17/07/2012 14:08 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, nhà văn Nguyễn Minh Sơn vừa xuất bản tập truyện Lãnh địa mèo rừng (NXB Hội Nhà văn), đây là tập truyện đường rừng thứ hai của anh kể từ năm 2006.
Sinh năm 1972, Nguyễn Minh Sơn thuộc thế hệ 7X, 8X - một thế hệ thường quẩn quanh với các đề tài tình yêu, chốn công sở hay đời sống đô thị. Ấy vậy mà Nguyễn Minh Sơn đã kiên trì theo đuổi chuyện rừng rú từ khi anh rời ghế giảng đường năm 1997 đến nay. Trong không gian sống mà những cánh rừng đang bị tàn phá, kéo theo là những thôn làng với nét văn hóa đặc thù đang dần biến mất. Đọc Nguyễn Minh Sơn không chỉ là đọc những hoài niệm, hơn thế đó còn là lời cảnh báo trước sự thô bạo của con người với thiên nhiên.
TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà văn thích ở rừng - Nguyễn Minh Sơn.
Nhà văn Nguyễn Minh Sơn
Thiên nhiên thay đổi, truyện cũng khác xưa
* Mở đầu Lãnh địa mèo rừng anh viết: “Khi cuốn sách này đến tay bạn đọc thì những địa danh ở trong truyện đã chìm sâu dưới mực nước lòng hồ…”. Từ 1997 đến nay anh chuyên viết chuyện đường rừng, anh thấy sự thay đổi của thiên nhiên và con người ra sao trong hơn thập kỷ qua?
- Thay đổi rất nhanh. Rừng đang mất từng giờ, sông suối hầu hết đang hấp hối. Mới đây thôi, cọp beo còn ra tận làng, bây giờ tìm không thấy nữa. Con sông Thu Bồn ở quê tôi giờ thì không một đứa con nít nào dám nhảy xuống tắm. Toàn cyanua của các bãi vàng thải ra, mùa khô thủy điện chặn dòng, sông trở thành khe, thành suối. Tôi thấy phần lớn nói đến những điểm lợi của thủy điện, hẳn nhiên làm thủy điện có lợi một số mặt, nhưng rất ít người đề cập đến việc mất mát những giá trị tinh thần do thủy điện gây ra.
Dữ dằn, khốc liệt nhưng xúc động Trong tập có những truyện ghi dấu cái tên Hoa Ngõ Hạnh một thời trong lớp văn trẻ, như truyện Tìm trầm (giải thưởng báo Văn nghệ 1995). Đấy cũng là cái truyện khá tiêu biểu cho cách viết truyện Nguyễn Minh Sơn, lối viết lạnh, cố tỏ ra khách quan tối đa, và dư âm truyện để lại nhiều ngã rẽ cho tâm tưởng người đọc. Lại có những truyện anh viết mơ hồ, mông lung hơn, có vẻ như đó là một mảng khác của văn anh. Bàng bạc trong truyện của anh tôi còn cảm nhận được chất thơ, lạ thế, một thứ chất thơ không hẳn nằm ở câu chữ mà có lẽ là giọng điệu, cảm xúc. Cho nên truyện anh viết dữ dằn khốc liệt nhưng đọc không căng thẳng mà xúc động, có lẽ là vì vậy. Văn Sơn như người Sơn vậy, ai gặp anh đều thấy. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên |
* Trước khi chọn chuyện đường rừng để theo đuổi, hẳn anh phải có niềm yêu thích với đề tài mình chọn. Vậy các nhà văn nổi danh chuyện đường rừng như: Lan Khai, Lý Văn Sâm… có ảnh hưởng gì đến sự lựa chọn của anh?
- Tôi sống với rừng ở quê tôi từ nhỏ, sau này đi làm cũng có điều kiện lang thang khắp Tây Nguyên, Tây Bắc, Trường Sơn, Lào… Tôi mệnh mộc nên như cái vận, buộc phải gắn với rừng. Tôi thích những nhà văn Mỹ Latin hoặc như Cormac McCarthy viết về vùng Viễn Tây hơn. Tôi thấy văn chương họ giản dị, gần gũi và dễ cảm.
* Chuyện đường rừng thuở còn “rừng thiêng nước độc” có khác gì chuyện đường rừng của anh trong thế kỷ 21 này, khi rừng dần dần trở thành hoài niệm?
- Cũng khác nhiều lắm khi thực tế nó sắp mất đi.
Điều tốt đẹp trên đời bao giờ cũng ngắn ngủi
* Vùng đất nhà văn sống đôi khi cũng là vùng đất của tác phẩm. Vậy anh có đem quê hương miền núi Quế Sơn, Quảng Nam của mình vào tác phẩm không?
- Hầu như toàn bộ đều gắn liền với cái làng Cà Tang Hạ của tôi ở. Đề tài chỉ loanh quanh những câu chuyện nhỏ bé ở làng tôi. Phần lớn nó là hiện thực. Nếu có điều kiện, tôi sẽ theo cái gọi là “báo chí kiểu mới” (new journalism) mà tôi rất thích.
* Thành danh với bút danh Hoa Ngõ Hạnh, tại sao anh dùng bút danh này và giờ lại bỏ nó đi?
- Cái thời sinh viên tôi lấy bút danh đó vì nó gắn với một điển tích trong Truyện Kiều. Sau này phải đổi vì cảm giác hơi sến và có nhiều người tưởng tôi là con gái (!). Trong khi tôi đen và xấu lắm!
* Trở lại Lãnh địa mèo rừng, người đọc nhận thấy đó là nỗi ám ảnh vì có thể sẽ đến lượt nhiều vùng đất khác cũng chìm trong làn nước. Khi viết Lãnh địa mèo rừng, anh có bị ám ảnh nhiều không?
- Có! Tôi là người bi quan. Luôn thấy những điều tốt đẹp trên đời này bao giờ cũng ngắn ngủi.Những hồi ức đẹp, nhưng buồn
Hoàn toàn không, không ai chết ở đây cả, có chăng là một địa danh vừa mất đi do những ham muốn của con người. Những bông hoa rừng đã hoặc sẽ mất đi, những con thú rừng đã hoặc sẽ mất đi và biết đâu chính con người rồi sẽ bơ vơ khi những gì tạo hóa ban tặng cũng sẽ mất đi vì chính ham muốn của con người. Lãnh địa mèo rừng viết về những địa danh có thật mà Nguyễn Minh Sơn từng sống, giờ chỉ còn lại trong ký ức đang bơ vơ lạc lõng giữa hồi ức đẹp nhưng buồn. Hồi ức lúc nào cũng đẹp và buồn bởi không thể níu kéo lại được. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất