Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra (Bài 1)

28/04/2009 09:18 GMT+7 | Thế giới

Ghi chép của Việt Thường

Đất nước đã thống nhất 34 năm, nhưng với không ít người, chiến tranh vẫn còn đó, nguyên vẹn, day dứt, ám ảnh như vừa mới ngày nào. Một ngày cuối tháng ba, 5 “Việt Cộng Bắc Việt” giờ đã là những thương binh tóc hoa râm trở lại Trường Sơn tìm mồ chôn tập thể do Mỹ chôn cất, nơi hơn 200 lính người Hà Nội gốc – đồng đội của họ - đã cùng nằm lại miền đất đỏ Tây Nguyên ngay trong trận đầu nổ súng, mà 41 năm qua, vì nhiều lý do, hiu quạnh chưa một người thăm viếng, chưa một nén nhang của người còn sống.




Bài 1: Đi tìm chiến lệ

1. Một chiếc xe Ford Everet đổ đầy xăng, khởi hành từ Hà Nội lúc trời còn tranh tối tranh sáng, xuyên đường Hồ Chí Minh thẳng hướng Tây Nguyên. Trên xe gồm có 5 người lính cũ của tiểu đoàn 7, trung đoàn 209, sư 312: Hồ Đại Đồng, Phạm Văn Chúc, Phạm Minh Ngọc, Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Văn Vĩnh, có thêm tôi cùng rất nhiều tăng võng, dao phát, đèn pin… và vô số đồ lễ chuẩn bị từ Hà Nội: vàng hương, thuốc lá, cam, có cả can rượu ngon gửi ra từ Hà Tĩnh do tự tay mẹ anh Đồng nấu, khi biết con đi tìm mộ bạn. Đường Trường Sơn xa xôi diệu vợi, thay nhau lái triền miên không nghỉ, để đến kịp giờ nổ súng năm nào làm giỗ, trong cái bồn chồn, nôn nóng được gặp lại đồng đội, cho dù giờ họ đã là người của các thế giới khác nhau. Đêm trước không ai ngủ được. Lật bên nọ, bên kia. 3h sáng, anh Ngọc còn trở dậy nấu cơm ăn một mình, rồi ngồi đợi. Hóa ra, đây mới chỉ là đêm đầu tiên trong chuỗi đêm dài mất ngủ suốt cả cuộc hành trình.


Vừa đi vừa tìm đường


Chuyến đi này được ấn định một cách tình cờ từ cuối năm 2008, khi anh Vĩnh tìm được số di động của anh Đồng – một giám đốc đang làm ăn ở tận Lai Châu. “A lô, có phải Đồng lính mũ sắt Hà Nội đấy không”. “Vâng”. Rồi cúp máy. Hai tiếng sau anh Đồng gọi lại: “Ai vừa gọi lính mũ sắt đấy? Xin lỗi, tôi bị choáng…”. Và những câu đầu tiên hỏi nhau là mấy trăm anh em lính trẻ nằm xuống trong trận đánh đầu đời do Mỹ chôn đã được quy tập về chưa? Chưa thì phải đi tìm, không tìm thấy thì chắc kiếp này bọn mình chết không nhắm mắt.


Lính trận đánh đêm hôm, có lệnh là nổ súng, các chiến trường đều sử dụng ký hiệu bí mật, đâu có biết trận đánh xưa trong rừng thẳm giờ ở nơi nào? Thật may, sau trận đánh M2 – gọi theo tên quân sự, những người còn sống sót được nghe ca sĩ Y Moan da đen trũi tóc quăn tít, khi đó mới chỉ là một cậu bé vị thành niên, hát một bài “Mừng chiến thắng Chư tan Kra”, do nhạc sĩ nào đó soạn vội. Chư tan Kra, Chư tan Kra, cái tên ấy lập tức ăn vào nỗi nhớ, đi theo suốt cả những đời người. Chúng tôi vào Tây Nguyên mà chỉ có trong tay một tờ A4 in ra từ trang web travelingluck.com hướng dẫn khách du lịch, trong đó ghi tọa độ dãy núi  này: 14.4o – 107.7o. Chư tan Kra ở đâu giữa Trường Sơn xanh thẳm núi rộng sông dài?


“Lính mũ sắt” là một trong những đơn vị được tuyển chọn đặc biệt, sức khỏe A2 trở lên, lý lịch ít nhất phải là Đoàn viên, và đều là người Hà Nội gốc. Sau khi luyện quân kỹ lưỡng ở Thái Nguyên như cõng đá ngay cả lúc nghe điều lệnh để rèn sức bền thể lực, đánh trận giả ở Hòa Bình… đơn vị bộ binh này được trang bị tối đa các quân trang, khí tài hiện đại nhất thời đó, như mũ sắt của Liên Xô, là đơn vị đầu tiên được sử dụng B41, và chuyển quân bằng xe Giải phóng vào chiến trường. Tất cả họ đều nhập ngũ cùng ngày 27/3/1967, cùng đánh trận đầu tiên trong đời ở Chư tan Kra ngày 26/3/1968 và không ít người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại tại dải núi này. (Ảnh: Ảnh lưu niệm tại gia đình của chiến sĩ Phạm Văn Chúc trước khi vào Nam chiến đấu).

2. Đường trường biết bao là chuyện. Nghe đâu Chính phủ sắp cho lính phục viên mỗi người một khoản tiền, như tớ 7 triệu, cậu chắc được 10 triệu đưa cho vợ. Chán quá nhỉ, bọn mình ra quân chẳng đứa nào vượt qua được cái đại úy. Các cậu biết không, dạo luyện quân tớ lén lấy mủ xương rồng xát vào cà cho sưng phồng lên, được về thăm nhà mấy ngày đấy. Tớ để lại cho thầy tớ cái mũ sắt để thầy ở nhà tránh bom, còn tớ cứ thế đầu trần mà quay lại đơn vị. Sao hồi ấy cậu không bầy chiêu đó cho tớ? Tớ bầy cho cậu để mà chết cả đôi à? Băng đạn AK tớ toàn lắp một viên phá đi kèm với một viên cháy, thằng nào vô phúc dính phải một loạt của tớ thì chỉ có toi. Tớ còn vác ra suối bắn thử, đạn cháy bắn xuống nước sáng xanh lè, chạy loằng ngoằng các cậu ạ. Mà cái vỏ đạn AK nó bằng thép, tớ ghè thử rồi. Nó không như đạn AR15 nhọn, nhỏ, nhẹ. Mấy chú lính mới cầm súng cũng không biết cách. Phải cầm ngang ra, khi bắn nó mới không nảy lên trời. Mà này, có ai còn nhớ mấy câu thơ về bọn mình hồi ấy không nhỉ? Đầu đội mũ thép/Chân đi dép lốp/ Không được về phép/ Không được ăn thêm.

Ôi mẹ ơi, đi thì hoành tráng thế, vào chiến trường rồi thì khóc này, sốt rét, hắc lào lở loét nữa này, mấy cái băng cứu thương khi rũ ra, giòi rơi ra con nào con nấy cứ béo nung núc. Nhưng nghe bảo vết thương mà có giòi thì lại nhanh lành, lạ thế. Tớ có 3 huân chương dũng sĩ, một diệt máy bay, hai diệt chiến xa, kể mà cho gộp lại thì mình có khi thành anh hùng cũng nên. Còn tớ có cái Huân chương chiến công, thằng cháu bị nhốt ở nhà buồn, nó gấp máy bay liệng luôn qua cửa sổ, không biết rơi đi hướng nào. Không khéo mình thức đêm riết đến bây giờ đâm quen. Dạo ở rừng cao su, cứ đúng 4h sáng là tớ “giải quyết nỗi buồn” phải xong, rồi lại nhảy xuống hầm. Chậm chút là đụng chúng nó lấp ló cũng “giải quyết” bên kia, rồi lại chơi lựu đạn vào nhau, thế có phải khổ ra không? Cho nên cứ phải là đúng giờ. Tớ có kinh nghiệm thế này: mùi nước hoa, mùi thuốc lá thơm là mùi Mỹ, mùi phân ị không lấp là mùi Ngụy, cái bọn ấy sao mà mất vệ sinh thế, ha ha. Này, trong người tớ giờ vẫn còn rất nhiều mảnh đạn nhỏ li ti mổ không hết, không biết là loại gì? Tớ chỉ nghe tiếng nổ “cóc” một cái là đã ngất đi. Cậu dính phóng lựu M79 rồi. Cái tiếng “cóc” ấy chỉ có của “thằng” M79 thôi.


Anh Ngọc kể: vào chiến trường, đi qua thấy một cô người Hoa đẹp quá, tớ còn bỏ hành quân ngồi thụp xuống 1 giờ, chỉ để ngắm cô ấy. Mà này, bọn ở Hà Nội vừa gọi điện chửi tớ. Bảo là mấy thằng “đại gia” trốn đi tìm anh em, không cho chúng nó đi theo, khinh bọn mình mỗi thằng 15 phút; tớ bảo, khuyến mại thêm cho 5 phút nữa đấy, tiền trạm đã rồi khi về tớ kể cho mà nghe. Anh Vĩnh kể: nhập ngũ, mẹ tớ còn dấm dúi cho một đồng cân vàng phòng thân, khâu vào trong cổ áo. Cái áo ấy tớ mặc cho đến tận ngày ra quân, vàng ở chiến trường thì biết tiêu vào việc gì? Anh Chúc kể: mẹ tớ thì cho tớ một củ sâm Cao Ly, bảo là khi thật nguy cấp thì hãy dùng đến. Ai ngờ ngay trận đầu đã dính đạn, dùng sạch.


Lính mũ sắt


3. Thoắt vui, rồi lại thoắt buồn. Anh Đồng nói: hòa bình rồi mà tớ vẫn phải lủi thủi gác cái kho đạn suốt cả năm trời không ai đến nhận bàn giao, cho mãi tới 1976 tớ mới nhìn thấy mặt đường nhựa. Anh Vĩnh kể: Có ai biết bài thơ tâm lý chiến thả xuống từ máy bay không? Đây: Con nhớ ngày lên đường xa mẹ/ Theo anh em dấn bước vào Nam/ Non xanh nước biếc chập trùng/ Sớm nắng chiều mưa rừng cơm vắt/ Tuổi thanh xuân cuộc đời như hoa nở/ Vì hòa bình đâu có ngại bước gian nguy… Ý là muốn mình nhớ mẹ, nhớ quê mà trốn ra Bắc hoặc chịu chiêu hồi. Rải đầy rừng, dầy cả gang tay. Hồi ấy có lệnh cấm đọc, có cậu ở đơn vị tớ chấp hành nghiêm chỉnh đến nỗi, đi ị nhưng không dám lấy truyền đơn chùi, dùng nhầm lá han nên bỏng rộp hết cả, lúc hành quân nó chỉ mặc mỗi áo thôi. Ừ, hồi ấy bọn mình chuyển quân bằng cả lối voi đi, cây rẽ sang hai phía hình chữ V, phân còn nóng hôi hổi. Anh Ngọc nói: tớ vào đến Sài Gòn, một bà má nấu cơm cho mấy đứa ăn. Nhìn lên bàn thờ thấy ảnh con má là lính Ngụy, tớ hỏi anh nhà ở đơn vị nào? Bà bảo, nó ở chiến đoàn 52. Tớ rùng mình, chiến đoàn này với bọn tớ quần nhau cả năm trời ở miền Đông, chết không biết bao nhiêu mà kể, ngồi ăn mà cứ lo hão không khéo bà cụ… bỏ thuốc độc! Tôi hỏi: các anh đều là thương binh cả? Anh Ngọc nhìn tôi bằng con mắt phải còn lại: tôi nói thế này để cậu hiểu, mình đã cầm súng lên rồi thì sao bản thân mình lành lặn được? Anh Đồng lại nói: đến bây giờ thì tớ cho rằng, bọn mình đi qua chiến tranh, cứ được sống thêm được một ngày là đã lãi một ngày rồi.


Chiến lệ là các trận đánh, có thể thành hay bại, được tổng kết và biên soạn lại thành bài giảng cho các sĩ quan học, minh hoạ cho một chiến thuật hay một vấn đề nào đó trong trong thực hành chỉ huy chiến đấu, đầy đủ sa bàn, lực lượng hai bên, diễn biến trận đánh cũng như thương vong và dư luận sau đó. Nhưng Chư tan Kra – trận đánh chấn động nước Mỹ (xin nhấn mạnh) - không có chiến lệ. Nó chỉ có trong ký ức mãi mãi không thể nào quên của chừng một trăm người còn sống của tiểu đoàn 7, sư 312 ngày ấy.


(Còn nữa)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm