Xuyên Việt trên xe tải (Bài 3): Những “chốt chặn” dọc đường

23/09/2009 14:34 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - 6. Quốc lộ 1A là nơi có mật độ dày đặc các trạm kiểm soát của nhiều lực lượng khác nhau. Xế kể có lần cuốn sổ đăng kiểm xe của anh bị ném ra khỏi cửa chiếc ô tô của lực lượng chức năng khi anh tới để trình bày, và có lần suýt bị túm cổ áo, sau khi anh cãi lý. Tôi hỏi, đó là những trạm nào? Tài gạt đi: “Qua sông thì phải lụy đò”.

Một biên bản phạt tài xế xe tải của Quản lý thị trường mà không ai có thể đọc được đã viết gì

Chiều Hà Nội đi TP.HCM, chúng tôi chở 50 chiếc xe máy Sirius và Jupiter, khá nhẹ so với tải trọng cho phép. Xuất phát lúc 14h34, tới 14h42, tức là chưa đầy 10 phút sau, chúng tôi đã gặp trạm CSGT đầu tiên trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Nhưng không phải dừng lại. Và cũng không gặp thêm bất kỳ một trở ngại nào đáng kể từ phía cơ quan chức năng trong suốt lượt đi này. Bí mật nằm ở đâu? Hóa ra Tài chỉ che bạt lưng lửng, nhìn cũng biết chở xe máy, đương nhiên không quá tải. Một số trạm ra hiệu lệnh dừng xe trong đêm, nhưng khi nháy đèn xinh -  nhan xin đi thẳng, là lại được cho qua. Duy chỉ có ở trạm CSGT phía Nam hầm Hải Vân (thuộc Đà Nẵng) là gặp trục trặc. Khi nhận tín hiệu dừng, Xế lại xuống và cãi lý. Tôi thấy lâu quá bèn theo vào quán cóc bên đường, các anh hẳn là thấy “một đồng chí” cứ đứng nhìn cười tủm tỉm đầy khó hiểu, nên cũng ngại lại cho đi. Xe vén bạt là cứ việc đi lại hồn nhiên như một cô gái mặc áo hở rốn vậy thôi.

Sẽ có vài chuyện khi bạt đã được trùm kín mít. Chuyến về, xe chúng tôi chở 170kg mít khô, 5.018kg chuối khô, 1.265kg các loại trái cây khô khác và khoai môn sấy, tổng cộng 1.350 thùng, nặng 7 tấn. Như vậy, xe chở dưới tải trọng cho phép. Chuyến hàng này có trách nhiệm đưa lên cửa khẩu KaLong, Móng Cái để xuất sang Trung Quốc. Và vì là hàng dễ ướt nên phải trùm kín bạt.

Tôi cài ghi âm cho Xế xuống nói chuyện với một trạm dọc đường. “Em chở mít, có tí hàng”. “Tí gì, lốp xe lẹp gí, miết, tí đâu mà tí”. “Đúng hóa đơn của em có 7 tấn hàng thôi mà, hàng đi Trung Quốc có hóa đơn hẳn hoi mà, nhẹ phèo ý. Em có hóa đơn đỏ hẳn hoi. Hàng này hàng xuất khẩu, nó chuẩn”. “Ngoài cái này ra, còn cái gì nữa không?” “Không có thứ gì cả, của em toàn mít sấy. Chỉ có từng đấy hàng…” Và rồi không thấy ai kiểm tra xe.

Tài nói rằng, tuyến Hà Nội – TP.HCM có 29 điểm/trạm CSGT. Xế không đồng ý với con số đó. Anh tính: CSGT TP.HCM ra làm ở vị trí khu Tam Hiệp đoạn lên ngã 3 Vũng Tàu, đấy là một đội; một đội của huyện Trảng Bom (Đồng Nai) kết hợp với trạm Dầu Giây là 2; riêng Dầu Giây có thêm một đội; một của thị xã Long Khánh; một đứng ở đoạn Suối Tre, nhưng lắm hôm đội này chia ra thành hai nhóm. Như vậy, riêng tại tỉnh Đồng Nai đã là 6 điểm, nhưng hôm nào nhiều cũng chỉ gặp 4 đội thôi. Sang Bình Thuận gặp 2 đội; Ninh Thuận 1 đội; Cam Ranh 1 đội; Nha Trang 1 đội; Phú Yên 2 đội; Bình Định 3 đội; Quảng Ngãi ít khi làm 2 đội, thường chỉ gặp 1; Quảng Nam 1 đội; Đà Nẵng 2 đội; Huế 2 đội; Quảng Trị 1 đội; Quảng Bình 2 đội; Hà Tĩnh cũng 2 đội; Vinh 1 đội; Thanh Hóa 2 đội; Ninh Bình 1 đội; Hà Nam 1 đội, về tới Hà Nội gặp thêm 1 đội cuối cùng. Tất nhiên không bao giờ gặp đủ ngần ấy đội trong một chuyến xe hàng cả.

Sang tải trước khi vượt qua trạm Dầu Giây

Như vậy, theo cách tính của riêng Xế, xe chạy một chiều Nam Bắc có thể gặp tối đa tới 33 điểm/trạm CSGT. Với một mật độ dày như vậy, đến một con kiến cũng không thể chui lọt, chứ đừng nói gì tới một chiếc xe tải chở hàng.

Tôi thử bấm giờ trong đêm 13.09: 20h05 gặp một trạm ở cuối tỉnh Quảng Ngãi; 20h39 gặp một trạm ở đầu tỉnh Quảng Nam; 22h20 gặp tiếp ở Hòa Vang, Đà Nẵng; 22h58 gặp trạm ở phía Nam hầm Hải Vân; 23h48 gặp trạm đầu tiên của Huế… Mỗi trạm, tài xế chỉ nhảy xuống khỏi buồng lái chừng 2 phút, không rõ diễn ra những gì, rồi lại leo lên. Và vẫn không thấy ai kiểm tra xe gì cả.

CSGT không phải của riêng ai cả. Đó là một biểu tượng của quyền lực thể chế, một biểu tượng mà hàng vạn người dân gặp, hàng ngày. Trừ khi ngủ trên xe, còn lúc thức, tôi không thấy một trạm CSGT nào dọc Quốc lộ 1A được xây dựng đủ bề thế để thể hiện quyền lực nói trên. Các anh thường đứng ở những nơi xa dân, vắng vẻ, hoặc ngồi trong những quán nhỏ tồi tàn, và việc hạ lệnh dừng xe để “kiểm tra vài phút” rồi chia tay, thì người dân ngồi trên các xe khách Nam Bắc nhìn thấy sẽ nghĩ những gì? Tài và Xế đều khen CSGT Bình Định về chuyện nói năng lễ độ; khen CSGT Quảng Trị vì có khi đi 5 – 7 chuyến mới gặp một lần. Nhưng không phải trạm nào cũng được như vậy cả. Có lẽ, Cục CSGT đường bộ, đường sắt đã lâu rồi không “vi hành”, và cũng đã lâu rồi không lấy phiếu thăm dò ý kiến của tài xế đường trường. Tôi ấn tượng với quan điểm về kiểm soát xã hội của xã hội học, mà theo đó sự kiểm soát này đối lập với sự điều tiết cách xử sự bằng uy lực và trừng phạt. Kiểm soát xã hội có hiệu quả nhất là nhìn lại chính mình qua cách nhìn của người khác, tự kiểm tra, nhằm làm cho con người tự giữ được mình trong khuôn khổ những yêu cầu của xã hội. 

7. Chuyến đi, xe đỗ lại ở Thanh Hóa ăn tối, tôi đã nghe nhiều lái xe trong quán than thở về trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai). Họ cho rằng, biện pháp cân trục hiện hành của trạm cân này đối với xe tải là điều quá ư vô lý. Tài xế xe 61H xxxx than phiền, ông đã vừa phải đi vòng qua đường khác: từ Bình Dương lên Đồng Xoài, đi Đắc Lắc rồi xoay về Nha Trang để tránh trạm cân. Xe ông đi sát biên giới Campuchia lên Tây Nguyên, vì vậy đường đèo dốc nhiều hơn, tốn thêm khoảng 500 - 700 ngàn đồng tiền dầu, nhưng như thế còn hơn phải “chạm trán” trạm cân trên. Ông cũng cho biết, có khoảng 6 con đường khác vòng tránh qua trạm Dầu Giây, tùy việc xuất phát ở vị trí nào mà đi theo đường đó.

Tài xế này không phải là người duy nhất đi vòng tránh. Theo tính toán của Công an Đồng Nai, hiện có đến 16 tuyến đường tỉnh, đường huyện và hàng chục đường nông thôn, đường nội bộ KCN, khu dân cư mà lái xe dùng để “né” trạm cân. Hiện lượng xe qua trạm cân này chỉ còn khoảng 30% so với trước, chủ yếu là xe không tải, xe tải nhỏ hoặc xe không quá tải. Ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, nói với báo chí: “Sau khi trạm cân Dầu Giây hoạt động, nhiều tuyến đường nhánh ở địa phương có lượng xe tăng lên đột biến, đến hàng trăm chiếc/ngày đêm khiến mặt đường bị lún nứt, đọng nước, kết cấu nền, móng bị phá vỡ nghiêm trọng”. Chỉ tính tới tháng 7/2009 đã có khoảng 50 km đường nhánh đã bị hư hại và diện tích mặt đường cần tái lập là 145.000 m2, tương đương 70 tỉ đồng.

Một chủ doanh nghiệp vận tải nói với tôi rằng nhà quản lý đưa ra quy định cân trục là thiếu thực tế, trước đây chỉ áp dụng cân tổng thể, không vượt tải là được phép đi. Khi áp dụng cân trục thì 10 xe “dính” cả 10. Và nếu xếp hàng lệch trục, tại sao không bị phạt theo điều khoản “xếp hàng lệch trọng tâm” (mức phạt 300 ngàn đồng) mà lại tiến hành phạt nặng và thu bằng lái? Người làm nghề tài xế lương tháng dăm triệu bạc, có cái giấy phép lái xe làm cần câu cơm nhưng hết bấm lỗ giờ lại thu của họ? Giới vận tải cũng đã nhiều lần kiến nghị bỏ trạm cân này, nhưng ngày chúng tôi đi qua, trạm cân trên vẫn nguyên vị.

Tài và Xế phân tích, không biết luật có cho phép áp dụng cùng một lúc hai kiểu cân tại một trạm hay không, dù đã đúng tải trọng cho phép, nhưng để làm “hài lòng” kiểu cân trục này, các anh sẽ phải bỏ bớt hàng phía sau. Nếu xếp dồn lên phía trước “quá tay” lại bị phạt vì chiều cao thùng xe vượt mức cho phép. Xếp hàng như vậy sẽ nặng dúi đầu, dễ nổ lốp trước, nguy hiểm hơn cho người lái, đồng thời sẽ làm tốn thêm 300 – 500 ngàn tiền dầu mỗi chuyến. Và khi hàng là cả một cỗ máy nguyên khối, thì xếp thế nào? Chỉ còn cách vòng tránh. Không rõ trạm cân này đã làm lợi được những gì, nhưng với những thông số như trên thì có lẽ hiệu quả là khiêm tốn, theo cách nhìn của giới vận tải đường trường.

Xuống xe “trình giấy tờ”. Ảnh chụp qua kính chiếu hậu


15h39 ngày 12.9, chúng tôi trở về, trước khi qua trạm cân này phải dừng lại để chuyển bớt khoảng 3 tạ hàng cho một xe tải nhỏ, nhằm cân bằng tải trọng trục. Đi qua trạm cân chừng hơn 1km, chúng tôi lấy lại số hàng trên phía sau một cây xăng thuộc xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom. Mất oan 300 ngàn đồng và hai giờ đồng hồ - Tài lẩm bẩm. Một quyết sách chỉ cần lệch một chút là đã có thể gây thiệt hại cho rất nhiều người, như quy định trước đây hạn chế tốc độ dưới 30km/h, bây giờ đã bỏ.

8. Khoảng năm 2002, một nhóm nhà báo chúng tôi bỏ ra một năm để thực hiện loạt bài “Săn mãi lộ trên cung đường 6”. Đây là con đường độc đạo xuyên Tây Bắc, trong nhiều năm trời, việc các “chốt chặn” ăn tiền của các chuyến xe hàng vận tải là một nỗi bức xúc lớn trong dư luận. Chúng tôi đã đóng giả làm lơ xe của 6 xe hàng nhập khẩu từ Uđômxay - Lào qua cửa khẩu Tây Trang, Điện Biên về Hà Nội. Phải mất một thời gian sau chúng tôi mới nhận ra rằng, loạt bài đó đã được viết bằng thứ ngôn ngữ đầy tức giận và khinh bỉ. Một số người đòi và nhận mãi lộ vượt ngưỡng hình sự đã bị bắt giữ nhiều tháng trời phục vụ quá trình điều tra, xét xử.

Phiên tòa vùng cao hôm ấy diễn ra ở một hội trường của huyện Tuần Giáo gần chân đèo Pha Đin, trơ trụi mấy bị cáo, dăm người thân, một CSGT làm nhiệm vụ giữ trật tự phiên tòa và chúng tôi – nhân chứng. Tòa giải lao, bị cáo và nhân chứng ngồi tụm với nhau, hút thuốc vặt. Lúc đó tôi mới biết, có người trong lúc bị tạm giam vợ đã chết mà không thấy mặt chồng, con gái bị băng huyết chết mà không thấy mặt cha. Có người cho tôi xem bàn tay có đường chỉ hình vành móng ngựa, và nói rằng cứ tưởng đời mình nhiều lắm thì chỉ ra tòa để ly dị vợ, ai ngờ… Bàn tay anh ấy – tên là Quang – đầy mồ hôi. Đến khi được phép, chúng tôi nói trước tòa vài điều. Và họ đều được thẩm phán Sùng A Xà cho hưởng án treo.

Đêm ấy, tất cả chúng tôi đã uống rượu với nhau đến sáng. Sau này có đợt Quang về Hà Nội, anh gọi điện rủ đi uống bia, thông báo đã được chuyển công tác về huyện Mường Lay. Chúng tôi cứ im lặng ngồi uống với nhau vậy thôi. Ừ, chúng ta đã lỡ làm nhau đau, nhưng khổ nỗi chúng tôi ghét bất cứ ai làm cho Tây Bắc đẹp nhường này nghèo đói. Có lẽ đến giờ Quang vẫn chưa biết vì sao anh ta bị bắt “đúng người” như vậy. Bởi, sau khi bài báo đăng tải, chúng tôi đã mô tả theo yêu cầu của cơ quan điều tra về một người mặc áo có miếng vá hình chữ L ở sau lưng. Bộ sắc phục để đi làm mà phải vá víu như vậy đấy!


Quốc lộ 1A không có những pha đòi mãi lộ gay gắt và trắng trợn như đường 6 mà tôi thấy trước đây. Tôi cứ lo lắng mãi về điều đó, nhưng không thấy. Cuộc sống đã thay đổi quá nhiều rồi.

(Còn nữa)
 
Ghi chép của Việt Thường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm