Nhịp đập Festival Huế 2012 : "Cuộc chơi" cũng lắm công phu

13/04/2012 07:57 GMT+7 | Văn hoá



(TT&VH) - Ông Ngô Hoà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2012 khái quát: Điểm nổi bật của Festival Huế 2012 là đưa lễ hội đến gần hơn với công chúng, người dân thực sự là chủ thể của các cuộc lễ hội.

Ông còn định chia sẻ với tôi thêm nhiều điều khác với sự nhiệt tình như thường ngày, nhưng vì…khản giọng, nói không ra tiếng nữa nên đành chịu. Trong gian khó mới hay “cuộc chơi” cũng lắm công phu...

Bệnh viện cũng được hưởng không khí Festival

Cùng mạch chuyện với ông Ngô Hoà, GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế góp thêm: Những ngày này, không khí lễ hội còn tràn đến bệnh viện, người bệnh cũng được hưởng không khí của Festival Huế.

Số là, chỉ cách khai mạc 2 ngày, vào ngày 8/4, Ban nhạc lừng danh Mary McBride (Mỹ), và ca sỹ Lê Cát Trọng Lý đã có chương trình biểu diễn lần đầu tiên phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện Trung ương Huế. Từ sáng sớm, Ban nhạc đồng quê nổi tiếng trên thế giới Mary McBride (Mỹ), với 5 thành viên đã có  mặt tại Bệnh viện TƯ Huế thăm các bệnh nhân và để biểu diễn nghệ thuật từ thiện đặc biệt phục vụ bệnh nhân, nhân viên và người nhà bệnh nhân. Nữ ca sĩ chính Mary McBride lần đầu tiên tham dự Festival Huế đã thể hiện hết mình với 10 ca khúc, trong đó có các ca khúc nổi tiếng như That Thing you do to me, When will we know và bài Lý chiều chiều bằng tiếng Việt, làm ấm lòng người bệnh.

Sân bệnh viện Trung ương Huế lúc đó đầy ắp người, nhiều người rời giường bệnh đến xem, quên cả nỗi đau mà bản thân đang hứng chịu. Ban nhạc Mary McBride được Bộ Ngoại giao Mỹ chọn làm đại sứ văn hóa và đã biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới trong các chương trình ngoại giao. Ca sĩ Mary McBride được đánh giá cao vì tài năng âm nhạc, tính cách cũng như sự cống hiến không mệt mỏi của cô với những người thiệt thòi trong xã hội. Và cũng chính âm nhạc là cách tốt nhất để mang mọi người đến gần nhau hơn và có thể xóa nhòa những sự khác biệt về văn hóa - như lời một thành viên trong ban nhạc chia sẻ.

Cùng với quan điểm của ca sĩ Mary McBride, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý, với cây đàn ghi ta đã say sưa cất cao lời ca, tiếng hát mang đến niềm vui cho bệnh nhân, những người vốn có nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

Lễ hội Áo dài

Sức hút của nghệ thuật đường phố

Trong khi đó, bên ngoài, nghệ thuật đường phố đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân và khách du lịch; bởi đây là môn nghệ thuật luôn gây được chú ý cho công chúng và khách du lịch vì sự vui nhộn và gần gũi.

Với chủ đề "Khát vọng xanh", lễ hội đường phố Đông Á - Mỹ Latinh vào các buổi chiều trên đường phố Huế như Hùng Vương, Lê Lợi, Nguyễn Đình Chiểu, kéo dài đến ngày 13/4, được khuấy động bởi hàng chục đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nước trên thế giới. Những đoàn diễu hành đầy màu sắc, những vũ điệu rộn ràng âm thanh và những màn trình diễn độc đáo, thú vị đã đem đến những luồng sinh khí cho đất cố đô trong dịp festival Huế 2012.

Đoàn nghệ thuật dân gian Raices Profun của Cuba đã trình diễn một chương trình nghệ thuật đặc sắc với những tiết tấu, vũ điệu sôi động, đầy say mê cùng phong cách âm nhạc bản xứ pha trộn với những nét văn hóa Châu Phi theo chân những người da đen từ thời thuộc địa. Đoàn nghệ thuật dân tộc Mông Cổ gồm những nghệ sĩ được tập hợp từ nhiều vùng miền trong cả nước đã đem đến cho lễ hội đường phố những màn trình diễn vô cùng độc đáo, ấn tượng. Đoàn nghệ thuật thổ dân Australia mang đến lễ hội sự hoang dã. Các tiết mục belydance (múa bụng) của vũ đoàn Caleopatra mang đến cho lễ hội nhiều phong cách khác nhau như: phong cách Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Ấn Độ, Ai Cập, Mỹ latinh...

Các đoàn nghệ thuật trong nước có các tiết mục múa lân sư rồng, múa bướm, xiếc xe đạp, cồng chiêng Đắk Lắk… sôi động. Đây là một chương trình quảng diễn xuất phát từ đề án "Giao lưu và phát triển các nước Đông Á - Mỹ La tinh" tại Festival Huế do Bộ Ngoại Giao Việt Nam đề xướng, thông qua Diễn đàn Đông Á Mỹ La Tinh (FEALAC).

   Lễ hội trống và nhạc cụ gõ

Không chỉ trong thành nội

Ở Festival Huế 2012, các lễ hội chính được dàn dựng hết sức công phu như: "Lễ hội Áo dài", "Thiên hạ Thái Bình", "Lễ Tế giao", "Đêm hoàng cung", "Đêm Phương Đông", lễ trống và nhạc cụ gõ "Âm vang hào khí Việt"... luôn có sức hấp dẫn lớn, thu hút hàng vạn khán giả bao gồm đông đảo người dân thành phố Huế, quanh vùng lân cận và khách du lịch đến xem. 

Không gian Festival Huế còn được mở rộng với hầu hết các sân khấu được tổ chức ngoài trời, thuận tiện cho người dân đến dự. Nhẩm tính, một ngày với các chương trình nghệ thuật trong nước và quốc tế đã được diễn ra trên 15 sân khấu tại thành phố Huế và 10 địa điểm khác nhau ở các huyện, thị xã và Bệnh viện Trung ương Huế.

Sức cuốn hút của các chương trình nghệ thuật nước ngoài và sự đón nhận của công chúng ở các sân khấu lễ hội, cũng như các chương trình quãng diễn đường phố của các nước Đông Á, Mỹ latinh đã khẳng định chất lượng các chương trình nghệ thuật quốc tế tại Festival Huế 2012.

Ngoài Đại Nội, biệt cung An Định; các khu vực khác như Công viên Nguyễn Văn Trỗi, Công viên Thương Bạc, Công viên 3-2, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Khu du lịch Thuận An, Lăng Cô, Cầu ngói Thanh Toàn, Phước Tích Phong Điền, đến thị trấn miền núi Nam Đông... cũng được tổ chức thành các trung tâm lễ hội, với những buổi quảng diễn nghệ thuật suốt ngày đêm, hoành tráng, sôi động. Nhiều sân chơi dân gian, phố ẩm thực được tổ chức tại các vùng ven thành phố Huế như Hương Thủy, Phong Điền, Hương Trà...

Một phiên "Chợ quê ngày hội" được tổ chức tại cầu ngói Thanh Toàn trong Festival Huế 2012 mang mang đậm dấu ấn vùng quê với những  phiên chợ độc đáo, sôi nổi và thu hút với nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như: nếp, bột lọc, rượu gạo, bắp, thanh trà, dưa gang... Ngoài ra, các sản phẩm mỹ nghệ, những vật dụng sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của thôn quê như mây tre, lá ở Hương Thủy cũng khá nổi tiếng. Tham gia lễ hội, du khách thập phương được thưởng thức những món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn. Chợ quê ngày hội thực sự trở thành ngày hội của người dân miền quê với sự rộn ràng qua các trò chơi dân gian không dễ gì có được ở đất thị thành ồn ào náo nhiệt như: trò chơi bịt mắt đập om, giã gạo đua thuyền, chằm nón, hội bài chòi...

Nằm trong chuỗi những hoạt động của lễ hội, làng hoa giấy Thanh Tiên tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang một lần nữa mang lại cảm giác gần gũi và thú vị của làng quê và làng nghề với du khách. Ưu điểm của hoa giấy Thanh Tiên chính là sự phong phú về màu sắc và có nhiều loại hoa khác nhau trên một cây bông, đây cùng là nét văn hóa đặc sắc của một làng nghề truyền thống trên vùng đất Cố đô.

Bên cạnh đó, các chương trình hội thảo, các hoạt động văn hoá cộng đồng, hội chợ triển lãm đã cùng lúc diễn ra sôi động, rộng khắp tạo được không khí hấp dẫn cho lễ hội. Các chương trình hưởng ứng của các địa phương trong tỉnh như "Hương xưa làng cổ", "biểu diễn máy bay và tàu thuyền mô hình", "Festival thơ Huế" đã được tổ chức với quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn, và tạo sức lan toả mạnh hơn cho lễ hội Festival Huế 2012...

Bùng nổ du khách nhưng không "cháy phòng"

Được biết, kết thúc tuor đầu tiên (từ 7- 9/4), Festival Huế 2012 đã thu hút gần 65.000 khách du lịch, trong đó có hơn 30.000 khách nước ngoài. Đáng chú ý, đêm khai mạc Festival Huế 2012 đã thu hút hơn 2,5 vạn người, bao gồm cả khách du lịch và nhân dân đến với lễ hội.

Hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ ở Huế đạt công suất sử dụng buồng phòng lên đến hơn 80%, có thời điểm đạt hơn 91%, nhưng không xảy ra tình trạng "cháy" khách sạn, đầu cơ tăng giá phòng như các kỳ trước do hệ thống cơ sở vật chất được tăng cường nhiều, công tác quản lý cũng tốt hơn với việc kiểm tra kiểm soát thường xuyên. Công tác an ninh trật tự được đảm bảo tối đa cho người dân và khách du lịch trong lễ hội.

Quốc Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm