Ghi chép Văn hoá - Tập tục: Tao và mày (phần tiếp theo)

22/04/2012 10:31 GMT+7 | Văn hoá

                        

(TT&VH) - Ngày xưa khi bạn đến một vùng xa lạ, người ta sẽ hỏi rằng: Mày là kẻ nào? Nhưng bây giờ mà nói thế chắc là đánh nhau.

1. Trong bản in khắc gỗ ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh)  mang tên “Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục”, năm 1752, được khắc bằng chữ Nôm và chữ Hán song song, có những câu sau:

- Bây chừ mày trong phép tao, tuồng có duyên xưa (Kim nhữ ngô pháp trung, cái hữu túc duyên): Ngươi đã được theo học phép thuật của ta, dường như là có duyên từ trước.

- Ngày hôm nay nghe, hợp bằng lòng mày thửa nguyện (Kim nhật thính độ, như nhữ sở nguyện): Hôm nay được nghe Kinh, như ngươi thường mong ước.

- Thầy rằng mày đã nên phép nhà tao (Viết nhữ thành ngô pháp quyến): Thầy nói rằng ngươi đã học được phép thuật của ta.

- Tao đáp (giúp) nhà mày một áng sức vậy (Ngã trợ nhữ gia nhất trường khí lực hỹ): Ta giúp nhà ngươi  một sức vậy.

- Tao cùng mày chưng ấy lặng, chẳng hay sao lỗi ắt lại (Ngô dữ nhữ thử mẫn, bất tri hà cữu tất lai): Ta với nhà ngươi không có chuyện gì, chẳng hay lỗi ấy từ đâu ra.

(Tham khảo từ cuốn “Di văn chùa Dâu” – NXB KHXH, 1997)

Văn bản này được coi là in khắc lại của một văn bản từ thế kỷ 15, bởi toàn bộ những gì thuộc về Trung Quốc đều gọi là nước Minh. Nội dung đối thoại là giữa sư Khâu đà la và cô đệ tử Man Nương, sau này Khâu đà la vô tình bước qua Man nương khi cô ngủ ngoài bậc cửa, nên cô động mình mà có thai. Câu cuối cùng nói rằng giữa nhà sư và cô gái không có một chuyện gì, mà sao lỗi ấy từ đâu ra.

Theo truyền thuyết thì sư Khâu đà la sau đó nhận đứa bé mà Man nương sinh ra, đem vào rừng bỏ vào cây thần dung thụ (cây dâu). Sau một trận lụt cây dâu đổ xuống, người ta cưa cây thành bốn khúc gỗ, tạc bốn pho tượng Mây – Mưa -  Sấm  - Chớp rất thiêng, nay thờ ở cụm chùa Tứ Pháp, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Điểm quan trọng nhất là cho đến năm 1752, ở Đàng Ngoài, việc xưng hô giữa thầy chùa và phật tử cũng là “mày” và “tao”. Tôi cũng nghĩ là việc phiên âm chữ Nôm ở đây hơi mới, lúc đó phát âm cũng tương tự như “tau” và “mâi” thôi, riêng người Kẻ Chợ (Thăng Long) có thể đã nói “tao” và “mày”.

Cảnh chợ búa thời xưa. Trích trong sách “Kỹ thuật của người An Nam”, Henri Oger


2. Nếu đúng là trước thế kỷ 18, như văn bản chùa Dâu, người Việt vẫn xưng hô “tao” và “mày”, thì nguyên do từ đâu mà người Việt dùng những đại từ nhân xưng trong quan hệ gia đình đem ra xã hội?

Có thể sự thay đổi giữa nhân xưng đơn giản chuyển sang phức tạp không đồng loạt ở các địa phương và thời điểm. Người ta cho rằng, sau những cuộc chiến tranh ác liệt thời Trần và thời Lê với quân Nguyên Mông và quân Minh, người Việt phải đi sơ tán lung tung trong toàn quốc, người sơ tán và người địa phương phải coi nhau như người nhà, nên gọi nhau là anh em, chú bác, đồng bào (người cùng ruột).

Tiếp sau đó, nhà Lê sơ bắt đầu coi trọng Nho giáo, lấy lễ nghĩa cương thường làm rường mối xã hội, quan hệ xã hội trở nên phức tạp dần và nhiều nghi lễ, tập tục, kết quả là một cách xưng hô mới trong tiếng Việt dần hình thành cộng với sự gia tăng ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc bởi những người Hoa di cư sau năm 1644, khi nhà Minh thất bại trước quân Mãn Thanh.

Ngôn ngữ là hiện tượng rộng rãi trong cộng đồng dân tộc, nó thay đổi, bổ sung và mất đi liên tục theo các trào lưu xã hội hằng ngày. Trước kia khi muốn đơn giản nhiều người Việt đành dùng lối xưng hô theo tiếng Pháp, ngày nay theo tiếng Anh, với ba ngôi duy nhất, và khi tất cả đều là “you” với “i” thì bày tỏ tình cảm phi tuổi tác hay thẳng thắn chỉ trích nhau cũng dễ dàng hơn.

Ngày xưa khi bạn đến một vùng xa lạ, người ta sẽ hỏi rằng: Mày là kẻ nào? Chữ “kẻ” ở đây có nghĩa là địa phương, vùng đất, nên câu hỏi có nghĩa là: Anh từ đâu đến, giống hệt như Where are you from? Nhưng bây giờ mà nói thế chắc là đánh nhau.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm