Hội đồng hương Sông Lam

28/02/2011 20:09 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - Tôi có nhớ Sông Lam năm ngoái được phân tích là một đội bóng không có được sức bền thể lực nên khó chém đinh đều và không chặt sắt ngọt cho tận tới phút 90. Và tôi cũng chưa quên Sông Lam mùa trước bị nhận định là không có một lối chơi rõ ràng để dùng bài, chơi miếng với các đối thủ đẳng cấp.

Nhưng, tôi vẫn nghĩ, vấn đề của Sông Lam trải qua các mùa giải, qua các đời trưởng đoàn lẫn huấn luyện viên lại là chuyện đoàn kết: Đoàn kết giữa huấn luyện viên với cầu thủ, giữa các cầu thủ với nhau, và cả đội bóng với lực lượng cổ động viên hùng hậu.

Hình như chỉ ở bóng đá người Nghệ mới có chuyện về tính đoàn kết. Chứ ở các lĩnh vực khác, đây là một cộng đồng điển hình.

Từ thời nước Đức còn bị chia cắt bởi một bức tường Berlin cho tới hôm nay đã gọi là Cộng hòa Liên bang xa tít tắp tận châu Âu cũng có Hội đồng hương Nghệ An ở đó. Nghệ An - Hà Tĩnh là một trong những tiểu cộng đồng hiếm hoi của cộng đồng lớn Việt kiều có hẳn cho riêng mình một Hội đồng hương. Còn ở trong nước, Hội đồng hương của người Nghệ ở Hà Nội đếm không xuể: Ở các trường Đại học có; ở thương trường có hẳn Hội doanh nghiệp Nghệ An tại Thủ đô, ở các mạng xã hội thì Hội của người Nghệ đâu đâu cũng thấy, và dĩ nhiên là khi tất thảy đứng trong một Hội đồng hương Nghệ An thì nó trở thành một cộng đồng lớn nhất. Sự hoành tráng về quy mô, số lượng là một mặt, còn mặt kia là điển hình về các hoạt động mang tính tương hỗ. 

Ở đây, những giá trị tinh thần và cả lợi ích thiết thực đã vượt lên trên tính địa phương cục bộ - một yếu tố mà các cộng đồng khác (hoặc người bản địa) đôi khi vẫn lôi nó ra làm mục tiêu chỉ trích.

Chỉ các cổ động viên đoàn kết là chưa đủ để bóng đá Nghệ An ngóc đầu lên được

Cho tới hôm nay, Sông Lam là đội bóng vẫn còn duy trì được tính địa phương, màu cờ sắc áo đậm đà nhất ở V-League. Chỉ trừ các cầu thủ ngoại không phải là người dân “quê choa” thì tuyệt đại đa số ở đây đều là các cầu thủ xứ Nghệ chính hiệu.

Nhưng như đã nói ở trên thì vấn đề của Sông Lam mấy năm qua lại là câu chuyện của đoàn kết, và phải giải quyết được nó thì bóng đá nơi này mới lại có thể ngóc đầu lên được như hơn chục năm về trước họ đã vô địch liền 2 mùa.

Giải quyết một cái gì đó thường phải lần mò từ cội rễ của vấn đề để tìm hiểu vì sao. Có một thống kê không chính thức là trong các băng nhóm, hay cá nhân phạm tội ở Sài Gòn trong những năm qua nếu không phải là người địa phương thì đa phần là ở miền Bắc chứ rất ít người miền Trung và càng ít người Nghệ An. Tỷ lệ tệ nạn xã hội cũng thế. Người Nghệ An ở đâu cũng nhiều tấm gương điển hình trong học tập và lao động.

Tiếc là bóng đá lại không có truyền thống đó. Ở Vinh được nghe và được chứng kiến rất nhiều những câu chuyện và hình ảnh các thế hệ (cựu) cầu thủ sinh hoạt gần gũi với giới anh chị, rồi nhóm này chơi với băng này, nhóm kia lại theo băng kia. 

Hữu Thắng là người được kính nể ở phương diện quan hệ xã hội tại Nghệ An, nhưng khó lấy nó để xử lý các mối quan hệ trong đội bóng, quy tụ các cầu thủ từ các thành phần lại với nhau theo kiểu trật tự ở ngoài xã hội. Huỳnh Đức ở Đà Nẵng cũng là một “đại ca”, nhưng đã khôn ngoan hơn và tài năng hơn để quản trị đội bóng không dựa trên những nguyên tắc “xã hội anh chị”. 

Khi nào Sông Lam thật trong, thay đổi được hình ảnh gần gụi với xã hội này kia thì đó là lúc đội bóng này sẽ đoàn kết thực sự, và chơi bóng vì một cộng đồng người Nghệ An có mấy triệu người sống ở quê và cả triệu người khác đang sống khắp trong và ngoài nước vẫn muốn coi bóng đá là niềm tự hào. 

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm