Xuyên Việt trên xe tải (Bài 1): Khởi hành chuyến đi hơn 3.400km

21/09/2009 14:37 GMT+7 | Thế giới

Tôi nhận lời tham gia hành trình Hà Nội – TP.HCM – Hà Nội, cả đi cả về khoảng 3.400km trong 5 ngày, bằng xe tải, gần như không một chút phân vân. Đã bao giờ trong đời, tôi chậm rãi đi suốt một dải Bắc Nam trên Quốc lộ 1A, con đường thông thương trọng yếu bậc nhất của đất nước này đâu? 24h chuẩn bị, khi tôi quẳng hành lý của mình lên buồng lái chiếc Hino nằm chờ ở gầm cầu chui Pháp Vân – Hà Nội, lúc đó là 14h34’ của một ngày dễ nhớ: 09.09.2009.

Quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy rằng, đầu kéo container Freightliner, xe tải Huyndai, Hino… là những dòng xe được ưa chuộng nhất, đang xưng hùng xưng bá trên những xa lộ dọc ngang đất nước. Chiếc Hino PG 210 - chiến xa của ba anh em chúng tôi là dòng mui bạt, dài 11m80, cao 4m, hai cầu 6 bánh, sức chở gần 10 tấn, không một vết xước do va quệt, dù đã chạy cả trăm chuyến Bắc Nam. Nhìn chiếc xe, thật yên lòng “trao thân gửi phận”, trong cái thời buổi tai nạn giao thông nhiều như vãi trấu này. Hai cái bắt tay với hai người tài xế - những bàn tay khỏe mạnh và chai sạn - là xong “thủ tục”, và nổ máy khởi hành.

Núi Đá Bia (700m, ngọn cao nhất trong khối núi Đại Lãnh, thuộc dãy Đèo Cả - Phú Yên). Ảnh chụp từ buồng lái

1. Buồng lái điều hòa mát mẻ, phía sau hàng ghế được thiết kế thêm một cái giường nho nhỏ. Nằm lắc lư rung rinh ở đây mà đọc lại “Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn” của Mẫu Sơn Mục N.X.H không phải là hợp tình, hợp cảnh hay sao? Tôi không biết Mẫu Sơn Mục N.X.H là ai, và vì sao tên ông lại viết tắt, nhưng thiên du ký đăng tháng 5.1928, số 129 trên tạp chí Nam Phong này có thể gọi là một kinh điển. Xin trích lại ở đây đôi dòng để tạo niềm cảm hứng.


“Hôm mồng 3 tháng 8 ta trước tôi nhân về Hà Nội, gặp ông L., ông rủ tôi đến mồng 6 cùng đi Sài Gòn, vì ông đi ô tô một mình, muốn giữ tôi đi cho có bạn, tuy ngặt ngày và đồ hành lý thiếu thốn, tôi cũng nhận lời ngay, vì cuộc đi chơi đường bộ vào Huế và Sài Gòn là một cái mộng tưởng của tôi đã lâu… 5h sáng hôm mồng 6 tháng 8 ta ở Hà Nội khởi hành, sương sớm tờ mờ, rạng đông mới hé, xe chạy vù vù… Trưa đến Thanh Hóa. Thanh Hóa buôn bán bình thường, vì không tiện đường thủy. Tỉnh Thanh sơn thanh thủy tú, dân cư trù phú, có khi vào hạng nhất nhì trong Trung Kỳ… Vịnh (Vinh - Nghệ An, chú thích của PV) là đầu đường xe hỏa ra Bắc Kỳ, lại tiện đường thủy, phố xá buôn bán sầm uất lắm.

Cánh đồng tỉnh Hà Tĩnh, ruộng nương có vẻ tươi tốt hơn tỉnh Nghệ. Nhưng ở đấy không biết có kiểu đất gì mà khắp cánh đồng lô nhô những mộ. Có khi không có đám ruộng nào là không có đến mấy cái mộ, làm cho mất cả cảnh sinh hoạt của cánh đồng tốt đẹp ấy đi.

Đi một lúc nữa đến núi Hoành Sơn, là một chi núi nhỏ ở núi Tràng Sơn (Chaine annammitique - Trường Sơn - PV) chạy rẽ ngang ra bể, như hình chữ nhất, không cao, độ trăm thước tây thôi, đường ô tô đi có một chữ “chi” thì lên đến đỉnh đèo.


Qua đèo Hoành Sơn (đèo Ngang - PV), lối y phục đã khác, đàn bà bới tóc, khăn vành giây, áo cài khuy cổ, quần trắng, tức là lối ăn vận Huế vậy. Khi đến Huế cái nhiệt độ cảm tình của tôi lên rất cao, chả kém gì khi đến Vịnh. Kinh đô Huế là nơi phong cảnh xinh đẹp, êm đềm, u nhã, chứ không bát ngát, lưu thông, hoạt động như Hà Nội.

Ải Vân Quan (đèo Hải Vân - PV) cũng là một chi núi ở dải Tràng Sơn chạy ngang ra bể, làm bình chướng cho mặt Nam kinh đô, cũng như núi Hoành Sơn làm bình chướng cho mạn Bắc, duy Ải Vân Quan thì cao hơn, hiểm hơn Hoành Sơn nhiều. Đỉnh đèo Ải Vân Quan cao độ 150 thước, giữa đỉnh cũng có một cái cửa và một bức tường chắn ngang, nhưng to lớn hơn bức tường ở Hoành Sơn, mà lỗ châu mai lại quay về Bắc; thế mới biết xưa nay thường là mạn Bắc xâm xuống mạn Nam.

Nước ta có hai cái Col des nuages (đèo mây), một cái là Ải Vân Quan này, còn một cái ở vào Lao Kay đi Phong Thổ và Lai Châu, ta gọi là “rừng cấm” (đỉnh đèo cao nhất Đông Dương này có lối đi bộ lên Fansipan - PV).

Ở Bình Định và Quy Nhơn đã bắt đầu có những tháp của người Hời (người Chăm - PV) còn di tích lại. Người Hời là dân cũ của Chiêm Thành bị nước ta diệt mất, nay còn một số ít người, rút vào miền Phan Rang và Phan Rí (thuộc tỉnh Bình Thuận).


Sớm mồng 9 ở Quy Nhơn ra đi, độ 20 cây thì qua đèo Cù Mông, cao độ 100 thước tây, rồi qua tỉnh Phú Yên, qua phà sông Ba, cái phà này dài lắm, ở bờ bên bắc mà qua sang bờ bên nam phải đi ngược nước, lại càng lâu, ít ra là một giờ rưỡi. Đi một lúc nữa thì đến Đèo Cả (Col Varella). Cái đèo này cũng chìa ra bể như đèo Ải Vân, nhưng cao hơn, dốc hơn, lại quanh co nhiều hơn. Cái đèo này đã phải một chiếc ô tô hàng chở khách lăn xuống bể hại mất hai, ba mươi người.

Khi đến bờ sông Nha Trang, bóng chiều đã xế, phong cảnh đẹp lắm. Bờ sông bên trái, có một hòn núi nho nhỏ, trên đỉnh dựng hai ngọn tháp Hời (tháp Hời bao giờ cũng xây hai cái, một cái lớn, một cái nhỏ, tục truyền tháp ông tháp bà), bóng xế chiều hôm làm cho cái sắc gạch đỏ lại thêm tươi.

Cái tháp Hời xây bằng gạch đỏ hòn nọ sát liền với hòn kia, không thấy mạch vôi, khéo lắm, trên các nóc tháp có hình như con kỳ lân bằng đá, hình tháp dưới nhỏ trên to, lối kiến trúc giống lối Ấn Độ và Đế Thiên, Đế Thích, hàng năm đến ngày lễ, người Hời vẫn kéo đến lễ, chuông trống nhộn cả lên.

Từ Quy Nhơn về đến Phan Rang, các chi núi ở dải núi Tràng Sơn đổ ra bể, hình như một đoàn long xà trong núi tổ đua nhau chạy ra, ngóc đầu lên mà chồm ra phía nam bờ bể Thái Bình vậy.

Người Mọi ở cao nguyên D’jirind xem ra sức lực lắm, ngực và chân tay đều nở nang, chứ không lẳng khẳng như người ở đồng bằng từ Huế vào đến Sài Gòn. Thế mới biết người mình không có cái tính ở rừng núi, bị thiệt hại chả biết là chừng nào.

Thành phố Biên Hòa tuy nhỏ mà đông đúc vui vẻ lắm. Hàng cao lâu của các chú (người Hoa - PV) rất là náo nhiệt, xe ô tô tư, xe ô tô hàng đi lại rầm rập, xe ngựa cho thuê đứng đầy một khu đất cạnh chợ.

Người Tây gọi Sài Gòn là hòn ngọc ở Đông Dương, nhưng dễ nói về vài ba mươi năm về trước, chứ bây giờ thì ở Hà Nội cũng không kém gì Sài Gòn, như là nhà hát tây, các trường học, cầu Doumer (cầu Long Biên - PV), các lâu đài tư gia, đều tráng lệ hơn Sài Gòn cả.

Sài Gòn là thành phố mới cho nên phố xá đều rộng rãi, sự vui vẻ thì dồn lại ở phố Tây và ở chỗ chợ, chung quanh chợ có ba dẫy phố ngoảnh mặt vào chợ rất rộng rãi (ba dẫy phố này người ta nói là của người Khách tên là Hỏa, người Khách này có đến một phần chia ba đất ở thành phố Sài Gòn), mà náo nhiệt nhất là các hàng cao lâu.

Vào hàng cao lâu của người Khách, thấy những tiếng nào khạc nhổ, nào quát nói, chẳng kiêng nể ai, thực là chán cho xã hội Trung Hoa quá.

Nhân đây lại nói đến sự ăn mặc ở trong Sài Gòn này: đàn bà sang trọng thì quần áo và khăn quàng đều là nhiễu hoa trắng. Người làm ăn thì quần áo toàn là vải đen, trên đầu vắt một cái khăn vải trắng, dòng dọc đen, dài độ ba bốn vuống. Áo toàn là hai ống tay chật nít lại và gài khuy cổ cả. Từ Ải Vân Quan vào đến Sài Gòn đều lối ăn mặc này, trông lẳng khẳng đen sì, không được đẹp mắt. Về lối ăn mặc của đàn bà ta, tôi tưởng không gì bằng lối ăn mặc của nhà quê Bắc Kỳ.

Cái yếm của đàn bà mình thực là đẹp, mà lại hợp vệ sinh là giữ được kín bụng, lại giữ được vú khỏi sa. Và đàng lưng lại hở mát, vì mình ở xứ nóng. Nếu ở ngực có đeo đồ trang sức, được cái yếm lại tôn đẹp thêm lên. Cái yếm thực là một đồ ăn mặc đẹp đặc biệt của đàn bà nước mình, nên giữ lấy, duy chỉ sửa lại ít nhiều, hoặc tô điểm thêm vào đôi chút mà thôi.

Người đàn ông Nam Kỳ ăn mặc lối ta áo dài chít khăn không có mấy nữa (vào chơi Nam Kỳ nên ăn mặc Tây, chứ mặc ta thành ra lạ mắt người ta, mà mình cũng tự ngượng). Trừ một phần ít ăn mặc tây, còn thì ăn mặc xuềnh xoàng lắm, chỉ khăn xéo, áo cánh trắng, quần thâm.

Trong Nam Kỳ không có cái tục ăn thuốc lào, mà hút thuốc lá lại càng nhiều, còn sự ăn trầu có lẽ lại là hơn ngoài Bắc Kỳ. Tục ăn trầu và hút thuốc lào, người các nước lấy làm bẩn lắm. Vậy các cậu các cô thiếu niên tân tiến nước ta cũng nên trừ bỏ dần đi.

Cái hình thế thành phố Sài Gòn là cái cửa bể, là cái đô hội miền nhiệt đới, là cái phong cảnh nhân tạo, cho nên phần náo nhiệt bề ngoài thì hơn Hà Nội, mà phần tôn nghiêm lặng lẽ bề trong của Hà Nội thì cơ hồ không có”.

Đường đẹp như tranh


2. Kể từ khi bài du ký này được đăng tải, đã 84 năm trôi qua, tương đương với 4 thế hệ lần lượt chào đời. Một tài xế nói với tôi rằng, Hưng Yên, Bình Định và Cổ Dũng - Kim Thành - Hải Dương hiện giờ là những nơi có đầu xe tư nhân chạy Bắc Nam nhiều nhất cả nước. Cổ Dũng thì tôi biết, đất đó rất hay bị sét đánh. Sét mạnh đến nỗi, có thể quăng cả cây vải từ bờ sông bên này sang bờ bên kia; có người lái công nông giữa đồng bị đánh đứt hết cả cúc áo cúc quần, râu đang đen trở thành trắng, mà không chết. Nơi ấy nghề sửa đồ điện tử từng mọc lên như nấm, vậy mà giờ đã ồ ạt chuyển sang mua xe chạy đường trường hết rồi sao? Non nước chỉ cần vài năm không quay trở lại, là đã đổi thay nhiều.

Tôi hỏi một Thượng tá của Cục CSGT đường bộ, đường sắt rằng Việt Nam có bao nhiêu xe tải thì nhận được câu trả lời là “không rõ”, chỉ biết hiện cả nước có hơn 1,3 triệu ô tô các loại, 27 triệu xe gắn máy. Cục Đường bộ - Bộ GTVT cũng chưa cung cấp giúp tôi thống kê chi tiết về số liệu này. Nhưng có lẽ con số phải là hàng chục vạn, không thể ít hơn. Tương ứng với nó là gấp đôi, gấp ba số tài xế chuyên nghiệp dùng nghề lái xe tải để mưu sinh trên các nẻo đường. Quốc lộ 1A là con đường dài nhất, nhiều tai nạn nhất trong số đó, nhưng buộc phải đi, vì họ không lựa chọn đường HCM rồi xuyên Tây Nguyên để vào Nam, bởi nhiều đèo dốc, tốn nhiên liệu và vắng thưa người.

Trong lúc tầu cao tốc trên biển Hoa Sen do Tập đoàn Vinashin mua từ Ý với giá khoảng 60 triệu euro nhằm thực hiện các chuyến vận chuyển hàng hóa và khách du lịch trên tuyến biển Bắc – Nam “đắp chiếu” nằm ụ ở cầu tầu vì lỗ nặng; vận tải hàng trên xe lửa (tầu hàng) chỉ khiêm tốn mỗi ngày dăm toa, vài chuyến; doanh nghiệp vận tải đường bộ nhà nước không thể cạnh tranh nổi với tư nhân, thì các doanh nghiệp “nhỏ lẻ” đang làm chủ các con đường hàng hóa huyết mạch sống còn. Tài xế đường trường, họ chứ còn ai nữa, là hồng cầu của mạch máu vận tải xuôi ngược hai chiều đất nước, hàng ngàn, hàng vạn chiếc mỗi ngày. Dòng xe của họ đi, thay nhau lái, ròng rã ngày đêm, thao thiết như nước chảy.

Tôi phải đi cùng họ, và tranh thủ nghiêng ngó thăm thú qua buồng lái, mà nói như Mẫu Sơn Mục N.X.H, là “một cái mộng tưởng” đã có lâu rồi.

Ghi chép của Việt Thường

Bài sau: Tài xế đường trường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm