Rạp & những câu chuyện kể (Bài 2): Có một thời như thế

31/08/2010 06:24 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Nước Pháp khai sinh ra điện ảnh vào cuối thế kỷ 18, và nghệ thuật thứ bảy cũng đồng thời theo chân đội quân viễn chinh Pháp đến các xứ sở thuộc địa. Từ rất sớm – đầu thế kỷ 19 – điện ảnh đã du nhập vào Việt Nam. Vào thời ấy ở Sài Gòn (thập niên 1930, 1940), để đáp ứng nhu cầu giải trí của các sĩ quan, công chức và quân nhân Pháp… chính phủ bảo hộ đã cho xây những rạp chiếu phim đầu tiên (lúc đó thường được gọi là Rạp hát bóng hay Rạp chớp bóng), chủ yếu tập trung ở khu trung tâm.


Rạp Quốc Thanh thành Trung tâm tiệc cưới
Hai trong số những rạp được xem là xưa nhất và đẹp nhất là Majestic Sài GònEden nằm trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi), trong đó Eden nằm trong khu thương xá mua sắm Hành lang Eden (Passage Eden) nổi tiếng. Cả hai rạp đều được xây dựng rất đẹp theo kiểu kiến trúc cổ điển của các nhà hát Paris, có chia lô để phân biệt giữa hạng cao cấp với… hạng cá kèo! Thời gian đầu khán giả toàn người Pháp và những người bản xứ giàu có, sau đó dần dần mở rộng cho tất cả các tầng lớp khán giả. Không ai ngờ người Việt đón nhận loại hình mới mẻ này quá nồng nhiệt, đến mức chỉ chưa đến chục năm sau, khán giả đến rạp xem phim chỉ toàn người bản xứ. Chẳng mấy chốc các chủ rạp người Pháp đã phải chuyển nhượng hoàn toàn việc kinh doanh rạp chớp bóng lại cho người Việt. Rạp chớp bóng nhanh chóng trở thành ngành kinh doanh cực kỳ béo bở, và phát triển với tốc độ kinh hồn. Chỉ cần làm chủ một rạp, chỉ sau vài năm đã có thể… xây thêm một rạp khác! Mà rạp hồi đó, sức chứa ít nhất từ 700 – 1000 chỗ là chuyện bình thường.


Rạp Lê Lợi trên đường Lê Thánh Tôn giờ thành vũ trường
Thập niên 1950 đánh dấu sự bùng nổ của các rạp chiếu phim. Phim ảnh chiếm vị thế độc tôn hơn bất cứ loại hình giải trí nào. Kinh doanh rạp là mốt của các thương gia. Ít tiền thì làm rạp nhỏ ở những quận ven đô, nhiều tiền thì mua đất xây rạp lớn ở ngay trung tâm. Rạp chiếu phim thời đó có ở khắp các quận. Tính đến cuối thập niên 1950, dân số Sài Gòn chỉ khoảng trên dưới 2 triệu người nhưng đã có hơn 30 rạp chiếu phim với sức chứa trung bình mỗi rạp là 700 người, và 1/2 trong số đó là có… máy lạnh! (Hồi đó máy lạnh là một trong những thứ xa xỉ nhất trần đời! Ai muốn hưởng thụ chút sự tiện nghi tối tân này chỉ có nước mua vé vào rạp!). Ở châu Á lúc ấy, số lượng rạp và chất lượng rạp của Hòn Ngọc Viễn Đông có lẽ chỉ thua những thành phố lớn ở Hong Kong, Ấn Độ và Nhật Bản. Còn ở Đông Nam Á, thì Sài Gòn không có đối thủ.


Rạp Kinh Đô, sau đó đổi tên thành Thắng Lợi, nay là Trung tâm gameonline
Số một Đông Nam Á

Trong số hàng loạt đại gia kinh doanh rạp thời đó nổi bật lên cái tên Bà Ưng Thi - một thương gia thành đạt sở hữu nhiều rạp chiếu phim hàng đầu tại Sài Gòn. Nhưng bà vẫn chưa muốn dừng ở đó, với ấp ủ phải có ít nhất một rạp thượng hạng tầm cỡ để không thua kém các nước Âu Mỹ mà bà được biết. Quyết là làm, Bà Ưng Thi vét sạch vốn liếng bỏ ra một số tiền khổng lồ mua khu đất đẹp nhất Sài Gòn, toạ lạc ở đại lộ Nguyễn Huệ (cạnh UBND TP hiện nay), rồi đầu năm 1960, khởi công xây dựng rạp Rex.


Rạp Cầu Bông giờ thành Trung tâm Billard
Tất cả những gì tiện nghi nhất, tối tân nhất lúc bấy giờ của một rạp chiếu phim trên thế giới, đều được bà Ưng Thi trang bị cho rạp Rex: Máy lạnh tối tân nhất với công suất tối đa có thể làm cho 1.200 khán giả run cầm cập! (Rất nhiều khán giả trước đây có kể lại thời đó đi xem phim ở rạp Rex thường là phải mang theo… áo len!). Kiến trúc của rạp rất trang nhã và sang trọng. Toàn bộ ghế ngồi bọc nệm nhung nhập khẩu. Âm thanh nổi Stereo lúc ấy là phát minh mới nhất cũng có ở rạp Rex.


Rạp Quốc Tế giờ thành khu văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp
Đặc biệt ấn tượng nhất của rạp Rex là màn ảnh Todd-AO, cực đại vĩ tuyến, rộng tới hơn 150 mét vuông, và dàn máy chiếu đặc biệt dành riêng cho loại phim 70mm (hiện ở Mỹ loại phim này cũng ít được sử dụng vì giá thành quá đắt). Chưa hết, để gây “sốc” cho khán giả đến rạp, tất cả khán giả mua vé trên lầu (đắt nhất) được đi bằng… thang máy tự động (thang cuốn). Có thể nói đây là chiếc thang máy tự động đầu tiên ở Việt Nam, và lại trang bị cho một rạp chiếu phim!


Xưa chỗ này là rạp Eden
Ngay từ đầu bà Ưng Thi đã xác định, tầm vóc như rạp Rex chỉ độc quyền chiếu những siêu phẩm lớn mới tương xứng. Và bà Ưng Thi đã chọn bộ phim chiếu khai trương rạp Rex gây sửng sốt không chỉ ở trong nước - Đó là BEN-HUR, siêu phẩm đoạt 11 giải Oscar 1959. Lúc ấy theo thông lệ một phim mới chiếu ở Mỹ, một hai năm sau mới tới các thị trường lớn khác, và ba bốn năm sau mới đến Sài Gòn. BEN-HUR lúc ấy đang làm mưa làm gió ở Mỹ, và chỉ mới có một vài nước được chiếu. Vậy mà một thành phố ở châu Á xa lắc xa lơ dám sang tận Hollywood thương lượng để được chiếu bộ phim này khi nó còn đang “nóng”! Chắc chắn bà Ưng Thi đã phải trả một số tiền không nhỏ.

Rạp Vinh Quang mới bị đập bỏ hơn 1 năm nay
Thời điểm khai trương rạp Rex (1961) là một sự kiện gây được chú ý của không chỉ dân kinh doanh rạp mà còn cả giới chính trị gia thời đó. Dân Sài Gòn nở mày nở mặt với rạp Rex được đánh giá là tối tân nhất Đông Nam Á - mặc dù giá vé ở đây cao gấp mấy lần các rạp khác, nhưng Rex vẫn luôn nghẹt khán giả vì tiện nghi hiện đại và quan trọng nhất, phim ở đây được chọn lọc chiếu độc quyền (đến 6 tháng sau mới đến các rạp khác). Thời đó dẫn “đào” đi xem phim, mà bước vô rạp Rex thì chẳng khác gì bây giờ mời “em”… đi du lịch nước ngoài!


Rạp Vĩnh Lợi xưa kia tọa lạc chỗ này
Thập niên 1960 đầu 1970, đánh dấu thời cực thịnh của rạp phim ở Sài Gòn. Các rạp mới hiện đại hầu như được xây mỗi năm, tuy không hiện đại bằng Rex, nhưng quy mô cũng không kém. Đến năm 1975, Sài Gòn có gần 60 rạp lớn, trong đó có những rạp vừa mới xây như Capital Văn Hoa, Mini Capital Văn Hoa (Thăng Long A, B ngày nay), và đặc biệt là Mini Rex trên đường Lê Lợi (cũng của gia đình bà Ưng Thi), ấm cúng sang trọng và hiện đại bậc nhất thời đó.

Thời oanh liệt… nay còn đâu?

Sau khi đất nước thống nhất, gần 60 rạp nói trên được giao cho cơ quan Phát hành phim và chiếu bóng TP.HCM (Fafim Thành phố) khai thác kinh doanh. Đến cuối thập niên 1980, những rạp này đã vận hành hết công suất phục vụ và từng năm liên tiếp phá vỡ những kỷ lục khán giả xem phim. Đây cũng là thời kỳ huy hoàng nhất của chiếu bóng và điện ảnh Việt Nam - Đặc biệt khi có sự xuất hiện của loạt phim Ván bài lật ngửa.


Rạp Aristles giờ là khách sạn New World
Thập niên 1990, khi “người người làm phim, nhà nhà làm phim”, tất cả các rạp phim đều được trang bị máy phóng 300 inches để chiếu phim video “mì ăn liền”. Suốt mấy năm những máy chiếu phim nhựa bụi bám nhện giăng, báo hiệu thời suy tàn của phim chiếu rạp.

Đúng như dự báo, phim “mì ăn liền” chết đứ đừ chỉ sau vài năm làm mưa làm gió, và hậu quả của nó còn khốc liệt hơn khi nó mở màn cho việc “xé xác hàng loạt” các rạp chiếu phim một thời lừng lẫy tại Sài Gòn.


Rạp Khải Hoàn giờ thành Trung tâm điện máy
Lúc ấy nguồn phim nhựa chủ yếu nhập từ các nước XHCN đã không còn, phim nhựa của Âu Mỹ thì chưa được nhập, đầu máy video gia đình bùng nổ…, ngay lập tức đã biến thị trường chiếu rạp sôi động thành chiến trường hoang tàn trong chớp mắt.

Bị “trảm” đầu tiên là những rạp ở các quận 4, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình…, tất cả biến thành: quán cơm bình dân, quán ăn, quán nhậu, bãi giữ xe, cửa hàng dịch vụ, nhà sách, quán cà phê, quán bar… nói chung là đủ thứ linh tinh miễn làm ra tiền được. Kế đến là quận 3, quận 5, rồi quận 1, nhất là những rạp nào “ngự” ở những địa thế “tấc đất tấc… kim cương”.


Rạp Lao Động thành vũ trường Monaco, đóng cửa đã nhiều năm. (Ảnh: P.T và N.T)
Vậy là rạp Majestic Sài Gòn (Đồng Khởi) trở thành nhà hàng Majestic. Rạp Eden (Đồng Khởi) lúc trước một phần trở thành phòng trà Tiếng Tơ Đồng, sau đó bị xóa sổ hoàn toàn để trở thành Trung tâm mua sắm Eden Mall, và nay cũng đóng cửa để xây dựng khu thương mại. Rạp Vĩnh Lợi (Lê Lợi) chuyển thành showroom xe hơi của hãng Daewoo rồi nay thành sàn giao dịch chứng khoán. Rạp Đại Nam (Trần Hưng Đạo) trở thành khách sạn Đại Nam. Rạp Hồng Bàng (Pasteur) trở thành cơ sở sản xuất. Rạp Kinh Đô (Nguyễn Hữu Cầu) từ sân trượt Patin trở thành phòng game online. Rạp Tân Định (Hai Bà Trưng) trở thành nhà sách, và bây giờ là siêu thị sách.Rạp Olympic (Nguyễn Thị Minh Khai) trở thành Trung tâm Văn hóa TP. Rạp Lê Lợi (Lê Thánh Tôn) trở thành vũ trường, bar và liên tiếp thay đổi chủ. Rạp Văn Hoa Đakao (Trần Quang Khải) chỉ còn lại 1/4 khiêm tốn là rạp, còn 3/4 là quán bar Cát Đằng. Rạp Vinh Quang (Pasteur) trước đây chia một nửa cho Sân khấu kịch Sài Gòn, nay đã được đập bỏ hoàn toàn để xây cao ốc. Rạp Quốc tế (Phạm Ngũ Lão) bị đập nát mười mấy năm, nay vừa mới xây thành Trung tâm Văn hóa Thương mại quốc tế. Rạp Khải Hoàn (chợ Thái Bình) “chia” cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, giờ đã trở thành trung tâm điện máy. Tất nhiên rạp Rex và Mini Rex (Nguyễn Huệ) giờ là khách sạn Rex...

Các rạp cine ở TP.HCM bước sang một trang mới, với những câu chuyện mới, xin được kể tiếp ở những số báo sau.

Bá Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm