phải là tác phẩm xuất sắc về nghệ thuật và thẩm mỹ. Nhưng chỉ nhìn vào những bức tranh này, và thấy tên 1 con người gắn với 1 địa danh như đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn... không ít người đã rất ngạc nhiên và thấy giá trị rất lớn của những bức tranh này. Nhiều người không ngờ rằng, nơi tiền tiêu của Tổ quốc chỉ có nắng và gió, chỉ có chiến sĩ mới chịu đựng nổi, đã có rất nhiều trẻ con sinh ra và lớn lên ở đó...

Theo họa sĩ Lê Văn Nhường, triển lãm này rất thực. Cũng như trẻ em đang sống ở thành phố, trẻ em ở Trường Sa cũng vẫn khao khát được vẽ, mặc dù không có nhiều điều kiện... Có những trẻ mới 4 tuổi, chưa biết chữ, nhưng đã vẽ rất thực về vùng đất em đang sống. Màu được sử dụng nhiều nhất trên những bức tranh là màu nước biển và những bức tranh thường có mặt trời, cá, những con tàu. Sự quan sát của trẻ về những hòn đảo quê hương rất thơ mộng, thanh bình... Cái nhìn của các em về Trường Sa trong sáng, hồn nhiên như pha lê, làm cho các họa sĩ đã thành danh và người xem thấy rằng đó là cái còn thiếu trong đời sống mỹ thuật và con người chúng ta...

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm