Cháy bừng khát vọng "Thiên hạ Thái Bình"

12/04/2012 13:57 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Khát vọng ấy nay lại có dịp cháy bừng lên trong lễ hội "Thiên hạ Thái bình", một lễ hội "đinh" tại Festival Huế 2012. Một sân khấu nổi được dựng lên bên bờ sông Hương, với phần trung tâm là hình ảnh quả cầu Cửu Long (một bảo vật của Huế, cũng là biểu tượng của năm Rồng), và hậu cảnh là chiếc cầu Trường Tiền duyên dáng là nơi diễn ra lễ hội, với sự tham gia của đông đảo nghệ sỹ, diễn viên và nhạc công của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế và lực lượng quần chúng tham gia. Đây cùng là nơi trở thành tâm điểm tại quãng sông trung tâm thành phố Huế (khoảng giữa của đoạn từ cầu Tràng Tiền đến cầu Phú Xuân) trong suốt thời gian diễn ra Festival.

Thiên Hạ Thái Bình là lễ hội được xây dựng từ ý tưởng muốn tôn vinh khát vọng cháy bỏng của dân tộc là: đất nước thống nhất, thiên hạ thái bình, nhân dân no ấm. Các hình thức diễn xướng cung đình Huế như nhã nhạc, múa kết hợp với những áng thơ tuyệt hay của cổ nhân là mạch dẫn cho lễ hội độc đáo này. Thiên Hạ Thái Bình đưa khán giả vào một thế giới lung linh tuyệt đẹp và đầy chất lãng mạn, trữ tình bởi vẻ đẹp của thi- ca- nhạc- họa sóng sánh cùng mặt nước dòng Hương Giang trong đêm.

Ảnh: Internet

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Nếu Festival Huế 2010 du khách hết sức ấn tượng với "Hành trình mở cõi" thì "Thiên hạ Thái Bình" tiếp nối tại Festival Huế 2012 làm nên thành công cho các kỳ lễ hội. Hành trình mở cõi có nội dung chương trình dựa theo tiến trình lịch sử mở cõi về phương Nam, gồm các phần: Diễn tiến mở cõi; Thống nhất non sông (Với hai sự kiện lớn: Năm 1788 Vua Quang Trung chọn Huế làm kinh đô, lập đàn Nam Giao ở núi Bân tổ chức lễ đăng quang để có chính danh tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh. Năm 1802 Vua Gia Long thống nhất đất nước, tiếp tục chọn Huế làm kinh đô, đặt Quốc hiệu là Việt Nam). Phần tiếp theo là: Đất nước trọn niềm vui, cũng với hai sự kiện lớn: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam bước sang kỷ nguyên văn hoá mới - kỷ nguyên văn hoá Hồ Chí Minh. Tiếp đó là sự kiện ngày 30/4/1975 miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, hội nhập và phát triển. Hành trình mở cõi được sân khấu hóa với nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng; có sự hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại với nhiều đoạn phim tư liệu lịch sử, các hoa văn, họa tiết trang trí, thắng tích, địa danh lịch sử...Ngôn ngữ nghệ thuật giàu chất ước lệ sử thi, trong một không gian gợi cảm của kiến trúc kinh thành Huế, tạo dựng cho đêm hội hết sức hấp dẫn và xúc động tự hào về truyền thống đấu tranh giữ nước, mở mang bờ cõi, giành độc lập của cha ông ta...

Nếu hành trình mở cõi là thiên lịch sử 700 năm đầy vẻ vang và oanh liệt của dân tộc ta thì, Thiên Hạ Thái Bình là khát vọng vĩnh hằng của nhân loại, nhưng trước hết đó là khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn luôn phải đương đầu với họa ngoại xâm trong suốt mấy ngàn năm lịch sử hình thành và phát triển.

Trong điện Thái Hoà, Đại Nội - Huế, ngôi điện có chiếc ngai vàng biểu trưng cho quyền lực của một triều đại, có mấy câu thơ được các vua triều Nguyễn đặt ở vị trí trang trọng:

Tự Hồng Bàng mở cõi
Trời Nam vững sơn hà
Nước ngàn năm văn hiến
Thống nhất muôn dặm xa.

Có thể nhận thấy, từ cổ chí kim, niềm tự hào về một đất nước văn hiến, hùng cường, thái bình thịnh trị lúc nào cũng vang lên mạnh mẽ.

Thế kỷ thứ XI, trong trận đại chiến chống quân Tống trên sông Như Nguyệt (Sông Cầu), bài thơ Nam Quốc Sơn Hà đã được Lý Thường Kiệt dõng dạc tuyên bố như một lời khẳng định đanh thép về chủ quyền và ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam: "Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành định phận tại sách trời". Bài thơ Thần ấy được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt.

Thế kỷ XV, sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bở cõi đất nước, vua Lê Thái Tổ đã ban bố Bình Ngô Đại Cáo, một lần nữa khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc: "Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu". Bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai này còn thấm đẫm tính nhân văn bởi quan điểm "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo".

Đến thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, trong bản tuyên ngôn lần thứ ba, niềm tự hào về một đất nước văn hiến, hùng cường, thái bình thịnh trị lại càng vang lên mạnh mẽ: "Nước ngàn năm văn hiến, Thống nhất muôn dặm xa. Tự Hồng Bàng mở cõi, Trời Nam vững sơn hà". Bài thơ tuyên ngôn này được các vua triều Nguyễn cho chạm khắc vào vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa, ngôi điện đặt chiếc ngai vàng biểu trưng quyền lực triều đại.

Thông qua ngôn ngữ diễn xướng cung đình, tác giả kịch bản đã lựa chọn những bài thơ hay nhất nói trên, vốn được tuyển chọn và khắc trên các kiến trúc cung đình Huế để làm mạch dẫn cho vở diễn Thiên Hạ Thái Bình. Vỡ diễn dài 3 chương 9 hồi: từ "Nước ngàn năm văn hiến" (chương 1) đến "Muôn dân hưởng thái bình" (chương 2), và kết bằng "Thịnh vượng một trời Nam" (chương 3) để lại dư âm của lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ và làm say lòng du khách thập phương.

Quốc Việt TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm