Rạp & những câu chuyện kể (Bài 1): Những "thánh đường" đã mất?

30/08/2010 07:16 GMT+7 | Văn hoá

Nhà hát & những câu chuyện kể

Nếu như chợ (hay các trung tâm thương mại trong thời hiện đại) được xem là “mặt tiền vật chất” của một đô thị, nơi cho ta biết một cách chân thật và cụ thể nhất sự sung túc của đời sống tiêu dùng; thì “mặt tiền văn hóa” của đô thị, nơi cho ta hay sự giàu có của đời sống tinh thần, chính là các nhà hát (thêm các rạp cine từ khi nghệ thuật thứ bảy ra đời), các bảo tàng cũng như các công trình văn hóa khác.

Ngay trong bóng đêm Trung cổ, bên cạnh các đấu trường nhuốm máu, người ta đã xây các nhà hát, nơi nghệ thuật cất lên sự thánh thiện. Với thời gian, các đấu trường đã thành phế tích, còn nhà hát thì không thể. Ngày nay, ở nhiều thành phố, nhiều quốc gia, nhà hát được xem như một biểu tượng văn hóa. New York, trung tâm tài chính kinh tế của nước Mỹ với biểu tượng Phố Wall nhưng cũng là trung tâm kịch nghệ thế giới với quận nhà hát Broadway. Nhiều người chưa từng đặt chân tới nước Úc, nhưng Opera Sydney hay còn gọi là nhà hát Con sò thì gần như ai cũng biết- đó là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ 20 và là một trong các địa điểm biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới. Bên cạnh Hồ Gươm, tháp Rùa, chùa Một Cột hay Văn Miếu,..., Nhà hát lớn cũng là một biểu tượng gắn liền với hai chữ Hà Nội. Bên cạnh chợ Bến Thành, dinh Thống nhất,..., Nhà hát Thành phố là một hình ảnh quen thuộc của Hòn ngọc Viễn Đông.



ngay cả khi chỉ là một rạp hát đã biến mất, nó vẫn có thể là một thiên đường trong Cinema Paradiso, hay một bi kịch ám ảnh với Bóng ma nhà hát (Phantom of the OpOpera)...

Bởi vậy, nhà hát có rất nhiều câu chuyện kể, về nó và về chúng ta.

Trong rất nhiều những câu chuyện kể như vậy, xin được kể một vài câu chuyện nhỏ...

Câu chuyện thứ nhất: Đi tìm thời gian đã mất.

(Đón xem tiếp những câu chuyện khác trong các số báo tiếp theo)

Tổ chức chuyên đề: PHẠM THỊ THU THỦY


(TT&VH Cuối tuần) - “Đã có một thời mà mỗi đêm Sài Gòn có không dưới một chục điểm diễn sáng đèn. Và dù lựa chọn đoàn hát “đại bang” nhiều ngôi sao hay chỉ là đoàn nhỏ lâu lâu mới dừng chân lại Sài Gòn thì ở đâu cũng là một không khí thưởng thức nghệ thuật thực sự nghiêm túc, đầy trang trọng…”


Nhà hát Long Phụng, vốn là ngôi nhà của nghệ thuật hát bội TP.HCM. Nhiều năm trước được cho thuê làm phòng trà ca nhạc, sau đó người thuê lại cho ca sĩ Ánh Tuyết thuê làm phòng trà ca nhạc ATB. Nay trở thành tài sản công.

Ông Tần Nguyên, chánh văn phòng Ban Ái hữu nghệ sĩ (thuộc Hội Sân khấu TP.HCM), cựu ký giả kịch trường, đã nói như thế về một thời Sài Gòn không hề thiếu nhà hát và cảm giác về “thánh đường nghệ thuật” là có thật chứ không là chuyện viển vông xa xôi. Ông kể:


“Từ những năm 1954 – 1955, ở miền Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng, bộ môn nghệ thuật hoạt động mạnh nhất là cải lương. Các rạp cải lương đỏ đèn hàng đêm, trong số đó có những rạp nổi tiếng thường được các đoàn “đại bang” chọn làm điểm diễn, có thể kể đến như: rạp Norodom (nay là Công ty Xổ số kiến thiết trên đường Lê Duẩn); Aristles (nay là New World); Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân, trụ sở Nhà hát Kịch TP.HCM) từng được ví như “hàng không mẫu hạm” vì nhiều ghế; Olympic (nay là Trung tâm Văn hóa TP.HCM) được công ty Kim Chung của ông bầu Long độc quyền cả chục năm trời cho 5 đoàn hát của công ty luân phiên diễn. Những năm 1960, đoàn Thái Dương ra đời cạnh tranh với Kim Chung lập rạp Quốc Thanh (nay là nơi tổ chức tiệc cưới), đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân cũng thường diễn ở đây. Một thời gian rạp Quốc Thanh bị lấy lại làm nơi chiếu phim thì ông bầu Xuân phải đưa Dạ Lý Hương sang rạp Thanh Bình (sau đổi là rạp Quốc Tế, nay là căn hộ chung cư cao cấp). Rạp Hưng Đạo cũng nằm trong nhóm “đại bang” này, ra đời cuối thập niên 1960.

Khu vực “ngã tư quốc tế” (trục Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo ngày nay) này trở thành một trong những khu hoạt động nhộn nhịp nhất của làng văn nghệ Sài Gòn. Mặc dù mật độ các rạp hát khá dày (Nguyễn Văn Hảo, Thanh Bình, Hưng Đạo, Quốc Thanh, Khải Hoàn) nhưng các đoàn hát lớn thường xuyên tập kết về, đây trở thành nơi tập trung, điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ, giới ký giả kịch trường, các ông bà bầu muốn “săn” đào kép mới cũng tìm đến đây. Đó là ở trung tâm Sài Gòn, còn lan về các quận thì có các rạp: Hào Huê (sau đổi thành rạp Nhân Dân), Thủ Đô, Lux (sau đổi là rạp Lao Động rồi trở thành vũ trường Monaco)… ở quận 5; rạp Huỳnh Long, Cao Đồng Hưng (sau đổi là rạp Gia Định, nay là nhà sách FAHASA), Văn Cầm… ở khu vực Bình Thạnh - Phú Nhuận; Lạc Xuân, Đông Nhì (sau đổi là 30/4)… ở Gò Vấp; Cây Gõ, Bình Tiên… (quận 6); Nam Tiến (quận 4); Xóm Củi (quận 8); Tân Mỹ (quận 7)… Ngoài ra còn nhiều đình cũng là điểm hát của các đoàn nhỏ, trong đó nổi bật nhất là đình cầu Quan và đình cầu Muối (khu vực quận 1) là nơi đóng đô của hai đoàn cải lương tuồng cổ nổi tiếng Minh Tơ và Huỳnh Long; các đình Hòa Hưng, Lý Nhơn, Hưng Phú, Phú Trung… cũng sáng đèn thường xuyên. Đến những năm 1970, tình hình có nhiều biến động, sân khấu không còn thịnh vượng như trước nhưng nhìn chung các đoàn hát vẫn duy trì được sức hút kéo đông đảo khán giả đến rạp hàng đêm.


Nhà hát Nhân Dân (tên cũ Hào Huê) ban ngày là quán cà phê
Sau giải phóng, một số rạp được mở thêm như: Đại Đồng, Kim Châu, Long Vân, Minh Châu, Thăng Long, Lệ Thanh, Hồng Liên, Hùng Vương, Santo, Hoàn Kiếm, Hòa Bình… Trong đó, các rạp: Kim Châu, Hưng Đạo, Tân Mỹ, Quốc Thanh, Olympic, Lao động, Nhân dân, Lệ Thanh, Cây Gõ, Santo, Hoàn Kiếm, Gia Định, Đại Đồng, Long Vân, Thủ Đô là thuộc về nhà nước quản lý (Sở Văn hóa Thông tin), phân phối lại cho 23 đoàn cải lương nhà nước và tập thể biểu diễn. Do số đoàn hát nhiều hơn số rạp được phân phối nên các đoàn phải diễn “xoay tua”, đoàn nào mất lượt thì có thể thuê mướn những điểm diễn ở ngoài. 23 đoàn hát vẫn hoạt động hàng đêm, đông khách đến nỗi, có đoàn phải xin nghỉ hát vào thứ Hai để… xả hơi. 10 năm đầu sau giải phóng được xem là thời kỳ “đỉnh cao mới” của sân khấu cải lương với sự mở rộng về số lượng và quy mô các rạp hát cũng như các đoàn hát. Đáng tiếc là sau đó cải lương không giữ được vị thế của mình, các rạp hát cũng lần lượt mất đi.


Rạp Đại Quang vẫn chiếu phim, nhưng ai có can đảm vào chốn này ?
Đáng buồn hơn nữa là cùng với sự biến mất của các rạp hát thì thái độ chuyên nghiệp của người coi hát cũng không còn. Tôi nhớ rất rõ cái không khí coi hát ngày xưa. Đi xem hát là những người thực sự mê nghệ thuật dân tộc, với họ là “coi hát” - hát cải lương, hát bội hay hát bóng - không có nghĩa chỉ nghe ca là đủ, mà còn phải thấy được diễn xuất và đặc biệt là thấy được cuộc đời trong sân khấu. Cải lương xưa hấp dẫn vì cốt truyện tuồng đặc sắc, gần gũi, người ta có thể bắt gặp bản thân mình trên sân khấu, coi hát cũng là để học. Vì thế tất cả mọi khán giả đã đặt chân đến rạp hát dù là đoàn lớn hay đoàn nhỏ thì đều như bước vào một “thánh đường” thực sự. Có một chuyện làm tôi nhớ mãi. Đó là khi tôi rủ một người bạn gái (đang là học sinh và không hề mê cải lương) đi coi hát ở đoàn Hùng Cường - Bạch Tuyết vào cuối tuần, người bạn ấy khất lại tuần sau để: “Kịp may cái áo dài”. Chuyện này ngày nay nghe thấy vô lý nhưng đấy là sự thật có một thời mà mỗi khán giả phải là những “quý ông, quý bà” khi bước vào rạp hát. Dù là người đạp xích lô, một bà buôn gánh bán bưng khi đi coi hát đều ý thức ăn mặc đẹp và không hề có cách biệt về tác phong với một người được xem là trí thức. Khán giả giữ thái độ nghiêm túc, trật tự, hoàn toàn tôn trọng vở diễn và chỉ khích lệ nghệ sĩ bằng tiếng vỗ tay. Chuyện ăn uống, trò chuyện gây mất trật tự trong rạp, rồi phe vé chợ đen vào tận rạp gây rối... như hiện nay là “không tưởng”. Trong một môi trường mà ai cũng đàng hoàng, lịch sự chỉ cần mình ăn mặc hơi xốc xếch, có làm điều gì thất thố như cười lớn một chút thôi là đã tự thấy mắc cỡ rồi nói chi đến những hành động khác người như một bộ phận khán giả xô bồ hiện nay…”.


Rạp hát Thủ Đô, bên cạnh là khách sạn, trên lầu là trung tâm karaoke
Có lẽ cũng vì tiếc nhớ “thánh đường nghệ thuật” những ngày xưa mà đã lâu rồi ông Tần Nguyên không đặt chân đến rạp hát dù trụ sở Ban Ái Hữu và rạp Hưng Đạo - ngôi nhà còn sót lại của cải lương – chỉ cách nhau một ngã tư…


Rạp Quốc Thái được tận dụng mặt tiền bán bánh Trung Thu và rửa xe

Ngọc Tuyết (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm