10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA VIỆT NAM NĂM 2014

30/12/2014 00:33 GMT+7 | Thế giới

1. Kiên quyết đấu tranh phản đối hành động sai trái của Trung Quốc ở biển Đông: Ngày 2/5, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đi ngược lại thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông. 

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam (bên phải) làm nhiệm vụ thực thi pháp luật tại vùng biển Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981, bất chấp sự đeo bám, ngăn cản của tàu hải cảnh Trung Quốc (bên trái). Ảnh: Công Định - Hữu Trung/TTXVN

Với sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đồng lòng nhất trí, bằng các biện pháp hòa bình, đấu tranh mạnh mẽ chống lại hành động sai trái của Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

2. Ban hành nhiều luật quan trọng triển khai thi hành Hiến pháp 2013: Trong năm, Quốc hội đã thông qua 29 luật, nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy Nhà nước, cải cách hành chính – tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đẩy mạnh hội nhập quốc tế… Bên cạnh đó, Quốc hội đã tiến hành đánh giá tín nhiệm đối với các vị lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và thông qua nghị quyết về vấn đề này.

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIII khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội mới ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

3. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra: Trong bối cảnh kinh tế quốc tế còn nhiều khó khăn và thách thức lớn, năm 2014 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam ước tính tăng 5,98% so với năm trước, vượt mục tiêu 5,8% đã được Quốc hội thông qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ước tăng 4,09% so với năm 2013. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm trước. Tuy nhiên, bội chi ngân sách còn cao; còn nhiều khó khăn trong giải quyết nợ công và nợ xấu.

Giàn Công nghệ Trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ khai thác dầu. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

4. Ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam: Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết là sự kế thừa và tiếp nối Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: Trí Dũng –TTXVN

5. Nhiều quyết sách đổi mới giáo dục và đào tạo: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhiều quyết sách đã được ban hành như: Tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia từ năm 2015; Quy định về đánh giá học sinh tiểu học; Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ năm học 2018-2019…

Các thí sinh Cà Mau tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP. Cà Mau. Từ 2015, kết quả kỳ thi THPT sẽ được dùng làm cơ sở để xét tuyển đại học và cao đẳng. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN.

6. Đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, tiêu cực: Việc đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh tế như vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Huỳnh Thị Huyền Như; Kiên quyết xử lý những vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất đối với nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền… khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Nguyễn Đức Kiên bị đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

7. Giải cứu thành công nạn nhân vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng: Hồi 16 giờ 30 phút ngày 19/12, với sự nỗ lực cao nhất của các lực lượng cứu hộ, sau 81 giờ, 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm Thủy điện Đạ Dâng- Đa Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bị sập đã được giải cứu an toàn.

Cứu sống các công nhân. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

8. Nhiều bước tiến trong hội nhập kinh tế: Năm 2014, Việt Nam đã kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Hàn Quốc và FTA với Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, đồng thời đạt được thỏa thuận về định hướng kết thúc đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia đàm phán ba FTA khu vực, gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); Hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); và Hiệp định thương mại tự do với Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA).

Ngày 10/12/2014, tại Busan (Hàn Quốc),Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye chứng kiến lễ ký Bản thỏa thuận kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

9. Hoàn thành nhiều công trình quan trọng: Nhiều công trình quan trọng được đưa vào sử dụng, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Điển hình là các công trình: Tuyến cáp điện ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á; Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; Đường cao tốc Nội Bài–Lào Cai; Dự án cầu Nhật Tân…

Cầu Nhật Tân trong đêm. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

10. Thêm 3 di sản được tôn vinh: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam, đạt cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. Đồng thời, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của Tràng An. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng -TTXVN phát

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm