Truyền kỳ Sông Lam

27/02/2011 19:15 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - Dòng sông Lam nổi tiếng và tầm ảnh hưởng của của nó trong dòng chảy văn hóa Việt thế nào ai cũng biết. Điều đó tựa như, lò đào tạo bóng đá xứ Nghệ vậy. Đến nay, cầu thủ từng xuất thân từ Sông Lam, vẫn có vị thế và ảnh hưởng sâu sắc đến bức tranh toàn cảnh của BĐVN.

Tiên phong trên sàn chuyển nhượng

Đầu mùa giải 2004, người ta chứng kiến cảnh các ông bầu, lãnh đạo nhiều đội bóng cắp cặp kéo nhau ra Vinh để mua quân SLNA. Ông Nguyễn Hồng Thanh lúc đó là Giám đốc điều hành SLNA, cứ gọi là tiếp khách mệt nghỉ. Kết quả sau đợt đó, có đến 15 cầu thủ SLNA được chuyển nhượng. Có điều, tổng giá trị của 15 bản hợp đồng đó chỉ là 1,2 tỷ đồng, quá bèo bọt. Trong đó, thủ môn Thế Anh vào Ngân hàng Đông Á được nhận 200 triệu chuyển nhượng.

Đấy là lần lãnh đạo SLNA thực hiện chuyển nhượng cầu thủ của mình một cách nghiêm túc nhất. Còn trước đó, họ đã cho mượn quân khắp cả nước, tiền thu về cho CLB rất ít. Đấy cũng là phương thức để SLNA tạo điều kiện cho cầu thủ cải thiện thu nhập, nhất là những gương mặt đã có tuổi. Có thể khẳng định, SLNA là đội đi tiên phong trong việc chuyển nhượng cầu thủ, trong bóng đá chuyên nghiệp ta. Điều đặc biệt, dù thời điểm đó họ chuyển nhượng đến 15 cầu thủ, nhưng SLNA vẫn thoải mái lực lượng đá đội 1. Bầu Kiên (HN.ACB) và bầu Tuấn (HP.HN) là hai người sử dụng nguồn Sông Lam ác chiến nhất, kể cả đến thời điểm hiện tại. Thế nên, hai đội bóng Thủ đô được ví như “sân sau” của SLNA. Quân Sông Lam có mặt hầu hết các CLB hạng Nhất và chuyên nghiệp cả nước. Còn ở các giải trẻ, cứ đến mùa đá U21, U19, 17, Sông Lam vẫn là địa chỉ tin cậy để các đội mượn quân, hòng lấy thành tích báo cáo thi đua cuối năm.

Sông Lam Nghệ An là đội bóng đầu tiên giành chức vô địch V-League vào năm 2001

Ngược dòng V-League buổi ban sơ, không ai khác, chính SLNA là đội có cặp mắt tinh đời trong việc sử dụng ngoại binh, hay cầu thủ nơi khác. Họ chỉ lấy về duy nhất một gương mặt ngoài Nghệ Tĩnh - đấy là thủ môn Văn Hạnh từ năm 2008.  Đây là thần tài của khi góp công lớn giúp SLNA 2 năm liên tiếp lên ngôi vua giải VĐQG, 2 lần đoạt siêu cúp, 1 chiếc Cúp QG. Hạnh lên Pleiku từ mùa bóng 2003, cũng góp phần mang đến 2 ngôi quán quân V-League và 2 Siêu Cúp. Mùa giải 2005 về Đà Nẵng, đội bóng nổi tiếng rối ren, lập tức đoàn quân sông Hàn có được chức á quân, thành tích tốt nhất sau 13 năm lết bết. Đến năm 2009, đường đến ngôi vua của SHB.ĐN có dấu ấn đôi tay của “cậu Hạnh”.

Lulenti, Iddi  Batambuze Inock Kyembe chính là 3 ngoại binh xuất sắc nhất V-League đầu tiên (2000-2001). Sau mùa đó, ĐKVĐ SLNA đã “bán” cho Đà Nẵng Lulenti, Iddi. Kết quả, đội bóng sông Hàn đã “lĩnh đủ” khi hai anh này trở chứng.

Cần đánh bóng lại thương hiệu

Sông Lam được nhắc đến là “cái vựa” trù phú cung cấp cầu thủ cho nhiều CLB trong cả nước. Thế nhưng, khi thời điểm Trường Giang đầu quân cho B.Bình Dương giá 1 tỷ (năm 2003), thì thủ môn Thế Anh cùng 14 đồng hương khác giá chỉ 1,2 tỷ đồng, rõ ràng là quá rẻ.

Đến thời điểm hiện tại, cầu thủ gốc SLNA vẫn chỉ có 4 bản hợp đồng được coi có giá trị: Dương Hồng Sơn, Công Vinh, Minh Đức, Cao Xuân Thắng. Trường hợp Quốc Vượng không tính đến. Còn lại, vẫn chưa đủ làm rúng động thị trường chuyển nhượng.

Rõ ràng, nếu biết cách làm mới mình theo hướng tích cực, Sông Lam vẫn có thể kiếm được không ít tiền từ việc chuyển nhượng cầu thủ. Giời đây, nội tình đã ổn. Đã đến lúc, lãnh đạo lẫn cầu thủ xứ Nghệ cần thực hiện công cuộc đánh bóng thương hiệu của mình. Cầu thủ Sông Lam đá bóng giỏi, điều đó cả nước đều biết. Nhưng bên cạnh mặt tích cực đó, những định kiến không tốt về cầu thủ “dân choa” vẫn còn sâu sắc. Ngay cả ở Sông Lam, họ cũng nhiều lần làm loạn. Nhớ năm 2009, HLV Nguyễn Văn Thịnh bảo rằng ông gặp may vì năm đó cầu thủ chịu đá để có thương hiệu đặng có giá trên thị trường chuyển nhượng  nếu như bóng đá xứ Nghệ không “châu về hợp phố”. Họ đá nhiệt tâm để tự cứu mình là chính.

Hình như, lối chơi quá rắn cũng đang làm mờ thương hiệu một số ngôi sao trẻ của xứ Nghệ rồi đấy.

Ngọc Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm