Chỉ tâm thôi, có đủ?

24/05/2010 06:50 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Trong khi Để Mai tính vẫn tiếp tục trụ rạp thì bộ phim công chiếu cùng ngày (dịp lễ 30/4) với khoản đầu tư hoành tráng, mang theo tâm huyết lớn của những người làm phim hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Tây Sơn hào kiệt lại ngậm ngùi ra khỏi tất cả các rạp chiếu “không kèn không trống”. Kèm theo bài viết gửi về mục Diễn đàn văn hóa, bạn đọc Vũ Duyên Anh có viết: Sự thất bại của một bộ phim có thể mang đến cho chúng ta nhiều bài học. Làm văn hóa, làm nghệ thuật phải có tâm, nhưng nếu chỉ tâm thôi, e rằng không đủ...

Xin bỏ qua thói quen “nói vòng nói vo” của người Việt xưa nay, kiểu phê bình “khen tí chê tí” để nói thẳng rằng sự thất bại của bộ phim Tây Sơn hào kiệt (TSHK) không phải bởi khán giả không biết trân trọng lịch sử Việt Nam hay không chịu “nâng niu phim Việt” mà bởi chính các nhà làm phim đã không làm được điều này trên màn ảnh.


Anh cả Nguyễn Nhạc (người ngồi) quá già so với hai em Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ
Trước hết, xin nói về mỹ thuật - một khâu vô cùng quan trọng và cần cẩn trọng của phim lịch sử - dã sử, ở TSHK, không hiểu vì sao, lại cẩu thả đến khó tin. Thời điểm lịch sử diễn ra câu chuyện vào thời Lê - Nguyễn, nếu so với tất cả triều đại khác thì dễ phục dựng hơn cả, hiện vẫn còn nhiều di tích thời này và tư liệu ở các bảo tàng cũng còn khá nhiều. Nhưng trong phim, trang phục của vua, hoàng hậu, quan văn, quan võ… thì rườm rà kim tuyến, kim sa lấp lánh, đậm màu sắc sân khấu. Quân lính hai bên, đặc biệt là phục trang của quân Mãn Thanh không đúng với thực tế! Cờ ngũ sắc của quân Tây Sơn thì trông giống như loại hay sử dụng ở các buổi lễ đình chùa, không hề có tên hay phiên hiệu gì cả (trừ lá cờ soái của Nguyễn Huệ). Có một cảnh Nguyễn Huệ duyệt binh, đứng tựa vào một khẩu thần công, bỗng khẩu thần công nặng nề… nhúc nhích! Nhìn rõ miệng súng bên trong vẫn chưa được sơn đen hết… còn thấy rõ cả màu gỗ (hay giấy bồi?).

Vua quan và thảo dân ở Bắc Hà ăn mặc màu mè diêm dúa chẳng nói làm gì, đằng này phía Tây Sơn - đặc biệt là “tam kiệt” Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ cũng mặc “lộng lẫy” chẳng kém gì vua quan ở chốn kinh kỳ - nó hoàn toàn làm mất đi hình tượng giản dị “anh hùng áo vải” đã đi vào sử sách của bao thế hệ. Trong những cảnh đầu tiên, Nguyễn Huệ liên tục thay quần áo. Màu sắc chói và họa tiết rườm rà của các bộ trang phục làm giảm đi rất nhiều hình ảnh khí phách của người anh hùng áo vải! Bộ mũ của Nguyễn Huệ cũng xa lạ như từ đâu đến, nhất là bộ giáp của Nguyễn Huệ, ai cũng nhìn rõ là chất liệu vải giả da! Những bộ giáp kiểu này dùng cách điệu trên sân khấu thì được, chứ lên phim thì phải thiết kế đặc biệt như thật bằng chất liệu kim loại cực nhẹ (ở Việt Nam hiện đã chế tạo được những bộ giáp trụ kiểu đó).

Thiết kế mỹ thuật cũng chẳng khá hơn, chủ yếu dùng bối cảnh ăn sẵn từ đình chùa và khu du lịch Đại Nam Lạc Cảnh (Bình Dương), vì thế khó thuyết phục người xem bởi màu sắc quá lòe loẹt và bê-tông còn mới tinh. Đồn Ngọc Hồi chỉ là những tấm phên tre, nhìn rõ chỉ cần vài người xô cũng đổ, vậy mà quan quân Tây Sơn, nào voi, nào ngựa, nào rồng lửa… cứ thúc giục nhau ào ạt lên đánh thành. Chiến tích hào hùng của quân Tây Sơn mà mô tả sơ sài như vậy thì nào có vẻ vang gì? Chiếc cầu phao nhỏ xíu bắc ngang một con sông cạn (hay suối?) vậy mà quân Thanh xô nhau ngã chết đuối hàng loạt thì cũng không hiểu lũ quân này… thuộc kiểu người gì nữa!

Đạo diễn TSHK vốn là đạo diễn video cải lương thuộc loại “đẳng cấp”, nên có thể thấy rõ phong cách này đã ảnh hưởng đậm nét trong TSHK. Rất nhiều cảnh đạo diễn để cho các nhân vật xuất hiện từ bên trái và bên phải màn ảnh giống như hai bên cánh gà của sân khấu. Cuối mỗi cảnh hầu như chỉ có một xử lý phổ biến là “fade out” màn hình đen trông rất vụng về. Cảnh Nguyễn Huệ họp bàn với các cận thần về vụ Nguyễn Hữu Chỉnh, đạo diễn để cho mỗi người nói một câu cứ như trên sân khấu!

Nhưng đuối nhất là những đại cảnh giao chiến, khi tổ đạo diễn hầu như không thể kiểm soát nổi đám đông, nào người, nào ngựa, nào voi… tất cả đều hỗn loạn không hề có quy củ kỷ luật của một đoàn quân. Để tạo tiết tấu nhanh cho những cảnh hành động, đạo diễn đã cho xử lý “fast forward”, khiến chuyển động của nhân vật trong cảnh quay rất buồn cười, đã vậy nhiều hình ảnh cứ được lặp lại nhiều lần.

Diễn viên cũng là một trong những điều đáng nói của phim. Quá nhiều nhân vật khiến không ai có thể nhớ nổi. ba anh em họ Nguyễn thì Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ ngoại hình tuổi tác sàn sàn nhau vẫn còn chấp nhận được, nhưng anh cả Nguyễn Nhạc (Lý Huỳnh đóng) so với hai em cứ như là… ông ngoại! Các vai diễn Nguyễn Hữu Chỉnh (Thế Anh), Tôn Sĩ Nghị (Đoàn Dũng), Lê Chiêu Thống (Công Hậu)… tính cách đều mờ nhạt khiến các diễn viên không còn cách nào khác là phải cố lên gân cường điệu, để chứng tỏ sự tồn tại của mình trên màn ảnh. Các diễn viên nữ, trừ Thùy Lâm và Mộng Vân có nhan sắc mặn mà đủ để người xem dễ dàng bỏ qua những thiếu sót trong việc thể hiện vai diễn. Nhưng ngược lại việc chọn các cung nữ của bộ phim (dù chỉ là vai phụ) thật quá cẩu thả và bôi bác! Chả lẽ triều Lê ngày xưa lại tuyển chọn cung nữ có nhan sắc “thấy ghê” như vậy sao?

Từ trước đến nay, cảnh đông người luôn là điểm yếu của phim Việt Nam. Quân Tây Sơn lẫn quân Mãn Thanh trong phim đều hỗn loạn không hàng lối, nom giống như những đội quân ô hợp! Ống kính máy quay luôn phải tránh xa những cảnh mô tả quan quân Mãn Thanh, bởi sợ lộ mặt toàn người Việt thì hỏng! Còn cascadeur - nhiệm vụ đóng thế những cảnh nguy hiểm - thì diễn… y như cascadeur! Bất kể là chết chém hay bị đạn thần công hất lên không trung, ai cũng phải lộn nhào một vòng như cái máy - trăm cú như một - trước khi tiếp đất!

Còn vô số những chi tiết kỳ quặc như vậy, kiểu như Tôn Sĩ Nghị và Sầm Nghi Đống vừa đặt chân đến nước ta đã nói tiếng Việt như gió nhưng tới khi quan quân tướng sĩ nhà Thanh trao đổi với nhau thì lại dùng rặt tiếng Quảng Đông (!).v.v... Làm phim lịch sử kiểu này có khi thành... hại sử!

Lại nói sang vấn đề kỹ thuật. Không thể tin được một dự án “bom tấn” đầu tư đến “12 tỷ đồng” (con số công bố trên báo chí) mà lại quay bằng máy Digital Betacam rồi chuyển sang nhựa nên chất lượng hình ảnh rất kém, phần End Credit ở cuối phim mờ mịt không thể đọc được chữ. Phụ trách quay phim đặt ánh sáng kiểu “sáng mặt ăn tiền”, những cú lia máy hay diễn viên chuyển động nhanh thì hình mất nét, sử dụng “slow motion” thì hình rung. Kỹ xảo - thứ được quảng cáo dữ dội nhất - thì trông rất giả, vụng về và ngô nghê.

Đến đây, có lẽ sẽ có người cho tôi là “vạch lá tìm sâu”, thậm chí, đang có hẳn một quan điểm “không nên đập phim Việt từ trong trứng nước” (ý nói cần “nâng niu phim Việt” trong giai đoạn này). Nhưng ông bà ta cũng có câu: “Yêu cho roi cho vọt”. Nếu không nói thẳng, nói hết (mà đây chỉ là “đóng cửa trong nhà bảo nhau” mà thôi) những cái dở, cái ẩu của chính mình thì biết đến bao giờ phim Việt mới thực sự ngẩng đầu lên với khu vực và thế giới, hay sẽ vẫn kéo dài mãi cảnh người Việt Nam thuộc sử Tàu, sử Hàn hơn sử Việt vì xem phim lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc thay vì xem phim lịch sử Việt Nam?

Cũng bởi lẽ, những sự dở, sự ẩu nêu trên phải được gọi đúng tên là ẩu, chứ không nên biện minh bằng kinh phí, bằng thiếu phim trường. Ở đây xin được mở ngoặc nói thêm, ngay cả tờ bướm quảng cáo của TSHK người ta cũng chóng mặt vì lỗi. Trên tờ bướm tóm tắt giới thiệu bộ phim chỉ khoảng 20 dòng, mà sai lỗi chính tả trầm trọng: tên nhân vật, tên địa danh không viết hoa, “súng thần công” thì thành “súng… thần nông”, quân “Mãn Thanh thì ghi là “Mã Thanh”, “sắt son” thì ghi là “sắc son”, “cascadeur” thì ghi thành… “catcader” !

Làm văn hóa, làm nghệ thuật phải có tâm, nhưng nếu chỉ tâm thôi, e rằng không đủ..., mà còn cần phải có tầm và sự cẩn trọng.

Vũ Duyên Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm