Tom Ford và mối tình đồng tính đẹp nhất làng thời trang

15/12/2011 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Họ đã bên nhau gần 3 thập niên và chưa bao giờ rời xa. Tom Ford cho rằng chính mối tình ấy đã đưa anh thăng hoa trong những thiết kế thời trang cao cấp.

Từ Studio 54 đến 845 Madison Ave

Mời bạn đọc theo dõi toàn bộ chuyên đề "Đống tính nhìn từ nhiều hướng" tại đây.

Studio 54 - thiên đường của giới sành sỏi, vũ trường huyền thoại của New York, nơi màu của phấn nhũ rải đầy trên tường. Ở đấy, không phải ai cũng vào được. Ở đấy là vương quốc của Andy Warhol. Ở đấy, Tom Ford nhận ra mình là người đồng tính, ở tuổi 20, của những háo hức đầu đời. Đồng tính thì sao? “Tôi nghĩ, đứng trước phụ nữ tôi đã tháo bỏ được những vật chất tầm thường từ chính tâm hồn mình. Công việc của tôi là phải tiếp xúc với một người mẫu và phải điều chỉnh trang phục trên cơ thể họ, tôi làm điều đó rất khách quan. Tôi không quan tâm đến gì khác ngoài việc làm cho ngoại hình của họ đẹp lên một cách tự nhiên. Còn tâm hồn và tính cách của họ hay đại loại là cái gì đó hoàn toàn không liên quan gì đến công việc của tôi. Tôi không có cảm giác ăn năn hối lỗi sợ làm điều gì sai trái, bởi tôi đã tách ý nghĩ về tình dục khi tôi đang làm việc. Đó cũng là lý do mà người đồng tính sẽ sáng tạo tốt hơn trong ngành thiết kế thời trang”. Studio 54 đón tiếp nhiều huyền thoại và cũng tạo nên nhiều huyền thoại. Studio 54 là một câu chuyện dài, rất dài, nó vẽ lên một New York thời trang, vẽ lên một New York của những xu hướng. Khi Tom Ford thừa nhận mình đồng tính ở Studio 54, như thể người ta thấy lại vẻ hào nhoáng của một thời. Hãy nhìn kỹ những bộ trang phục của Tom Ford, ngoài những vẻ lịch sự đến từng chi tiết, những bộ cánh bằng vải satin bó sát người, những đôi giày boot gắn kim loại… bạn sẽ nhận ra New York của một thời, của những chiếc áo vest mùa Xuân hoa đầy trên áo. Hãy luôn nhớ một Tom Ford lập dị bao giờ cũng ẩn chứa những tháng ngày đầy trò vui ở Studio 54.

Là một người đồng tính, Tom Ford thổi hồn vào những bộ trang phục cao cấp
mà nhiều đánh giá rằng khó ai có thể so sánh được

Hiện Tom vẫn đang ngồi làm việc ở tổng hành dinh Tom Ford International số 845 đường Avanue (New York), chẳng cách xa lắm Studio 54 ở đường West 54th khi xưa. Hai thế giới, một con người. Hai khoảng cách thời gian và một nhà tạo mẫu tài năng. Ở khoảng giữa ấy người ta như thấy cuộc đời Tom phóng lên màn hình quảng trường New York những thước phim cuộc đời sống động. Từ một chàng sinh viên nghiên cứu lịch sử nghệ thuật tại Đại học New York rồi khoác ba lô tạm biệt ngôi trường cổ kính bởi lý do “cúp cua quá nhiều” cho đến một gã trai đỏm dáng có mặt trong các bộ phim quảng cáo truyền hình chiếu toàn quốc. Và rồi lại cắp sách tới trường nghiên cứu kiến trúc nội thất, rồi bay sang Paris làm công việc bưng quần áo cho nhiếp ảnh gia chụp hình tại nhà Chlóe.

Trong bộ phim A Single Man mà Tom Ford làm đạo diễn (chuyện chẳng có gì bất ngờ), bạn có thể thấy Tom Ford có những điểm tương đồng với nhân vật chính Falconer, người đã tính đến việc tự tử sau cái chết của người tình. Sống với quá khứ và không thể dự tính cho tương lai, nỗi tuyệt vọng của Falconer đã nguôi đi khi anh kết bạn với một sinh viên, người gợi lại cho anh những điều đẹp đẽ xung quanh mình và giá trị của cuộc sống hiện tại. “Tôi nghĩ rằng tới một lúc nào đó, hầu hết mọi người sẽ nhận ra rằng có thể những thứ mà mình đang nhắm tới thực sự không làm cho họ hạnh phúc. Hiện có nhiều người sống mà luôn nghĩ tới tương lai, kiểu như: “Khi có được ngôi nhà này, hẳn tôi sẽ rất mãn nguyện” hoặc “Nếu kết bạn được với cô gái ấy, chắc tôi sẽ hạnh phúc lắm”... Hãy sống với thực tại”, Tom Ford bộc bạch. Ít ai biết rằng Tom Ford đã trải qua một tuổi thơ khốn khó. Sống với thực tại có nghĩa là được tràn lấp bởi những trải nghiệm quá khứ. Tom kể “nhà tôi chỉ đủ ăn và tôi không thể có những đồ chơi như những bạn cùng lớp. Tôi luôn hỏi mẹ “vì sao chúng ta không có cái đó, vì sao chúng ta không mặc bộ đồ kia?”, mẹ thường im lặng và phải lớn tôi mới hiểu điều ấy”.

Cuộc đời Tom là những thước phim sống động. Người ta như nhìn thấy mối tình tuyệt đẹp của chàng thiết kế tài năng và ông trùm của tờ Vogue Hommes, Richard Buckley, vẫn bên nhau sau hơn 2 thập niên chung sống. Cả hai rất nhiều lần xuất hiện trước công chúng trong các cuộc họp báo, tuy nhiên, chuyện đời tư của họ không được tiết lộ nhiều trên mặt báo cũng như những scandal tai tiếng khác.

Tom Ford và người tình lâu năm Richard Buckley

Cả hai gặp nhau năm 1986 trong một show thời trang và sau đó họ đã bị cuốn chặt vào nhau. “Chúng tôi thấy nhau lần đầu ở một buổi trình diễn thời trang ở New York năm 1986. Anh ấy 38 tuổi, là biên tập viên thời trang của tạp chí Women’s Wear Daily. Anh ấy tự tin và đẹp tới mức gần như không thể chạm tới. Ánh nhìn của anh ấy nồng nhiệt đến độ làm tôi bủn rủn, nên khi buổi trình diễn vừa kết thúc tôi đã, theo nghĩa đen, cắm đầu phóng ra khỏi cửa để né tránh anh ấy”, Tom nhớ lại khi trả lời cho tờ Out hồi đầu năm 2011. 25 năm quen nhau, mối tình đồng tính ấy được xem là mối tình đẹp nhất trong làng thời trang. “Richard cùng tôi được ràng buộc với nhau, và tôi tin rằng đấy là ý nghĩa của việc khi bạn nhìn vào mắt một người, và cảm tưởng bạn đã biết anh ấy cả đời. Cảm giác ấy như thể bạn đã trở về nhà”, Tom Ford giải thích cho sự lâu bền trong cuộc tình của mình.

Tom Ford yêu và cảm nhận tình yêu và tình dục được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm thời trang của anh. Anh tôn vinh cơ thể và vóc dáng gợi cảm của các chàng trai. Trả lời trước báo giới, Tom cho rằng: “Tôi ghét nói về tình dục nhưng luôn nghĩ về vẻ đẹp gợi cảm được công nhận tốt hơn sự cởi bỏ. Cũng giống như sắc màu của thời trang, gợi cảm là vẻ đẹp vô hình mang nhiều sắc thái khác nhau. Khi bạn nhìn thấy một chàng trai tập thể dục, bạn sẽ nghĩ ồ, chàng ta thật đáng kinh ngạc. Nhưng khi cơ thể cường tráng đó được khoác lên mình những mẫu quần áo thì sự gợi cảm thật đáng chán ngán…”. Tuy nhiên trong thời trang, Tom Ford đề cao sức gợi cảm và khiêu khích trong những bức ảnh quảng cáo của anh. Cũng là lý do để nhà thiết kế này thể hiện cái nhìn về đàn ông trong con mắt của một người đàn ông.

Cá tính lập dị

Điều gì đã ảnh hưởng lên cá tính thời trang của nhà thiết kế được xem là lập dị nhất quả đất ấy? Cứ nhìn vào màn hình (dù là tưởng tượng) bạn sẽ thấy cậu bé 12 tuổi ngồi say sưa ngắm mẹ mình (người có 6 đời chồng) mặc những chiếc váy hoa tuyệt đẹp của nhà Courrege, ngắm thôi bởi cả nhà đào đâu ra tiền mà chưng diện. Nhưng sự ngắm ấy gieo vào lòng cậu bé sống ở vùng đất Santa Fe khô hạn và nắng gió một niềm đam mê màu sắc, một ước muốn đổi đời. “Khi tôi còn là một đứa trẻ tôi muốn mình được trốn thoát khỏi nơi ấy. Tôi lấy đó là chìa khóa cho hạnh phúc của mình. Khi trưởng thành, tôi đến New York và làm việc trong những ngôi nhà toàn kính và tiếp xúc với con người nặng về vật chất và họ cũng rất đẹp và ngắm nhìn họ nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng điều đó chẳng có gì là quan trọng. Và thế là tôi trở về New Mexico”. Nhưng hãy nhớ rằng, Tom trở về khi đã là một vị vua của làng thời trang và thời trang phải cám ơn Chúa đã lôi Thomas Carlyle “Tom” Ford ra khỏi vùng đất ấy để đưa những hương thơm ngọt ngào nhất phủ khắp nơi.

Cuộc đời Tom là một cuốn phim, anh đóng vai chính và may mắn chưa phải kết thúc sớm vở diễn của mình. Nhưng cuộc đời anh có rất nhiều cay đắng từ tuổi thơ nghèo hèn cho đến những ngày bị New York tha hóa và biến đổi. Từ một chàng diễn viên quảng cáo (mà chuẩn thể hình của Tom rất đáng để tự hào) cho đến ngày trở thành nhà thiết kế tài danh là một câu chuyện khác.

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm