Tom Ford: Từ thời trang tới điện ảnh

13/09/2009 10:29 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Tom Ford nổi tiếng trong vai trò nhà thiết kế đã làm tăng vẻ hấp dẫn cho các sản phẩm của thương hiệu thời trang Gucci hồi thập niên 1990. Giờ đây, anh đang thử sức trong lĩnh vực điện ảnh và đưa bộ phim đầu tay A Single Man tới LHP Venice để tranh giải Sư tử Vàng.

Với tác phẩm điện ảnh này, Tom Ford đã chứng minh mình cũng là một đạo diễn có phong cách riêng, giống như khi anh làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của hãng Gucci trong thập kỷ trước. Đã 5 năm kể từ khi nhà thiết kế tài năng này rời khỏi Gucci và tuyên bố với thế giới rằng anh đang thay đổi sự nghiệp, dù vẫn bận bịu tạo dựng thương hiệu thời trang riêng mang tên mình.


Từ trái sang: Tom Ford, Julianne Moore và Colin Firth
tại buổi giới thiệu A Single Man ở LHP Venice

Với sự tham gia diễn xuất của Colin Firth, Julianne Moore và Matthew Goode, A Single Man được Ford chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên mà Christopher Isherwood tung ra hồi năm 1964. Phim này lấy Los Angeles (Mỹ) trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba làm bối cảnh để kể câu chuyện về George Falconer (do Firth thủ diễn), một giáo sư Anh vô cùng đau khổ sau cái chết vì tai nạn ô tô của người tình đồng giới Jim (Goode). Falconer chỉ thoát khỏi nỗi buồn của mình khi đứng trên bục giảng, còn phần lớn thời gian anh vẫn nghĩ về Jim.

A Single Man đã ra mắt khán giả với buổi chiếu hôm 11/9 tại LHP Venice. Ford cho biết: “Dĩ nhiên tôi cảm thấy lo lắng bởi tác phẩm này bộc lộ rõ nhất tôi là ai. Nếu xét trong vai trò một nhà thiết kế thời trang, công chúng sẽ nghĩ rằng tôi là người bảnh bao và sexy. Nhưng đối với tôi, bộ phim này là sự biểu lộ nghệ thuật một cách đơn thuần đầu tiên, vì vậy nó chứa đựng nhiều sự riêng tư”.


Tom Ford và người tình đồng giới
Richard Buckley

Nhiều nhà phê bình tại Venice đã có những nhận xét tích cực về bộ phim này. Còn Stuart Ford, Giám đốc điều hành của IM Global, nơi đang nắm quyền bán phim, cho biết: “A Single Man giành được rất nhiều sự quan tâm”.


Xét theo một số khía cạnh nhất định, Ford có những điểm tương đồng với nhân vật chính Falconer, người đã tính đến việc tự tử sau cái chết của người tình. Sống với quá khứ và không thể dự tính cho tương lai, nỗi tuyệt vọng của Falconer đã nguôi đi khi anh kết bạn với một sinh viên, người gợi lại cho anh những điều đẹp đẽ xung quanh mình và giá trị của cuộc sống hiện tại.

“Tôi nghĩ rằng tới một lúc nào đó, hầu hết mọi người sẽ nhận ra rằng có thể những thứ mà mình đang nhắm tới thực sự không làm cho họ hạnh phúc. Hiện có nhiều người sống mà luôn nghĩ tới tương lai, kiểu như: “Khi có được ngôi nhà này, hẳn tôi sẽ rất mãn nguyện” hoặc “Nếu kết bạn được với cô gái ấy, chắc tôi sẽ hạnh phúc lắm”... Hãy sống với thực tại - đó là thông điệp mà bộ phim này muốn gửi đi”, Ford cho biết.


Tuy cốt truyện thể hiện rõ A Single Man mang đề tài đồng tính luyến ái, nhưng Ford không muốn tác phẩm điện ảnh của mình bị “dán mác” phim gay, mà theo anh đây là tác phẩm xoáy đến những vấn đề toàn cầu.

“Đây không phải là câu chuyện về đồng tính luyến ái. Một trong những yếu tố mà tôi luôn thích trong truyện của Isherwood là các nhân vật không bao giờ đấu tranh với giới tính của mình. Nhà văn chỉ miêu tả các nhân vật đồng tính luyến ái trải qua những nỗi đau thông thường và hài lòng với cuộc sống. Khi công khai mình là người đồng tính, tôi chưa hề vấp phải điều gì quá đau buồn. Tôi vẫn duy trì mối quan hệ với người tình đồng giới (nhà báo Richard Buckley) trong suốt 23 năm qua. A Single Man là phim về tình yêu và sự cô lập. Đối với tôi, đây là một câu chuyện đầy tính nhân văn”, Ford tâm sự.


Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm