Những con đường trong thế giới phẳng

14/10/2011 15:13 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Kỳ EURO diễn ra sau đây gần một năm sẽ là dịp mà khán giả được chứng kiến gần như đủ mặt các đội bóng lớn của châu Âu vào thời điểm hiện tại, nhưng không thể loại trừ những bất ngờ đến từ các nền bóng đá nhỏ hơn, vì quá trình thống nhất các quốc gia châu Âu diễn ra trong một thập kỷ qua đang làm mờ nhạt mọi ranh giới giữa các nền bóng đá, và khiến khoảng cách về trình độ cũng được thu hẹp.

Tuyển Đức toàn thắng cả 10 trận vòng loại - Ảnh Getty


Con đường của sự thống nhất

Châu Âu bây giờ rất "phẳng", khi khoảng cách địa lý bị xóa nhòa nhờ các phương tiện thuận lợi, nhân thân tồn tại với tư cách là một công dân nói chung của châu Âu, sử dụng một đồng tiền chung và không đặt nặng về vấn đề đặc thù dân tộc trong các ứng xử của họ. Trong quá trình giao thoa và thống nhất về mọi mặt ấy, những đặc thù của các nền bóng đá cũng trở nên mờ nhạt dần.

Nếu như trước đây, Đức nổi danh với sức mạnh đặc biệt về tinh thần và khả năng rình rập để khai thác sai lầm của đối thủ, thì bây giờ, họ toàn thắng 10 trận vòng loại với một lối chơi chủ động buộc đối thủ phải sai lầm, chuyển từ phòng ngự chủ động sang tấn công tiêu diệt. Italia, bậc thầy về nghệ thuật phòng thủ và thường đề cao kinh nghiệm, cũng đã vượt qua vòng loại với lối chơi tấn công, không còn nặng về tiểu xảo như trước, với một đội ngũ được trẻ hóa. Người Anh vốn bảo thủ, nhưng rốt cục cũng đã chấp nhận thuê HLV nước ngoài trong một thập kỷ qua (sau Eriksson là Capello), thậm chí là còn đòi hỏi từ bỏ sơ đồ 4-4-2 sở trường với lối chơi tạt cánh đánh đầu cổ điển để tiếp thu những hệ thống và tư duy chiến thuật ưu việt hơn. Châu Âu đang học cách chấp nhận và đối thoại, thay vì bảo thủ và áp đặt.

Quá trình thống nhất ấy còn được thể hiện ở mặt nhân sự, khi đội hình của Đức xây dựng từ các cầu thủ gốc Ba Lan và gốc Thổ, Pháp là tập hợp của rất nhiều cầu thủ nhập cư gốc Phi, và Italia cũng đã chấp nhận những cầu thủ nhập tịch như Amauri, Balotelli... Về góc độ kỹ chiến thuật, hệ thống 4-2-3-1 đang trở thành mẫu số chung ở cả cấp đội tuyển lẫn câu lạc bộ, và các đội thích kiểm soát bóng ngày một nhiều hơn.

Con đường của cách mạng và cách tân

Đội Đức chính là minh chứng tiêu biểu cho thành công của những nền bóng đá có tư tưởng cách mạng. Tây Ban Nha, sau quá nhiều năm bị gán biệt danh "Vua vòng loại" cũng đã tìm ra con đường tốt nhất cho bản thân sau thành công ở EURO 2008, với cuộc cách mạng Tiqui-taca. Đội Pháp cũng được tái thiết theo chiều hướng cách tân dưới thời HLV Laurent Blanc. Italia cũng đã đứng dậy sau cú sốc ở World Cup 2010, dưới bàn tay cải tổ của tân HLV Cesar Prandelli, sau khi một thế hệ cũ kỹ và có phần bảo thủ lùi vào cánh gà lịch sử.

Những nền bóng đá không ý thức được sự cấp tiến ấy, hay nói đơn giản là hơn là không biết cách đứng lên từ nỗi đau, thì vẫn sẽ mãi là nạn nhân của lịch sử. Thất bại của đội tuyển Bỉ, một nền bóng đá rất mạnh trong quá khứ và có một đội hình khá đồng đều trong hiện tại, là một minh chứng.

Con đường của truyền thống

Ngoài một vài bất ngờ lẻ tẻ trong chiến dịch vòng loại, thì các đội tuyển lớn ở châu Âu đã cập bến suôn sẻ. Thậm chí, Đức và TBN còn toàn thắng tất cả các trận. Khoảng cách giữa các nền bóng đá đang được thu hẹp lại nhờ quá trình thống nhất về mọi mặt của châu Âu, nhưng nó không phủ nhận đi truyền thống và đẳng cấp đã tích lũy hàng chục năm của các đội tuyển lớn, ngay cả rất nhiều đội chỉ vừa mới gượng dậy sau cơn khủng hoảng như Pháp, Italia...

Nhưng như thế cũng có nghĩa là những đội tuyển thuộc diện "chiếu dưới" mà vượt qua được vòng loại (thậm chí là với tư cách đội đầu bảng như Hy Lạp, Đan Mạch) sẽ tạo ra một kỳ EURO cạnh tranh vô cùng khốc liệt, vì họ chính là những đội tuyển đang tiến sát đến nhóm "đại gia" của châu Âu nhất, trong quá trình mà mọi ranh giới đang dần bị xóa nhòa.

Chính vì thế, có thể tiên đoán được tính cạnh tranh rất cao ở kỳ EURO năm sau, dù Đức và TBN có nổi lên như là những ứng viên hàng đầu đi chăng nữa. Bởi vì đặc tính giao thoa liên tục giữa các nền bóng đá như hiện nay trao thêm cho các đội tuyển khác một vũ khí hữu hiệu: Khả năng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm rất nhanh. Từ nay đến EURO, còn 238 ngày...

Phạm An

Các đội đến EURO qua cửa chính: Ba Lan và Ukraina (những đồng chủ nhà), Đức (nhất bảng A), Nga (B), Italia (C), Pháp (D), Hà Lan (E), Hy Lạp (F), Anh (G), Đan Mạch (H), Tây Ban Nha (I), Thụy Điển (E, đội nhì bảng xuất sắc nhất). Lễ bốc thăm vòng chung kết được tổ chức vào ngày 2/12 tại Kiev, Ukraina.

Các đội đá play-off: Thổ Nhĩ Kỳ (nhì bảng A), CH Ireland (B), Estonia (C), Bosnia (D), Croatia (F), Montenegro (G), Bồ Đào Nha (H), CH Czech (I).

Trái bóng EURO 2012 còn bay nhanh hơn Jabulani!

Jabulani, trái bóng chính thức của World Cup 2010 Đó là thông tin mới nhất được nhà sản xuất dụng cụ thể thao Adidas tiết lộ về trái bóng sẽ được sử dụng ở EURO 2012. Giám đốc điều hành của Adidas, ông Herbert Hainer cho biết: "Chúng tôi đã thiết kế sao cho quả bóng có thể bay nhanh hơn nữa, và chúng ta có thể được chứng kiến rất nhiều bàn thắng ở giải đấu năm sau tại Ba Lan - Ukraina". Ở vòng chung kết World Cup cách đây một năm, trái bóng Jabulani đã bị các thủ môn phàn nàn về tốc độ và quỹ đạo khó lường của nó, nhưng ông theo ông Hainer, thì đó chỉ là chuyện riêng của họ: "Những lời phàn nàn ấy nên chấm dứt cho vòng chung kết bắt đầu, vì mọi người xem bóng đá là để giải trí. Vả lại, ở Champions League (nơi trái bóng mới được thí điểm - TT&VH Cuối tuần), chẳng ai phàn nàn về nó cả". Ông Hainer cũng từ chối tiết lộ tên của trái bóng mới, trước khi nó chính thức ra mắt tại lễ bốc thăm EURO 2012 tại Kiev, Ukraina vào đầu tháng 12 năm nay.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm