Xem Tây Sơn hào kiệt: Một giấc mộng dở dang!

16/05/2010 13:30 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Sau hơn 2 tuần ra rạp trên toàn quốc, có thể nói Tây Sơn hào kiệt (KB: Cao Đức Trường, Phạm Thùy Nhân, NSND Huy Thành, ĐD: Lý Huỳnh, Lý Hùng, Phượng Hoàng) đã để lại nhiều luyến tiếc trong lòng người xem, cả ở chuyện được và chưa được. Nếu chê, có thể kể ra hàng tá sự vô lý và ngớ ngẩn trong phim này; nhưng nếu muốn chia sẻ với nhà sản xuất, thì phim vẫn xứng đáng được cảm thông, khích lệ.

Một tái xuất đáng mong đợi

Trong khoảng 1 thập kỷ qua, khán giả của phim truyền hình và điện ảnh gần như “chỉ xem” phim cổ sử của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc... mà thiếu hẳn mảng phim lịch sử, cổ sử nội địa. Phim Tây Sơn hào kiệt vì thế, không chỉ đánh dấu sự xuất hiện trở lại của Hãng phim Lý Huỳnh sau 8-9 năm im hơi lặng tiếng, mà còn ghi dấu sự trở lại của dòng phim cổ sử Việt Nam, đây là điều rất cần khích lệ.


Lý Hùng và Thùy Lâm trong phim Tây Sơn hào kiệt
Chính Lý Huỳnh đã từng khẳng định: “Tôi cho rằng không phải khán giả thờ ơ với phim thuộc đề tài lịch sử mà cái chính là mình chưa có được phim hay. Bằng chứng là Đại chiến Xích Bích khi chiếu ở rạp người ta vẫn lũ lượt đi xem. Tôi là người học võ nên rất mê hình tượng những anh hùng dân tộc. Dân tộc mình có những anh hùng lớn, có những trận đánh hiển hách ghi vào sử sách của dân tộc, sẽ thật thiếu sót nếu cứ để thanh niên nước mình đi tìm xem phim lịch sử của nước ngoài và tôi đã quyết định thực hiện phim về đề tài này”.

Cơ sở của giấc mơ này là những phim mà hãng của Lý Huỳnh từng thực hiện như: Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Thanh gươm để lại, Sơn thần thủy quái... Lúc bấy giờ những phim này không chỉ chiếu ở rạp, mà còn ra tận các sân bãi, đi vào băng video... thu về lợi nhuận rất cao. Còn hiện thực của giấc mơ này, là Hãng phim Lý Huỳnh đã tuyên bố mình bỏ ra khoảng 14 tỷ đồng (?) cho việc thực hiện Tây Sơn hào kiệt.

NSƯT Lý Huỳnh trong các cuộc tiếp xúc với báo chí trước khi Tây Sơn hào kiệt công chiếu, đã từng hé lộ những dự án phim cổ sử mà họ mơ sẽ thực hiện về Hai Bà Trưng, về danh tướng Trần Hưng Đạo, nữ tướng Bùi Thị Xuân, Nguyễn Trung Trực... Đến nay, thì có lẽ nhà sản xuất đã một phần tỉnh mộng, vì phim nhận về quá nhiều những phản hồi không tốt, trong một trả lời gần đây, Lý Hùng (đạo diễn, vai chính) cho biết: “Gia đình tôi không cần Tây Sơn hào kiệt thu lời, chỉ mong hòa vốn là mừng”.

Thực tiễn của một giấc mộng đẹp

Đọc một lược các bài phê bình đây đó, hẳn độc giả và khán giả đã thấy được vô số điểm bất hợp lý hoặc quá giả tạo của phim này. Tóm lại, theo chúng tôi thì có mấy lý do chính để giải thích sự thất bại của bộ phim cồng kềnh này.

Đầu tiên, về kỹ thuật làm phim võ thuật, dù mặt bằng điện ảnh của Việt Nam phát triển khá chậm trong 10 năm qua, nhưng với nhưng phim như Dòng máu anh hùng, Huyền thoại bất tử, Bẫy rồng... khán giả đã phần nào “giải được cơn khát” và có quyền mơ ước về một tương lai vững vàng hơn. Chính vì vậy, khi Tây Sơn hào kiệt ra rạp, nếu so với các phim trước đây của Hãng phim Lý Huỳnh, thì đã có nhiều phát triển hơn về mức độ hoành tráng và kỹ xảo, nhưng nếu so với các phim võ thuật vừa kể ở trên, dù cách đánh khác nhau, Tây Sơn hào kiệt vẫn còn một khoảng cách khá xa. Bên cạnh những góc máy chưa ăn rơ với hành động, thì các pha võ và kỹ xảo còn đơn điệu, quen mắt; phim cũng muốn diễn đạt lại đòn thế Hùng kê quyền của võ thuật Bình Định - dự kiến là một điểm nhấn của phong cách võ trong phim, nhưng chưa làm được.

Thứ hai, dù công chiếu trong khoảng thời gian không có phim “bom tấn” nào về đề tài cổ sử ra rạp ở Việt Nam, nhưng có một thực tế, trong khoảng chục năm qua, trừ những nền điện ảnh có truyền thống về loại phim này như Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản thì Hàn Quốc, Thái Lan... cũng đã dần hoàn hảo về kỹ thuật làm phim võ thuật, khán giả đã mãn nhãn. Nên khi đi xem Tây Sơn hào kiệt, khán giả mê phim đã có nhiều năm và nhiều phim trước đó để so sánh, phê bình, chê bai.

Thứ ba, kịch bản phim quá “tham kể” nên thành ra đơn điệu và đơn tuyến; suốt 90 phút, khán giả phải hai lần cùng Quang Trung ra Thăng Long, lần thứ nhất phò Lê, lần thứ hai đánh quân Thanh. Đáng lý, chỉ cần chọn một biến cố hay một cột mốc trong cuộc đời Nguyễn Huệ, thì kịch bản sẽ chặt chẽ và dễ đi vào thân phận của nhân vật hơn. Tây Sơn hào kiệt quy tụ mấy thế hệ diễn viên cùng hàng chục nhân vật phụ, hàng ngàn binh sĩ, quần chúng nhưng do kịch bản quá ôm đồm, thành ra không có được nhân vật nào rõ nét. Ngay cả vai Nguyễn Huệ (do Lý Hùng đóng) và Ngọc Hân (Thùy Lâm) thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ minh họa, chứ chưa đi vào cá tính, tâm tư tình cảm của hai nhân vật đã trở thành điển hình trong lịch sử Việt Nam.

Tuy khó khăn là vậy, nhưng với tấm lòng của người Việt dành cho phim Việt (điều này đã có thể chứng minh qua các phim truyền hình Việt), không ai muốn Hãng phim Lý Huỳnh nói riêng và các nhà sản xuất khác nói chung, phải vỡ mộng về phim đề tài cổ sử. Vấn đề của thời điểm này, nếu đã có tiền đầu tư cho phim (vốn khó kiếm bậc nhất), thì điều còn lại là hãy “thật thà” ngồi xuống xem thử điều gì mình làm được và chưa làm được, để biết mời ai và thuê ai vào đoàn làm phim. Bởi các chuyên gia về sản xuất phim võ thuật, cổ sử tại Việt Nam và khu vực, nếu biết cách tận dụng, cũng không phải là thiếu.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm