Sự cố “ngón tay thối” trên sân Thiên Trường: Không thể bình thường hóa

19/03/2009 08:49 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Bóng đá luôn đối diện với những hành vi phi văn hóa và cả phân biệt chủng tộc, trên sân cỏ và trên các khán đài. Người ta luôn nhìn nhận và xử lý nó một cách nghiêm túc và nghiêm khắc.
 

Một chuyện không hiếm

Ngay một HLV đáng kính như Fabio Capello cũng từng chĩa “ngón tay xấu xa” khi ông còn là HLV của Real Madrid về phía các CĐV của Real. Còn trong giới cầu thủ, Drogba trong màu áo Chelsea hướng về các CĐV Burnley và ném trả đồng xu, hay của cựu danh thủ Effenberg đã có hành vi không đẹp mắt trong lần khoác áo ĐTQG Đức dưới thời Berti Vogts. Những hành vi phi văn hoá như vậy thì nhiều vô kể.

Nhưng chuyện không hiếm không có nghĩa là nó được nhìn nhận như một sự việc bình thường. Capello bị chính CLB của ông phạt tiền. Capello cũng phải đăng đàn để xin lỗi các CĐV vì hành vi đó. Drogba bị treo giò 3 trận. Effenberg bị trục xuất khỏi đội tuyển Đức. Và Van Bommel (Bayern Munich) cũng bị UEFA phạt vì đã “nói” với các CĐV của Real Madrid bằng ngón tay giữa giơ lên cao trong một trận ở Champions League.
 
Capello cũng từng chĩa “ngón tay xấu xa” khi ông còn là HLV của Real Madrid về phía các CĐV Real
 
Bóng đá là văn hóa, xét ở góc độ nào đó là như thế. Khi các CĐV đến sân, trong đó có cả những đứa trẻ, không nên được chứng kiến những hành vi mà ngay cả người trưởng thành cũng không thể chấp nhận. Một hành vi đi ngược lại với những quy chuẩn trong ứng xử cần phải được trừng phạt. Đó là còn chưa nhắc tới một thực tế, sự khiếm nhã còn châm ngòi cho bạo lực, khơi lên những xung đột giữa CĐV với cầu thủ, CĐV với CĐV.

Với Việt Nam thì sao?

Khá may mắn, với BĐVN, những hành vi khiếm nhã như thế là khá hiếm. Một người nóng nảy cỡ HLV Lê Thụy Hải cũng chỉ tới mức quay lên khán đài để bốp chát với các CĐV nhà khi ông dẫn dắt Bình Dương. Còn sự việc nghiêm trọng nhất và có lẽ là gần nhất trước khi xảy ra sự cố ngón tay thối của Danh Ngọc trên sân Thiên Trường ở vòng 5 đang trở thành vấn đề thời sự của BĐVN, là vụ tiền đạo người Nigeria, Achilefu khi khoác áo LG.HN.ACB (nay là HNACB) đã ăn mừng bàn thắng bằng cách tụt quần và ngoáy mông ngay trước mặt BHL và cầu thủ dự bị của đội bóng Nam Định.
 
Achilefu đã từng cư xử như này với đội bóng thành Nam khiến tất cả sôi máu - Ảnh: Quang Minh
 
Và càng hiếm thì càng phải ngăn chặn. Nhất là với một cầu thủ trẻ, vừa mới bước sang tuổi 19 như Danh Ngọc, cần có một sự nhìn nhận nghiêm túc, nếu như sự việc được xác nhận đúng như thế. Không thể lý giải nó là sự bồng bột của tuổi trẻ và cũng đừng cho rằng vì giới cầu thủ học vấn thường không cao. Học vấn không đồng nghĩa với văn hóa. Một người học vấn thấp vẫn có thể ứng xử đầy tính văn hóa.
 
Đây là hình ảnh ghi lại ở Thiên Trường ngày 15-3 của Danh Ngọc - Ảnh: Sao Bắc Đẩu
 
Có một thực tế khác, các cầu thủ thường xuyên phải hứng chịu sự công kích từ các khán đài, không chỉ từ những CĐV thù địch. Nhưng họ phải học và biết cách kiềm chế. Không có cuốn sách nào quy định điều đó, nhưng đó là một sự bắt buộc, để trở thành một cầu thủ lớn hoặc chí ít cũng được thừa nhận là một cầu thủ có tư cách.
 

Các CĐV nói chung trong nhiều trường hợp cũng không vô can. Có một thực tế là có khá nhiều người đến sân chỉ để chửi, từ chửi trọng tài, HLV, cầu thủ đến cả chửi đời. Chửi rất cay nghiệt, lôi cả gia đình của đối tượng ra để chửi. Với các cầu thủ ngoại cũng thế, nhiều CĐV quen miệng gọi họ là những “thằng đen”-một biểu hiện của sự phân biệt chủng tộc.

Trần Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm