Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra (Bài 3)

30/04/2009 08:50 GMT+7 | Thế giới

Ghi chép của Việt Thường

Bài 3: Bí mật trong lòng đất

7. Tờ tin “Lập công” của các lực lượng vũ trang giải phóng Tây Nguyên số ra ngày 28/3/1968 viết: “Đêm 25 rạng sáng ngày 26/3/1968, K4 (mật danh Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209) đã đánh một trận tập kích tốt, tiêu diệt gần hết một Đại đội bộ binh, một đại đội pháo binh và một tiểu đoàn bộ Mỹ. Giặc Mỹ đã phải thừa nhận: “Đây là một trận đánh rất táo bạo, phía Mỹ đã bị thiệt hại vừa”. (Thiệt hại nặng phía Mỹ mới thừa nhận như vậy). Để đánh thắng, các chiến sỹ K4 đã nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên cường vượt qua hy sinh ác liệt, quyết tâm xốc tới tiêu diệt quân thù.
 

Tàn hương thắp trong ngày giỗ


Đó là xung phong chớp nhoáng, mãnh liệt và đồng loạt của bộ binh C1 và C2 ngày từ phút đầu nổ súng, đã vượt qua cửa mở xông thẳng vào đánh chiếm các ụ súng, rồi nhanh chóng phát triển vào trung tâm đánh phá các trận địa pháo và chỉ huy sở địch, với lối đánh táo bạo bằng thủ pháo, lựu đạn, tiểu liên bắn gần, bất chấp sự chống trả điên cuồng của địch trong cơn tuyệt vọng đã oanh tạc bừa bãi bằng mọi thứ bom phá, bom bi, bom lân tinh. Đó là sự hiệp đồng rất đẹp của các phân đội trợ chiến chi viện đắc lực cho bộ binh xông lên diệt địch. Đại liên bắn điểm dừng từng đoạn ngắn vào hỏa lực địch. Xạ thủ Phạm Ngọc Thái bị thương lùi về phía sau băng bó xong lại băng lên chiến đấu. B40, B41 lần lượt hạ hết các ụ súng này đến các ụ súng khác và luôn có mặt ở bất cứ chỗ nào cần có mặt. Xạ thủ Trần Đức Chính luôn luôn động viên thương binh “các đồng chí cứ bình tĩnh, chúng tôi sẽ trả thù cho các đồng chí”. Xạ thủ Trực sau khi đã hạ được 3 ụ súng đã ngồi hẳn lên trên xác Mỹ tiếp tục dùng tiểu liên diệt địch; đó là hành động cụ thể, dũng cảm và tiên phong của những cán bộ đảng viên như đội trưởng Ân, chính trị viên Bắc, như phân đội trưởng Ngô Xuân Lâm, phân đội phó Nhạc; như Lê Sĩ Nhật luôn xông xáo chỉ huy đơn vị xốc tới, như Nguyễn Văn Kháng một mình đánh địch bảo vệ thương binh diệt hàng chục Mỹ bằng tiểu liên, lựu đạn. Đó là tình yêu thương đồng đội và quyết tâm tiêu diệt địch của các đồng chí phục vụ như y tá Bắc, văn thư Tứ, đưa hết thương binh ra ngoài an toàn rồi quay lại dùng tiểu liên, lựu đạn diệt địch. Tinh thần dũng cảm của cả một tập thể dũng cảm kết hợp với lối đánh gần, đánh nhanh, đánh thọc sâu đã đem lại cho K4 một trận thắng lớn mở ra nhiều triển vọng cho đơn vị và cho toàn đoàn. Hoan hô K4! Hoan hô các binh chủng phối thuộc, chắc chắn trong những ngày tới các đồng chí sẽ lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa”.

Cuốn “Lực lượng vũ trang Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, NXB QĐND năm 1980, trang 135 viết: “Nổi bật trong đợt này là trận Chư tan Kra ngày 26/3/1968, diệt gọn 2 đại đội và một trận địa pháo Mỹ. Tại đây diễn ra nhiều cuộc giáp chiến giữa ta và địch. Chiến sĩ ta dùng lựu đạn, thủ pháo giành giật với địch từng khẩu pháo, từng mỏm đồi dưới tầm bom đạn ác liệt để giữ vững các điểm cao”.

Cuốn “Lịch sử trung đoàn 209, Sư đoàn 7”, NXB QĐND 2004, trang 94 – 95 viết: “Trong trận tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở cao điểm 995 (thuộc núi Chư tan Kra), 204 lính Mỹ đã bị tiêu diệt, ta bị thương và hy sinh hơn 200 đồng chí. Trận đánh Mỹ đầu tiên tại cao điểm 995, trung đoàn không dứt điểm nhưng là trận đánh mở màn của trung đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên và Nam Bộ. Trận đánh đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu gan dạ, không sợ hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 209, đó chính là truyền thống của một trung đoàn đã được xây dựng từ những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Hôm nay, truyền thống đó lại tiếp tục phát huy trên chiến trường chống Mỹ. Nhiều gương chiến đấu anh dũng đáng được nêu gương học tập như đồng chí Nhạc (đại đội phó đại đội 1) bị thương lòi ruột, tự tay mình nhét ruột vào để tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu; như đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm một mình ôm bộc phá xông lên diệt lô cốt địch cho bộ đội xung phong, rồi sau đó chỉ huy bộ đội chiến đấu liên tục cho đến lúc hy sinh”.

Chiếc xe Reo chở nhóm đi tìm đồng đội tới nơi cùng kiệt của đường mòn.


Cũng trong cuốn sách trên, trang 99 viết: “Ngày 28/3/1968, trung đoàn được lệnh cơ động về vị trí tập kết ở dọc sông Sa Thầy để củng cố, bổ sung quân, rút kinh nghiệm và nhận thêm súng đạn, lương thực, thuốc men… Trong khi trung đoàn đang tập trung rút kinh nghiệm thì trên thông báo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Thường trực Quân ủy Trung ương “nhiệt liệt khen ngợi những thành tích vừa qua của quân dân Tây Nguyên”, đồng thời chỉ thị “hãy thừa thắng xông lên, đánh mạnh, đánh trúng, đánh giòn giã hơn nữa”.

8. Tại thôn 4 thị trấn Sa Thầy, Kon Tum, chúng tôi gặp Ka Pa Rối, 62 tuổi, cựu cán bộ của huyện đội H67, thương binh ¼ cụt cả hai chân, đang ngồi hóng mát trên xe lăn ở hiên nhà. Ka Pa Rối hỏi ngay, mấy cậu vào đây tìm anh em hả? Tớ biết đêm tháng 3 năm ấy anh em mình hi sinh ghê gớm lắm, bò vào đến hàng rào thứ 3 chúng nó mới biết. Đã có cựu chiến binh Mỹ về đây tìm hài cốt, qua hỏi tớ có chôn ai người Mỹ không, tớ bảo đồng đội tao còn chưa chôn được kia kìa. Quanh Sa Thầy đây, mà tớ quen gọi là “Sa Lầy”, B52 rải ác liệt vô kể, một nhát xẻng xúc lên thấy 3 – 4 anh cùng nằm dưới một gốc cây. Ka Pa Rối bắt cả đoàn vào nhà uống rượu cần, rồi giải thích bằng tiếng Gia Rai: Chư tan Kra nghĩa là “núi chính giữa”.

9.  Sáng sớm 26/3/2009, chúng tôi qua chợ Sa Thầy sắm đồ lễ cho đám giỗ tập thể đầu tiên sau 41 năm. Mấy anh đã đặt nhà hàng ở huyện hai nồi xôi nếp, hai con gà luộc, ở chợ mua thêm hương nến, vàng mã, hai nải chuối còn xanh, bó cúc vàng, túm muối, mấy gói thuốc lá Ngựa, cân chè… Lính chết trẻ chưa biết yêu là gì, bọn mình có nên mua trầu cau không? Cái gì cũng hỏi nhau, bàn bạc cẩn thận. Chúng tôi leo lên một chiếc xe Reo chuyên đi nương của bà con để thuê chở tới nơi cùng kiệt của đường mòn. Lại dốc ngược. Lại nắng đổ lửa. Lại những cơn mồ hôi thấm đẫm sống lưng. Chiến trường đi vẫn khó nhọc như xưa, chỉ khác là hòm đạn pháo vác trên vai ngày nào giờ được thay bằng thùng bia Hà Nội. Anh Vĩnh chia cho các bạn mấy lát sâm Hàn, còn anh Đồng thì chia thuốc viên tăng lực. Đường rừng lúc bạc phếch nắng, lúc bóng ngả âm u. Những triền đồi rải chất độc hóa học, sau bao năm tháng vẫn vàng ệch một mầu cỏ cháy. Tiếng cưa bằng máy của lâm tặc liên tục dội tới, xót xa. Hẳn thợ sơn tràng không biết nơi này từng thấm máu biết bao người. Dãy nhà những người Thái – người Mường Thanh Hóa di cư vào ở giữa thung lũng Chư Mom Ray mỗi lúc một bé lại sau lưng. Càng lên gần tới đỉnh cao 995, công sự, hố bom, lô cốt, hầm cá nhân càng dầy đặc. Mưa rừng Tây Nguyên dù dữ dội, vậy mà bao nhiêu năm tháng qua nơi đây dấu tích vẫn còn nguyên, dường như các vong hồn vẫn có ý chờ đồng đội tới.

Lớp  lót mũ sắt Mỹ bị đạn xuyên thủng nhặt được trên đỉnh núi


Ở một rừng cây gần sát đỉnh, chúng tôi hạ trại, mắc võng theo cách mắc thời chiến, càng ngồi càng chắc, nếu có lệnh di chuyển chỉ cần với tay giật đầu dây cuốn lại là có thể tiếp tục hành quân. Chúng tôi chọn nơi có hai thân cây đổ vắt lên nhau, chặt cành xếp lên thật chắc chắn, làm một cái bàn thờ dã chiến. Hương nhanh chóng bay lan tỏa. Năm người lính mũ sắt Hà Nội đều chảy nước mắt, xếp hàng khấn: bọn tớ là Đồng, Chúc, Ngọc, Vĩnh, Tứ, xin được thay mặt anh em trung đoàn 209 vào thắp nén nhang cho các cậu. Ngày mai 27/3, anh em ở Hà Nội sẽ họp để tập hợp danh sách các cậu còn nằm lại ở đây. Các cậu bàn nhau xem, nếu muốn được quy tập về thì bọn tớ sẽ công bố thông tin, làm việc với các cơ quan chính quyền, quân đội, nhờ giúp đỡ. Còn nếu chỉ muốn ở đây với nhau thì bọn tớ sẽ dựng một tấm bia dưới chân núi đề tên từng người một.

Sau trận đánh Chư tan Kra, Mỹ giữ quyền làm chủ trận địa nên đã thu gom xác lính Hà Nội lại một chỗ, dùng xăng đốt để giữ vệ sinh chiến trường, rồi ủi hố chôn tất cả ngay trên đỉnh núi. Vong hồn hơn 200 người các anh chỉ quanh quẩn ở đâu đây thôi, dưới lớp đất này, hoặc gốc cây kia, lặng lẽ như một bí mật trong lòng đất mẹ. Tôi không biết xương người cháy, lại chôn tập thể, liệu còn có thể xét nghiệm được AND hay không? Và tôi khó mà có thể quên được cái giật mình của một cán bộ huyện Sa Thầy: ở Chư tan Kra này mà mấy anh chết nhiều đến thế ư? Sự kinh ngạc đó không hề có lỗi. Thời gian mà. 41 năm cũng đủ dài để một đời cây xum xuê tỏa bóng, ngay trên gốc rễ bị bom phát quang phạt cụt ngày nào. Tôi sinh ra trong thời bình, và chưa bao giờ cảm thấy mình “ở gần chiến tranh” đến vậy. Tôi xin được là người hóa vàng mã, tại đỉnh Chư tan Kra hôm ấy. Trên mấy tấm lá chuối rừng, suốt gần một giờ đồng hồ, vàng mã cháy mãi. Trời đột nhiên ngưng gió. Các tàn hương cong trĩu nặng. Kể từ ngày hôm nay, các anh không còn là những vong hồn nữa. Vì bè bạn vẫn còn đây, đồng đội vẫn còn đây.

(Còn nữa)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm